Tân binh gây bất ngờ khi lên tuyển từng là 'vua' bóng đá phủi

Trong giới bóng đá 'phủi', không ai không biết Phong 'bướm' khi anh từng lên ngôi tại HPL S1 (Giải Bóng đá ngoại hạng phong trào mùa 1).

Nguyễn Việt Phong (phải) khoác áo đội tuyển Việt Nam trong hai trận vòng loại World Cup 2022hồi tháng 10

Nguyễn Việt Phong (phải) khoác áo đội tuyển Việt Nam trong hai trận vòng loại World Cup 2022hồi tháng 10

Sinh ra trong một gia đình kinh tế khá giả nhưng tiền đạo Nguyễn Việt Phong lại thiếu tình yêu thương của cha mẹ khi còn nhỏ. Anh phải ở với ông bà. Họ cũng chính là những người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của chân sút đang khoác áo Viettel.

Hành trình lận đận

Bình luận viên Vũ Quang Huy đánh giá: “Nguyễn Việt Phong sở hữu kỹ thuật và tốc độ tốt cùng thể hình ấn tượng (cao 1,78m - PV). Tuy nhiên, cầu thủ này chơi không quá nổi bật trong màu áo các CLB từng đầu quân. Nhiều người thắc mắc vì sao HLV Park Hang-seo lại gọi cậu ấy, tôi cũng ngạc nhiên nhưng tôi tin ông Park có những toan tính riêng mà chúng ta không thể hiểu. Hiện tại, Phong vẫn là một ẩn số nhưng biết đâu trong tương lai cậu ấy sẽ tỏa sáng dưới bàn tay dìu dắt của ông Park”.

Trong hai trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á của tuyển Việt Nam trong tháng 10, có một điểm chung là cả hai trận HLV Park Hang-seo đều tung tiền đạo Nguyễn Việt Phong vào sân trong những phút cuối. Tuy thời gian anh xuất hiện không quá nhiều (tổng cộng khoảng 30 phút) nhưng đó cũng là cả một niềm tự hào mà Phong chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Ở đợt hội quân cuối tháng 9, đầu tháng 10, HLV Park Hang-seo gây ngạc nhiên khi triệu tập bổ sung Việt Phong vào đội hình tuyển Việt Nam bởi ngay cả ở CLB Viettel, cầu thủ này cũng không phải là sự lựa chọn số 1 trên hàng công và mới có 1 bàn thắng tại mùa giải năm nay.

“Lúc biết mình được triệu tập, thực sự tôi không dám tin, cứ nghĩ mình đang mơ. Bóng đá Việt Nam đang có nhiều cầu thủ giỏi trên hàng công nhưng thày Park lại trao cơ hội cho tôi. Sau đó tôi nghĩ chắc thày nhìn thấy ở mình có điểm gì phù hợp với lối chơi mà thày đang xây dựng”, cầu thủ có biệt danh Phong “bướm” kể lại.

Trong giới bóng đá “phủi”, không ai không biết Phong “bướm” khi anh từng lên ngôi tại HPL S1 (Giải Bóng đá ngoại hạng phong trào mùa 1) cùng CLB Thành Đồng. Tiền đạo sinh năm 1993 nổi tiếng với cái chân trái khéo léo cùng tốc độ tốt. Bản thân anh cũng thừa nhận, điểm mạnh của mình là kỹ thuật. Tuy nhiên, sự nghiệp chuyên nghiệp của anh lại khá lận đận. Cầu thủ thuộc biên chế Viettel bắt đầu tập bóng đá ở lò Thể Công từ năm 10 tuổi, tới năm 14 tuổi thì được biên chế vào đội trẻ.

Tuy nhiên, khi Phong cùng đồng đội đang nỗ lực để sớm giành 1 suất lên đội 1 thì Thể Công giải thể (2010) khiến anh phải chuyển sang đầu quân cho Hòa Phát Hà Nội. “Đội Hòa Phát khi đó tổ chức một vài trận giao hữu ở các lứa tuổi để nhặt các cầu thủ phù hợp của Thể Công về tiếp tục đào tạo. Tôi may mắn nằm trong số đó”, Phong nhớ lại. Trớ trêu, ăn tập ở đội bóng mới chỉ được chừng 2 năm, một lần nữa anh lại phải chịu cảnh bị đẩy ra đường khi Hòa Phát Hà Nội tuyên bố giải thể.

“2 năm nhận hai cú sốc lớn khiến tôi nản chí. Thời điểm đó, tôi đã có suy nghĩ hay là mình dừng lại. Nhưng một suy nghĩ khác đã đè lên suy nghĩ trên: Bỏ bóng đá rồi mình sẽ làm gì? 18 tuổi, cái tuổi không còn trẻ để tôi bắt đầu một cuộc đời mới. Quan trọng hơn, ngoài đá bóng, tôi chẳng biết làm gì. Giữa lúc đang mất định hướng, tôi được thày Đặng Phương Nam gọi về Viettel, hậu duệ của Thể Công”, tiền đạo 26 tuổi chia sẻ.

Lò Viettel chính là bước đệm giúp Việt Phong tiến vào bóng đá chuyên nghiệp nhưng anh chàng này cũng phải bôn ba qua Hải Phòng, Cần Thơ trước khi trở lại khoác áo đội bóng áo lính ở mùa giải 2019. Đồng đội tập cùng Phong những ngày đầu ở Thể Công giờ cũng chỉ còn vài người đang chơi bóng. Nổi bật nhất là Văn Thuận đá cho TP HCM. Ngoài ra có Đình Thắng khoác áo Quảng Nam, Thanh Long thuộc biên chế Bình Dương.

Nhìn lại cả một hành trình dài, rõ ràng Việt Phong là một trong những tuyển thủ “lận đận” nhất. Cũng chính bởi vậy, chàng trai 26 tuổi càng thêm trân quý những phút giây ít ỏi được khoác lên mình màu áo đỏ sao vàng.

“Tôi vào sân chỉ vài phút ở trận gặp Malaysia nhưng vài phút này có ý nghĩa rất lớn với tôi. Nó là sự khởi đầu cho một chặng đường mới đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn ở phía trước. Tôi không chắc mình có được lên tuyển ở những lần sau hay không nhưng chắc chắn tôi sẽ không ngừng cố gắng, chăm chỉ tập luyện để hoàn thiện bản thân”, Phong nói đầy quyết tâm.

Đá bóng để quên đi nỗi nhớ bố mẹ

Nguyễn Việt Phong trong màu áo CLB Viettel

Vài nét về Việt Phong
- Sinh năm: 1993.
- Quê quán: Đống Đa, Hà Nội
- Vị trí: Tiền đạo cánh trái
- Từng khoác áo CLB: Thể Công, Hòa Phát Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Viettel.

Nguyễn Việt Phong sinh ra ở ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Dù gia đình thuộc diện khá giả nhưng tuổi thơ của anh lại là những ngày sống thiếu tình cảm cha mẹ. Sinh Phong không được bao lâu, bố mẹ anh gửi con lại cho ông bà ngoại để ra nước ngoài làm ăn. Lúc đó, Phong mới chập chững biết đi, chưa đủ lớn để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Lớn hơn, anh bắt đầu thèm nhớ vòng tay của cha mẹ mỗi khi đêm xuống. Thương cháu, ông bà ngoại dành tất cả tình yêu cho Phong, hết mực chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Thế nhưng, khoảng trống mà bố mẹ anh để lại vẫn không thể san lấp.

“Nhìn bạn bè được bố mẹ đưa đến lớp, đưa đi chơi tôi tủi thân lắm, chỉ muốn bố mẹ về thật nhanh. Để quên đi nỗi buồn, tôi bắt đầu chơi đá bóng. Những ngày nghỉ, những buổi trưa, tôi cùng các bạn thường ra công viên Thống Nhất xếp gạch làm cầu môn đá bóng. Dần dần, bóng đá ăn vào máu của tôi từ khi nào không hay, càng đá càng ham”, tuyển thủ Hà Nội chia sẻ.

Thấy cháu đam mê trái bóng tròn, ông bà ngoại tìm cách xin cho cháu vào lò Thể Công nhưng với suy nghĩ tập để rèn luyện sức khỏe và kỷ luật chứ không xác định để cháu theo bóng đá chuyên nghiệp. “Có thể nói, những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp của tôi là do ông bà ngoại đặt cho. Hơn 10 tuổi tôi phải xa gia đình để vào ở cùng đội, cuối tuần mới được về thăm ông bà. Mỗi lần về bà lại cho tiền, tôi bảo cháu ở trong đó chẳng dùng gì đến nhưng bà vẫn nói: Đưa cho anh đồng quà”, Phong nhớ lại.

Cầu thủ gốc Hà Nội tập bóng đá được vài năm thì ông ngoại mất vì bạo bệnh, đó cũng là thời điểm bố mẹ anh từ nước ngoài trở về, có ý định muốn anh theo con đường học vấn trước khi quá muộn. Thế nhưng, bà ngoại kiên quyết ủng hộ cháu đi đá bóng. Vậy là anh chàng tiếp tục được theo đuổi đam mê. “Không có ông bà, tôi đã không có ngày hôm nay. Thế nên, hôm biết mình được lên tuyển, người đầu tiên tôi gọi điện chia vui là bà. Bà chúc mừng và nghiêm nghị nói con cần phải cố gắng hơn nữa để bà và ông dưới suối vàng có thể tự hào. Nghe vậy mà tôi cứ nghẹn lại vì xúc động”.

Phong kể thêm, từ khi chơi bóng đá chuyên nghiệp, thu nhập tuy không cao nhưng anh cũng đủ ăn tiêu và sau này là đủ trang trải trong gia đình nhỏ. Dẫu vậy, cứ khi về thăm là bà vẫn dúi cho ít tiền rồi dặn, “đá bóng vất vả, mua thêm đồ ăn mà bồi dưỡng con ơi”. “Tôi trưởng thành rồi nhưng chưa khi nào bà nghĩ tôi đã lớn, lúc nào bà cũng coi tôi như thằng cháu dại, mặc quần đùi đá bóng ở công viên Thống Nhất. Giờ đây, ngoài bóng đá, niềm vui lớn nhất của tôi là nhìn thấy bà được khỏe mạnh. Tôi cũng mong muốn mình sớm ghi bàn trong màu áo đội tuyển để làm quà tặng bà”, cầu thủ Viettel bộc bạch.

Thanh Hà

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-chua-ke-ve-nha-vo-dich-bong-da-phui-o-tuyen-viet-nam-d439446.html