Tâm thư của người vợ và giới hạn của dư luận

Bà Trần Thị Thanh Tân - vợ ông Nguyễn Hữu Linh, người đang bị Công an Quận 4 (TPHCM) khởi tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi – đã gửi tâm thư đến Công an Đà Nẵng bằng địa chỉ email của con gái. Bà Tân 'giãi bày' rằng trong 25 ngày căng thẳng vừa qua, áp lực dư luận đã vượt quá sức chịu đựng của gia đình bà, có nhà nhưng không dám về vì sợ hãi.

Ngôi nhà đó, vốn không chỉ là nơi đi về của đối tượng đã bị khởi tố, mà còn có nhiều người khác là vợ, con cái, cháu chắt của ông Linh…

Ngôi nhà đó, những ngày “sóng gió” vừa qua bị những người gọi là “cộng đồng mạng” đã “xới tung” Google Maps để tìm cho ra, để sau đó ném chất bẩn và xịt sơn với nội dung như nhằm “trả đũa” đối với đối tượng đã bị khởi tố.

Nhưng đối tượng đã bị khởi tố, đang ở TPHCM chứ không ở trong ngôi nhà trên tại Đà Nẵng.

Đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Về mặt luật pháp, ai sai người đó chịu. Vợ ông Linh cho rằng mình cũng chịu một phần trách nhiệm của việc chồng gây ra, song còn con cái và cháu chắt của họ thì vô tội. Thế nhưng, họ đã phải hứng chịu luồng dư luận và áp lực cực đoan, cùng với những hành động như ném chất bẩn và xịt sơn quá khích, tạo ra oan trái đối với những người vô can.

Dư luận bất bình trước hành vi của ông Linh và đã lên tiếng, đồng thời tạo áp lực dữ dội trong thời gian qua. Nhưng dư luận, dù nghiêm khắc đến cỡ nào cũng không thể làm thay công việc và vai trò của các cơ quan chức năng và tòa án. Dư luận muốn vụ việc này cần được xử nghiêm, có tính răn đe cao nhằm ngăn chặn tệ nạn quấy rối tình dục trẻ em; sàm sỡ dâm ô đối với trẻ em…, thì chính dư luận cũng cần phân tách rạch ròi các đối tượng với những hành vi và trách nhiệm của mình.

Chúng ta vẫn còn chưa quên vụ cô giáo viết thư “xin các anh xã hội đen” để được đi dạy cho dù không phải cô mà là người thân của cô vay tiền nóng, nhưng cô bị khóa trái nhốt trong nhà. Vụ việc này đã khiến dư luận rất bức xúc, không chỉ đối với tình trạng cho vay nặng lãi mà còn là vấn đề đổ tất cả các bực bội và sự giận dữ, trả thù lên những người vô can.

Giới hạn của dư luận là cần làm cho những người thân của đối tượng bị khởi tố kia nhận thức được hành vi sai trái của người thân của họ, nhưng đừng bằng áp lực và các hành động phá phách quá khích khiến họ phải ám ảnh, sợ hãi.

Trong hàng chục năm qua, không ít trường hợp dư luận đã xới lên và tạo áp lực khủng khiếp lên người thân vô can của những đối tượng phạm tội, và có trường hợp một trong những người thân đó chịu không nổi đã tìm đến cái chết.

Dư luận không thể cứ cực đoan, oan nghiệt, quá khích làm tổn thương những người vô can, vô tội.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/tam-thu-cua-nguoi-vo-va-gioi-han-cua-du-luan-730362.ldo