Tám việc lớn cần làm ngay của ngành Thông tin và Truyền thông

Tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo 8 việc lớn cần làm ngay của ngành trong thời điểm này, trong đó có hai nhiệm vụ đó là mỗi người có một điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao…

Ngày 06/7/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ. Trong bối cảnh khó khăn, 6 tháng đầu năm 2020, ngành TT&TT nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép đề ra trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước là Bưu chính; Viễn thông; Ứng dụng CNTT; An toàn, an ninh mạng; Công nghiệp ICT; Báo chí tuyên truyền, ở cả 3 phương diện xây dựng thể chế, điều phối liên ngành, và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngành TT&TT chung tay đẩy lùi đại dịch

Theo báo cáo tại Hội nghị, lĩnh vực bưu chính đã duy trì dòng chảy vật chất không ngừng nghỉ, giao thương thông suốt hàng hóa, đặc biệt trong giai đoạn“giãn cách xã hội”. Tổng sản lượng gói, kiện đạt trên 377 triệu, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Lĩnh vực viễn thông đã thực hiện 11 đợt nhắn hơn 15 tỷ tin nhắn tới hơn 2 tỷ lượt thuê bao; 2,6 triệu tin nhắn ủng hộ với giá trị hơn 152 tỷ đồng; thay đổi logo, âm báo cuộc gọi; tăng 50% dung lượng data mà không tăng cước; tăng gấp đôi băng thông truy cập mà không tăng giá; miễn phí cước data cho học sinh và giáo viên khi sử dụng nền tảng trực tuyến tới hơn 30.000 trường học. Đây là những biện pháp chỉ có ở Việt Nam mới làm được và chỉ Việt Nam mới làm hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ứng dụng CNTT đã thực hiện cuộc thao diễn thực chiến lớn nhất từ trước đến nay với gần 1000 kỹ sư từ các doanh nghiệp, phát triển trên 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch. Trong việc truy vết, giám sát cách ly, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có đủ bộ giải pháp từ mức nhà mạng, mức trạm thu phát sóng BTS, mức sử dụng định vị vệ tinh GPS đến mức theo dõi tiếp xúc gần dưới 2m dùng Bluetooth. 12 nền tảng và hàng trăm ứng dụng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc đã được ra mắt. Tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt, Bộ TT&TT, Bộ Y tế hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4. Hiệu quả cung cấp DVCTT cũng chuyển biến đáng kể với tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi so với năm 2019.

Hoạt động trên không gian mạng tăng lên nhưng số lượng cuộc tấn công mạng giảm 26% so với 6 tháng cuối năm 2019, và giảm 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019. Doanh thu an toàn thông tin mạng 6 tháng đầu năm tăng 67,8% so với cùng kỳ so tháng đầu năm 2019. Trong đó, doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% năm 2019 lên 50,8% vào tháng 6/2020.

Công nghiệp ICT đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G; Dự kiến một số thiết bị 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hóa vào cuối năm 2020.

Báo chí tuyên truyền đã thực sự trở thành một trong những lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch, đã đăng tải tổng số gần 600.000 tin, bài về dịch COVID-19. Mỗi ngày có 700-1000 tin trên báo chí, thu hút 20-30 triệu lượt đọc. Các giá trị của báo chí được thể hiện rất rõ nét: Thông tin được chứng thực, đưa thông tin hướng dẫn phòng, chống dịch và đưa thông tin vì lợi ích cộng đồng.

Truyền thông đối ngoại của Bộ TT&TT góp phần khẳng định báo chí phản ánh dòng chảy chính của xã hội tích cực, một mặt tiếp cận góc độ tuyên truyền đối ngoại về một hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm, hiệu quả và nhân văn trong chống dịch, mặt khác cập nhật hằng ngày dư luận quốc tế và kinh nghiệm thế giới cung cấp kịp thời cho báo chí trong nước. Hệ thống loa truyền thanh thông tin cơ sở tại xã phường với 672 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, 9.637 đài truyền thanh cấp xã đã hồi sinh, phát huy tối đa tác dụng vốn có của mình trong đại dịch. Hội sách quốc gia chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên sàn Book365.vn, thu hút hơn 10 triệu lượt truy cập và tham gia.

Những định hướng lớn của Ngành TT&TT

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh 6 định hướng lớn của Ngành TT&TT: Bưu chính trở thành hạ tầng mạng lưới đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu; Viễn thông trở thành hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây; Ứng dụng công nghệ thông tin trở thành chuyển đổi số; An toàn thông tin với sứ mệnh làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng; Công nghiệp ICT với sứ mệnh Make In Vietnam; Báo chí truyền thông với sứ mệnh khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh 8 việc lớn cần làm ngay. Thứ nhất, các đơn vị chuyên trách về CNTT của bộ, ngành và địa phương tham mưu cho các bộ, ngành và địa phương ra nghị quyết chuyên đề của cấp ủy và chiến lược chuyển đổi số của cấp chính quyền, ngay trong năm 2020 này.

Thứ hai, các cục và trung tâm CNTT của các bộ ngành đề xuất bổ sung thêm nhiệm vụ và nghiên cứu phương án đổi tên thành cục chuyển đổi số hoặc trung tâm chuyển đổi số. Bộ TT&TT cũng sẽ đề xuất CP, TTgCP về việc này.

Thứ ba, các bộ, ngành và địa phương đặt mục tiêu đưa dịch vụ công lên trực tuyến đạt 100% mức độ 4, chậm nhất là năm 2021.

Thứ tư, hỗ trợ 100% các địa phương triển khai nền tảng kết nối liên thông dữ liệu (LGSP).

Thứ năm, hỗ trợ 100% các hệ thống CNTT của các cơ quan chính quyền phải thực hiện bảo vệ 4 lớp, ngay trong năm 2020 này.

Thứ sáu, mỗi người có một điện thoại thông minh.

Thứ bảy, mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao.

Cuối cùng, phát triển các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ số tại các địa phương.

Nếu như 6 tháng đầu năm là kiểm soát đại dịch, thì 6 tháng cuối năm là bứt phá vươn lên. Ngành TT&TT cần nhận lấy những sứ mệnh mới trước Đất nước, góp phần đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Phạm Lê

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/cong-nghe/202007/tam-viec-lon-can-lam-ngay-cua-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-c802a22/