Tấm vé cuộc đời!

Với mỗi người, việc có một cái tên và một tờ giấy khai sinh sau khi được sinh ra là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, điều bình thường ấy lại là một hành trình tìm kiếm khó khăn suốt 30 năm mới có được của anh Lê Quốc Dũng (hiện đang trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội).

 Anh Lê Quốc Dũng được nhận giấy khai sinh sau 30 năm chờ đợi (Ảnh: plo.vn)

Anh Lê Quốc Dũng được nhận giấy khai sinh sau 30 năm chờ đợi (Ảnh: plo.vn)

“30 tuổi vẫn chưa được khai sinh” là một câu chuyện khó tin nhưng có thật ngay giữa thủ đô Hà Nội. Đó là câu chuyện của anh Lê Quốc Dũng- người bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội khi mới 1 ngày tuổi. Dũng may mắn được gia đình bà Minh (Dũng gọi là bà) đưa về nuôi dưỡng và gọi tên theo tên con trai của bà. Nhưng vì ngày ấy, bà Minh không làm thủ tục nhận nuôi, cũng không khai báo chính quyền nên Dũng không được làm giấy khai sinh. Bởi vậy, suốt 30 năm qua, Dũng vẫn chưa được đăng ký khai sinh và cũng không có trong tay một loại giấy tờ tùy thân nào.

Trong những năm ở nhà bà Minh, Dũng chỉ được đi học dự thính hết lớp 5 (không có tên trong danh sách chính thức, không học bạ). Hai năm sau khi bà Minh mất, năm 2014, anh rời khỏi gia đình để tìm công việc nuôi sống bản thân. Nhưng chính bởi không có giấy tờ tùy thân nào nên chẳng cá nhân, tổ chức nào “dám” nhận anh vào làm việc. Không xin được việc làm chính thức, anh chỉ thỉnh thoảng xin được việc làm lao động phổ thông tạm thời, bấp bênh.

Nhận thấy tầm quan trọng của giấy tờ tùy thân, trong suốt 6 năm qua (2014 - 2020), anh Dũng đã cố gắng tự tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh. Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp Hà Nội, anh Dũng tìm đến UBND phường Bồ Đề để đăng ký khai sinh. Tại đây, UBND phường Bồ Đề yêu cầu anh xác nhận một số thông tin khi còn cư trú tại phường Trúc Bạch và phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên, dù đã được cả hai phường nêu trên xác nhận từng cư trú trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2009 nhưng UBND phường Bồ Đề vẫn không thể tiến hành đăng ký khai sinh cho anh Dũng vì không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên của anh Dũng. Quay trở lại những nơi anh từng học tập thì cũng không nơi nào lưu lại thông tin về anh do anh không có học bạ.

Chia sẻ với báo chí về những ngày tháng cơ cực khi vừa phải vật lộn để mưu sinh, vừa tuyệt vọng khi việc xin cấp giấy khai sinh của mình không thành, anh nói rằng, đó là những ngày tháng “cùng quẫn”, giống như một người “ở ngoài lề của xã hội” vậy!

Vào cuối tháng 1/2021, qua phản ánh của báo chí, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có buổi làm việc với UBND quận Long Biên và ghi nhận một số thông tin liên quan, sau đó đã chính thức có Công văn số 146/HTQTCT-HT gửi UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội hướng dẫn giải quyết dứt điểm việc đăng ký khai sinh cho anh Dũng. Và đến ngày 16/3 vừa qua, anh Lê Quốc Dũng đã chính thức được nhận giấy khai sinh của mình sau nhiều năm chờ đợi. Niềm vui như vỡ òa sau 6 năm ròng gõ cửa các cơ quan chức năng cuối cùng cũng có kết quả.

Anh Dũng đã không giấu nổi niềm vui sướng, nghẹn ngào khi được cầm tờ giấy khai sinh – chứng thực sự tồn tại của anh. Đó thực sự là một dấu mốc quan trọng và đặc biệt với chàng thanh niên 30 tuổi không người thân thích. Với tờ giấy này, anh đã có “tấm vé” để bắt đầu cuộc sống mới của một công dân bình thường, được công nhận và có thể tiếp tục làm những giấy tờ tùy thân tiếp theo như chứng minh nhân dân, giấy đăng kí kết hôn hay hộ khẩu,…

Tuy trong “tấm vé” ấy cũng có những “khoảng buồn” khi dòng ghi tên cha, mẹ đều bỏ trống nhưng dẫu sao nó cũng giúp anh không còn cảm giác của “một người vô hình” như nhiều khi tủi thân anh từng nghĩ!

Một trang mới cuộc đời đang mở ra với chàng thanh niên 30 tuổi. Trang mới ấy có thể bao gồm những vất vả, khó khăn mà bất kỳ một người dân bình thường nào khi mưu sinh đều gặp phải. Nhưng ít ra ở trang mới ấy, chàng thanh niên Lê Quốc Dũng có thể tự tin giới thiệu về mình, tự tin lao động, làm việc để gây dựng một cuộc sống mới tốt hơn cho bản thân mình trong tương lai.

Câu chuyện về chàng trai 30 tuổi mới được nhận giấy khai sinh, một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về bài học của việc nhận con nuôi. Dẫu rằng, việc nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi là việc đáng được biểu dương, khuyến khích nhưng mỗi người cần nắm rõ quy định của pháp luật để tránh những câu chuyện đáng tiếc như trường hợp của Lê Quốc Dũng. Việc khai báo với cơ quan chức năng không chỉ để đứa trẻ sớm được khai sinh, được xã hội thừa nhận, mà còn giúp các cơ quan chức năng quản lý được địa bàn, nhân khẩu tốt hơn. Nghị định 158/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch nêu rõ: Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

Và phải chăng, vai trò của tổ dân phố, của các hội, đoàn thể địa phương cũng cần được tăng cường hơn trong việc quan tâm, tư vấn và nhắc nhở người dân, để những trường hợp nhận nuôi trẻ trong nhiều năm như bà Minh biết đến quy định của pháp luật và báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng địa phương.

Có thể ở đâu đó cũng có nhiều trường hợp chưa được làm giấy khai sinh và không phải ai cũng có được may mắn như anh Lê Quốc Dũng khi được báo chí biết đến và Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) – trong đó đứng đầu là Cục trưởng Nguyễn Công Khanh quan tâm và chỉ đạo sát sao để sớm giải quyết việc cấp giấy khai sinh. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự quan tâm của xã hội đã giúp những người thiếu may mắn như Lê Quốc Dũng có được “tấm vé” để đổi đời!./.

Kiều Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/tam-ve-cuoc-doi-576916.html