'Tấm vé' để trái cây Việt ra thế giới

Hiện Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT) đã cấp được gần 2.000 mã số vùng trồng và khoảng 1.800 cơ sở đóng gói nhằm đảm bảo việc cấp mã số vùng trồng trái cây phải đúng theo quy định, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Nói cách khác, cấp mã số vùng trồng cũng được coi là cấp 'tấm vé' để trái cây Việt ra thế giới.

Mã số vùng trồng giúp người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu an tâm về truy xuất nguồn gốc nông sản.

Mã số vùng trồng giúp người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu an tâm về truy xuất nguồn gốc nông sản.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ NNPTNT đã tập trung đàm phán, đặc biệt là giải quyết các rào cản kỹ thuật nhằm mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu trái cây ra thế giới. Trong năm 2020, đã mở cửa thành công nhiều thị trường: Thị trường Trung Quốc đã chấp nhận 9 loại trái cây xuất khẩu từ Việt Nam gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt và đang đàm phán cho các loại trái cây sầu riêng, chanh leo, bơ, na, doi, dừa,…

Với các thị trường yêu cầu cao về kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Mỹ trái cây Việt Nam cũng đã được xuất khẩu gồm (thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, xoài, vú sữa), Úc (thanh long, vải, xoài), Nhật Bản (thanh long, xoài, vải), Hàn Quốc (thanh long, xoài), New Zealand (thanh long, chôm chôm, xoài)…

Tuy nhiên, để xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính được bền vững, giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn khá lớn, tuy nhiên, tuân thủ các quy định về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu là việc phải làm. Trong xuất khẩu trái cây vấn đề chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu quan trọng. Đây là yêu cầu tiên quyết khi Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới.

PGS. TS Nguyễn Anh Thu, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cho rằng: Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm và thủy sản đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà nông sản Việt Nam gặp phải là các hàng rào phi thuế quan, nhất là các quy định về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực tế trong những năm gần đây, số trường hợp hàng hóa nông sản thực phẩm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu luôn ở mức tương đối cao. Cụ thể, trong năm 2019 có 101 trường hợp bị từ chối nhập khẩu vào Nhật Bản và 65 trường hợp bị từ chối nhập khẩu vào EU, 226 trường hợp nông sản thực phẩm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ.

Đối với các thị trường khác, nguyên nhân bị từ chối chủ yếu là do hàng hóa nông sản Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn về thành phần, dư lượng các chất cấm vượt mức cho phép hoặc quá trình đóng gói, vận chuyển không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Đưa ra những giải pháp triển khai cũng như quản lý chặt chẽ vấn đề trên, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho hay: Hầu hết các nước đều có quy định về truy xuất nguồn gốc. Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, một trong những quy định bắt buộc là các sản phẩm trồng trọt, đặc biệt rau và quả khi xuất khẩu sang EU phải có mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng này được cơ quan có thẩm quyền là Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp và thông báo cho EU cũng như đưa lên các trang web của Cục. Và khi xuất khẩu, chúng ta đều phải chứng nhận vào trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.

“Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương để đảm bảo việc cấp mã số vùng trồng phải đúng theo quy định, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và ngăn chặn một cách có hiệu quả việc mạo danh, sử dụng không đúng các mã số vùng trồng đã xảy ra trong thời gian qua” - Ông Trung thông tin.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tam-ve-de-trai-cay-viet-ra-the-gioi-546711.html