Tâm thức nữ giới trong sáng tác của các nhà thơ nữ

'Hậu tố nữ' xem ra vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều người mỗi khi nghĩ về thơ nữ. Nhưng, xét một cách nghiêm khắc, thơ trước hết đáp ứng các yêu cầu về mỹ học, sau đó mới đến những truy xét trên góc độ giới tính hay thời đại. Chính vì thế, bàn về thơ nữ Việt Nam đương đại, chúng tôi nghĩ đến hai câu chuyện: Thơ (do tác giả nữ viết) và sắc thái nữ tính trong thơ nữ.

Thơ là tiếng nói thu hút để người đọc nhận ra vẻ đẹp của đời sống này. Tranh “Thiếu nữ Hà Nội” - sơn dầu của Nguyễn Hồng Lê

1. Câu hỏi của nhà báo, nhà văn Betty Friedan trong “Bí ẩn nữ tính” - cuốn sách “bom tấn” của dòng sách nữ quyền - đã khiến những mô tả về câu chuyện này không thể hời hợt: Bản sắc nữ tính - Có đúng như vậy không? Có thật thế không? Còn gì nữa?

Thơ nữ Việt Nam đương đại nếu phải làm một cuộc kiểm kê về lực lượng và thành tựu, đến giờ cũng không phải là quá mờ nhạt, thậm chí cần phải có những nghiên cứu dài hơi, kỹ lưỡng và đầy đủ về họ. Từ Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Thị Mây, Bùi Kim Anh... cho đến thế hệ trẻ hơn như Phan Ngọc Thường Đoan, Nguyễn Phan Quế Mai, Tuyết Nga, Trần Kim Hoa, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Bảo Chân, Hàm Anh, Đinh Hoàng Anh, Đào Phong Lan, Bạch Diệp, Nguyễn Thúy Quỳnh, Ly Hoàng Ly, Thụy Anh, Vi Thùy Linh, Bình Nguyên Trang, Trần Lê Sơn Ý, La Mai Thi Gia, Lữ Mai, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Phùng Thị Hương Ly, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Thị Hải, Như Quỳnh de Prelle, Nguyễn Thiên Ngân, Hương Giang, Ngô Gia Thiên An... vẫn cho thấy thơ từ giới nữ đã và đang hiện diện một cách mạnh mẽ. Nhưng, chúng ta sẽ nói gì về họ, để có thể gọi là bản sắc thơ nữ Việt Nam từ sau năm 1975? Câu hỏi đó không hề dễ trả lời. Bài viết này chỉ nói đến một khía cạnh rất nhỏ: Tâm thức nữ giới trong sáng tác của các nhà thơ nữ.

2. Trong khoảng 15 - 17 năm, từ 1988 đến những năm đầu thế kỷ XXI, thơ nữ mạnh lên bởi những tiếng nói táo bạo, những khát khao, những đòi hỏi được sống với nhu cầu của cái tôi toàn nguyên. Bức tranh nữ tính vốn được ghép bởi những mảng màu từ phía nam giới, được tạo dựng bởi ý thức nam quyền, giờ có hy vọng được lắp đúng bằng mảnh ghép của người nữ qua một số tác giả... Câu hỏi của nhà báo, nhà văn Betty Friedan được trả lời từ chính thơ của các tác giả nữ, khi họ mạnh dạn bộc lộ cái tôi cá nhân bản thể, văn hóa và sinh học của mình. Dù báo chí và giới phê bình cũng như công chúng từng rộ lên, người khen, người chê, kẻ lưỡng lự âm thầm, nhưng không thể chối bỏ rằng từ sau Đổi mới đến những năm đầu thế kỷ XXI, trong thơ của các tác giả nữ, sắc màu giới đậm lên, sắc gắt hơn từ chính tiếng nói táo bạo mang ý thức về mình của người phụ nữ.

Sẽ đi qua những sắc thái ấy, thơ nữ trở về với những suy tư, xúc cảm mang đậm dấu ấn của trái tim, tinh thần nữ giới. Dường như, sau những bung phá, kiếm tìm; sau những thét gào đòi hỏi; sau những quyết liệt tỏ bày, trái tim người phụ nữ vẫn hiện ra rõ nhất ở sự nhạy cảm, sâu đằm, bao dung, vị tha của họ: “Anh đưa em về/ Căn nhà lộng gió/ Mẹ chờ ngoài ngõ/ Tóc vương mây chiều/ Em nghe thương yêu/ Dâng đầy mắt mẹ/ Căn nhà nhỏ bé/ Nơi anh lớn lên/ Nắng ngủ bên thềm/ Cỏ vườn rượi mát/ Đón chân em bước/ Tiếng chim chuyền cành/ Để rơi tiếng hót/ Lên bầu trời xanh” (“Viết ở nhà anh” - Nguyễn Phan Quế Mai).

Nghĩa là, một lúc nào đó, sau những bứt phá quyết liệt, sau những tỏ bày táo bạo, người nữ lại trở về với bản sắc thực sự của họ là một trái tim bao dung, một cõi lòng mềm mại, một yêu thương đợi chờ, một niềm vun vén đủ đầy: “Lục lọi ban mai, lục lọi khát khao kiếm điều đã mất/ lục lọi chiêm bao, lục lọi lãng quên tìm điều đã khuất/ mùa muộn màng/ Tìm trong bóng mây, tìm nơi sóng cây tóc xanh mơ ngủ/ tìm trong lòng ai, tìm nơi khói sương những lời đã ngỏ/ mùa nồng nàn” (“Mùa nồng nàn” - Tuyết Nga); “Em mưa cho anh ngủ/ ngoài kia đương mùa xuân/ những cây bàng trỗi lá/ xanh non đến ngại ngần/ em mưa cho anh ngủ/ mưa dịu vết thời gian/ mưa giăng mù thương nhớ/ mưa xanh anh dịu dàng” (“Ngủ mưa” - Hàm Anh).

Thơ của các tác giả nữ với những suy tư, xúc cảm mang đậm dấu ấn của trái tim, tinh thần nữ giới. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Vũ Anh Dũng

Nếu ai để ý đến tiến trình thơ Việt Nam, đặc biệt là sự vận động của thơ nữ, sẽ thấy bước chuyển khá rõ trong tâm thức sáng tạo của họ. Có thể hình dung, sau quãng khá dài, thơ ca nói chung và thơ nữ nói riêng, tạm gác lại tiếng nói cá thể để hòa mình vào dàn đồng ca của văn học dân tộc trong sứ mệnh chính trị cao cả; đất nước giải phóng và đổi mới; văn học, thơ ca và người nữ có cơ hội được tỏ bày. Thế nên, tiếng nói sâu thẳm nhất, những khát khao thầm kín nhất, những lo âu cấm kỵ nhất có dịp được xuất hiện như một chủ đề, một cảm hứng, một phạm vi đời sống bình đẳng với các chủ đề, cảm hứng khác. Văn đàn đã có một phen sững sờ với dáng hình nàng thơ trong niềm hưng cảm giới tính và bản sắc, nhất là sự cổ vũ của các quan điểm nữ quyền.

Nhưng, mọi lý thuyết hay những tô vẽ bên ngoài, cả những o bế tạo dựng, cả những chê bai lườm nguýt, đều không làm thay đổi được điều căn bản nhất trong trái tim người phụ nữ. Đó là tình yêu thương và sự bao dung, bàn tay mềm mại và che chở, phẩm tính chịu đựng và hy sinh... Thơ nữ đương đại, ở những động thái gần nhất, vẫn hiện lên sắc thái ấy. Quanh đây thôi, những La Mai Thi Gia, Lữ Mai, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Trương Thị Bách Mỵ, Nguyễn Thiên Ngân... vẫn mang đến cho chúng ta cảm xúc thật dịu dàng (không phải là thứ dịu dàng mà người đàn ông và ý thức nam quyền quy chiếu): “Ta vẫn muốn nhớ người/ Sau muôn đêm sâu nữa/ Ta muốn nhớ người khi tơ tóc rồi phai/ Ta muốn nhớ người dẫu qua tháng năm dài/ Chúng ta đều chẳng còn là nhau của thời ước mơ nào cũng lung linh, khoảng trời nào cũng chật chội/ Mắt xa vắng kể nhau nghe chuyện mới/ Ta vẫn muốn nhớ người dẫu tan nát rồi đây" (“Vẫn muốn cầm bàn tay ấy và mơ” - Nguyễn Thiên Ngân). “Ta muốn” của Nguyễn Thiên Ngân là một ý muốn dịu dàng, một yêu thương, dẫu đầy đau lòng. Điều đó khác hẳn với các quan điểm về thiên chức mà phần nhiều trong đó mang ý thức nam quyền.

3. Bâygiờ, nếu các nhà thơ nữ lại làm thơ với những gào thét bản năng, những táo bạo, mãnh liệt..., tôi e là sẽ không còn mấy hấp dẫn, mới mẻ nữa. Nhìn từ thơ nữ, sau chặng đường hơn 30 năm Đổi mới, chúng ta nhận ra sự trở về với “ngôi nhà bản thể” mang tên người nữ. Ai đó bảo rằng, nếu trái tim trống rỗng thì mọi nỗ lực của lý trí là vô nghĩa. Thiết tưởng, vượt lên những định hình sinh học hay xã hội, trái tim của người phụ nữ vẫn nhắc nhở họ biết phải làm gì. Bản sắc nữ giới, lối viết nữ, lối sống - phong cách nữ tính, nữ quyền... sẽ rơi vào chủ quan, định kiến nếu không thực sự nhìn nhận đến tâm thức người nữ, xuất phát từ trái tim của họ.

Lê Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/992632/tam-thuc-nu-gioi-trong-sang-tac-cua-cac-nha-tho-nu