Tầm vóc thời đại và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện vẻ vang, chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bởi vì nó đã kết thúc chế độ thuộc địa gần 100 năm của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cách mạng Tháng Tám đã đưa nước Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, trở thành một nước tự do và độc lập, nhân dân lao động được giải phóng thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than, trở thành công dân của một nước tự do, độc lập.

Sự ra đời của chính quyền cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, do nhân dân làm chủ, đã đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến nửa thuộc địa ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam có một vị thế mới trên trường quốc tế. Đây thực sự là một cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam, huy động được sức mạnh của toàn dân để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi về tay nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, vì nó đã xóa bỏ chế độ phong kiến đã được thiết lập hàng nghìn năm ở Việt Nam, nhằm đem lại ruộng đất cho dân cày, dân chủ cho nhân dân. Nhà vua cuối cùng của chế độ phong kiến là Bảo Đại đã tuyên bố từ chức, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng ngay trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám. Chính những mục tiêu dân tộc và dân chủ đã lôi cuốn các tầng lớp nhân dân Việt Nam, bao gồm nông dân, công nhân, trí thức, binh lính, tiểu tư sản… tham gia cách mạng, tạo nên lực lượng vô cùng to lớn để đưa cách mạng đến thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi của trí tuệ Việt Nam. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi của trí tuệ Việt Nam. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là thắng lợi đầu tiên của cách mạng vô sản xảy ra ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi to lớn đầu tiên của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo. Trong bài viết về Cách mạng Tháng Tám đăng trong cuốn "Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam", cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định: "Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, một phần lớn là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương… Những người lãnh đạo đã khéo chọn lúc để giáng một đòn chí tử, khéo chọn lúc để phát động khởi nghĩa… mau lẹ, kịp thời, nổ ra đúng lúc phải nổ".

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc thực dân. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng nghệ thuật "thế" và "thời" rất tài tình. Thời cơ chín muồi cho tổng khởi nghĩa là lúc Hồng quân Liên Xô đánh bại đạo quân Quan Đông của Nhật. Nếu cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra sớm hơn khi Nhật chưa đầu hàng Đồng Minh thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Quân Nhật tuy đã thua trận song vẫn còn đủ lực lượng để chống phá cách mạng quyết liệt, cách mạng có thể bị tổn thất và cuộc tổng khởi nghĩa chưa thể giành được thắng lợi trên cả nước nhanh chóng như vậy. Cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra khi quân Nhật đang mất hết tinh thần và sức chiến đấu, nên hầu như không có phản ứng đối phó.

Nếu cuộc khởi nghĩa nổ ra muộn hơn, khi lực lượng Đồng Minh đã vào nước ta (quân đội Tưởng Giới Thạch và theo sau là bọn phản động Việt quốc, Việt cách ở phía Bắc) và quân Anh, theo sau là quân Pháp ở phía Nam); họ có thể lập ra chính quyền thân Đồng Minh, cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng khởi nghĩa thành công, ta đã tuyên bố độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước có chủ quyền và sẵn sàng đón quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc thực dân, phát huy cao độ truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử; là đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

Toàn cảnh thị trấn Nam Đàn. Ảnh tư liệu của Sách Nguyễn

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự phối hợp hiếm thấy giữa cuộc đấu tranh giành độc lập của một dân tộc thuộc địa với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống phát xít, đặc biệt là với cuộc tiến công của phe Đồng Minh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít để kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Một góc thành phố Vinh. Ảnh tư liệu của Sách Nguyễn

Qua gần 35 năm thực hiện đường lối "Đổi mới", đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với không ít thách thức. Tiến trình nước ta tham gia hội nhập quốc tế cũng là cuộc đấu tranh gay gắt không chỉ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mà cả chính trị, quốc phòng, an ninh.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, chi phối các mối quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh trên thế giới, nhưng mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định và phát triển vẫn tồn tại. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành một xu thế tất yếu, tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tốc độ phát triển của thế giới được đo bằng thước đo dựa trên những yếu tố hiện thực của các quốc gia phát triển, và do đó, thay đổi để thích nghi là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng không thể trốn tránh của các nước đang và kém phát triển. Trong một môi trường vừa hợp tác, vừa cạnh tranh sâu sắc, nếu một dân tộc có năng lực cạnh tranh kém sẽ ngày càng ít cơ hội để phát triển. Như vậy, cùng với các cơ hội được mở ra, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển trong quá trình mở cửa, hội nhập.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Càng trong khó khăn, chúng ta càng nhận thức được vai trò to lớn và sự lãnh đạo tài tình của Đảng; chúng ta càng tự hào về Cách mạng Tháng Tám. Ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Tám vẫn sống mãi, tiếp tục là nền tảng, ngọn đuốc soi đường dẫn dắt nhân dân ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong thực hiện đường lối "Đổi mới" và tham gia hội nhập quốc tế ngày nay./.

Vũ Văn Khanh

Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/tam-voc-thoi-dai-va-y-nghia-cua-cach-mang-thang-tam-272823.html