Tám thế kỷ và 'màn phá hủy trực tiếp với ký ức, bản sắc nước Pháp'

Thảm họa xảy ra ở Nhà thờ Đức Bà Paris rất có thể khiến người dân Pháp đoàn kết hơn, và giúp ông Macron bớt đi những áp lực trong hàng tháng qua của phong trào áo khoác vàng.

Họ tập trung trên những cây cầu dọc sông Seine, bàng hoàng nhìn công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố bốc cháy dữ dội. Nhiều người bật khóc, phần lớn nhìn trâng trối, không nói lên lời.

Trước mắt họ, ngọn lửa bắt nguồn từ mái vòm bằng gỗ của thánh đường vào tối 15/4 và lan ra toàn bộ phần mái của công trình, phá hủy đỉnh chóp của tòa nhà, cản trở nỗ lực của lính cứu hỏa nhằm kiểm soát đám cháy. Tổng thống Emmanuel Macron dường như nói thay cho người dân Pháp khi đăng dòng tweet, nói rằng ông đang chứng kiến "một phần của chúng ta bị thiêu đốt".

Người dân Paris sững sờ trước những gì đang diễn ra. Nhà thờ Đức Bà Paris, bên cạnh tháp Eiffel, là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: AFP.

Người dân Paris sững sờ trước những gì đang diễn ra. Nhà thờ Đức Bà Paris, bên cạnh tháp Eiffel, là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, thu hút rất nhiều khách du lịch. Ảnh: AFP.

Đến nửa đêm, cơn ác mộng khủng khiếp dường như đã chấm dứt. Phần cấu trúc chính bằng đá của công trình đã được bảo toàn, và hành động kịp thời của lính cứu hỏa Paris cũng đã giúp những vật phẩm quý giá được lưu giữ bên trong nhà thờ được chuyển tới nơi an toàn. Nhưng cũng như phần mái vòm bằng gỗ được xây dựng từ thời trung cổ, nội thất của thánh đường đã bị ảnh hưởng không nhỏ trong vụ hỏa hoạn.

Thảm kịch quốc gia

Một cảm giác nặng nề là thứ nhiều người trải qua khi chứng kiến hàng thế kỷ lịch sử bị thiêu đốt trong ngọn lửa. Ông Bertrand Delanoe, cựu thị trưởng Paris, gọi nhà thờ là "viên ngọc của di sản nhân loại". Tổng thống Macron, người mà tối hôm đó có kế hoạch phát biểu trên truyền hình để giải quyết bất đồng với phe áo khoác vàng, đã hủy bỏ chương trình để có mặt tại hiện trường.

Theo Politico, Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng từ năm 1163, và đã sống sót trải qua rất nhiều biến cố chấn động lịch sử của cả nước Pháp và châu Âu. Đầu tiên là cuộc Chiến tranh Tôn giáo và Cách mạng Pháp, sau đó là cuộc vây hãm Paris trong chiến tranh Pháp - Phổ. Nó cũng trải qua 2 cuộc Chiến tranh Thế giới, và may mắn không bị phá hủy sau khi một tướng lĩnh của phát xít Đức chống lệnh Hitler.

Nhà thờ Đức Bà Paris không phải là thánh đường lớn nhất thế giới, nhưng nó là công trình nổi tiếng nhất, và mang tính biểu tượng nhất, nổi giữa dòng sông Seine như một con thiên nga khổng lồ.

Nó cũng là thánh đường duy nhất trở thành đề tài cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Thằng gù Nhà thờ Đức Bà của đại văn hào Victor Hugo, và cũng là thánh đường duy nhất xuất hiện trong một bộ phim của Disney. Ngôi nhà của người kéo chuông Quasimodo đã bị phá hủy vào tối 15/4.

Bàng hoàng và sững sờ là những gì mà người dân Pháp trải qua vào lúc này. Ảnh: Getty.

Nhà sử học Camille Pascal chia sẻ: "Đây không chỉ là một nỗi đau. Đó là màn phá hủy trực tiếp ký ức quốc gia và bản sắc Pháp. Trong hơn tám thế kỷ rưỡi, không có sự kiện vui mừng hay tai họa nào không được tổ chức, hoặc đánh dấu bằng tiếng chuông của Nhà thờ Đức Bà. Thứ đang bốc cháy đêm nay là trái tim của đất nước - và dù là tín đồ Kitô giáo hay không, đó chính là chúng ta".

Việc công trình kiến trúc mang tính biểu tượng quốc gia bị phá hủy một phần cũng sẽ là thử thách mới cho nước Pháp, trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình hồi phục sau 22 tuần liên tiếp những người biểu tình khoác áo vàng phản đối chính phủ và Tổng thống Macron.

Cơ hội hàn gắn vết thương

Mới một tháng trước thôi, những cửa hàng trên đại lộ Champs Elysees - một biểu tượng khác của Paris - đã bị phá hủy trong vụ biểu tình chuyển thành bạo động của những người phản đối. Trước đó, Khải Hoàn Môn cũng bị hư hại một phần trong cuộc biểu tình ngày 1/12/2018.

Và bây giờ, nước Pháp sẽ phản ứng thế nào sau vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà - công trình được coi là một phần của người Pháp?

Hồi tháng 11/2015, đất nước đã thể hiện sự đoàn kết tuyệt vời sau vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Bataclan. Và Tổng thống Macron cũng đang cố gắng để tận dụng thảm họa này làm lý do để đưa đất nước xích lại gần hơn, một lần nữa.

Mới chỉ tháng trước, những cửa hàng trên đại lộ Champs Elysees đã bị phá hủy bởi những người thuộc phong trào áo khoác vàng, phản đối chính sách của ông Macron. Ảnh: AFP.

"Lịch sử của chúng ta đang bị thiêu đốt, nhưng tôi muốn nói về hy vọng. Chúng ta nên tự hào vì những người lính cứu hỏa này đã ngăn chặn điều tồi tệ nhất. Chúng ta đã xây dựng tòa thánh đường này trong hàng thế kỷ, và chúng ta sẽ tái tạo lại nó. Ngày mai một quỹ quốc gia sẽ được thành lập và chúng ta sẽ tìm đến những người giỏi nhất. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại thánh đường này", ông Macron phát biểu sau vụ việc.

Phép thử đầu tiên cho sự đoàn kết dân tộc sẽ đến vào cuối tuần này. Phong trào áo khoác vàng, vốn đã giảm dần về số lượng trong những tuần gần đây, đã từng thề sẽ "nỗ lực lớn" để phản đối các đề xuất chính sách của ông Macron, dù đó là điều gì. Các cơ quan an ninh cũng lo ngại sự xuất hiện đông đúc của nhóm Black Bloc, những người dẫn đầu việc đốt phá tại đại lộ Champs Elysees hôm 16/3.

Một cuộc bạo động mới ở Paris ngay sau thảm kịch quốc gia sẽ phá hủy những sự kiên nhẫn còn lại cho phong trào áo khoác vàng. Ngọn lửa ở Nhà thờ Đức Bà đã được dập tắt, nhưng liệu sự giận dữ của những người khoác áo vàng có biến mất hay không?

Sơn Trần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tam-the-ky-va-man-pha-huy-truc-tiep-voi-ky-uc-ban-sac-nuoc-phap-post936564.html