Tâm thế của người làm báo trước yêu cầu, nhiệm vụ mới

Kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng năm nay diễn ra trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang tích cực triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó cũng như đáp ứng nhu cầu cấp bách của ngành báo chí, mỗi nhà báo cần xác định cho mình tâm thế chủ động chia sẻ và gánh vác, nỗ lực phấn đấu để phát triển.

Các phóng viên tác nghiệp trên đảo Trường Sa

Phát triển nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

Cách đây 93 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - tờ báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên, mở đầu trang sử vẻ vang của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường vẻ vang, đầy gian khổ, hy sinh để trưởng thành và phát triển. Báo chí cách mạng đã phát huy vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong những năm qua, báo chí đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí thông tin kịp thời việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chí cũng đã tuyên truyền góp phần củng cố, tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; kịp thời phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Chất lượng báo chí ngày càng được nâng cao song hành với việc phát triển mạnh mẽ về số lượng. Theo thống kê, cả nước hiện có 861 cơ quan báo in, trong đó có 199 báo; 150 báo điện tử, chủ yếu là báo, tạp chí điện tử của các cơ quan báo in; 66 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, bao gồm 2 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, 64 đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng TP Hồ Chí Minh có 2 đài.

chúng ta tự hào về đội ngũ trên 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Tuy nhiên, việc tăng nhanh về số lượng các cơ quan báo chí cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Việc phát triển các tòa soạn, tờ báo không theo một quy hoạch tổng thể đã khiến nhiều cơ quan báo chí hoạt động không rõ bản sắc, tôn chỉ mục đích, trùng lặp về nội dung ấn phẩm. Từ đó dẫn tới việc phân tán, lãng phí về nhân lực, tài chính trong ngành báo chí. Số lượng báo quá tải cũng dẫn tới sự cạnh tranh thông tin không lành mạnh, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội, gây mất niềm tin của độc giả.

Nhằm phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ, nhân văn, văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả”.

Căn cứ tình hình thực tế và xu hướng phát triển của báo chí, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng năm nay diễn ra trong bối cảnh thế hệ các cán bộ và nhà báo đang tích cực triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Chúng ta tiến hành quy hoạch nhằm sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng viễn thông, internet. Sắp xếp lại các cơ quan báo chí khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Liên quan đến quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Chúng ta là báo chí cách mạng, phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, đó là nguyên tắc, kỷ cương. Thực hiện đúng chỉ thị và tinh thần của Đảng, báo chí phải phát triển trong khuôn khổ tạo điều kiện cho cái tốt”.

Tâm thế nhà báo trước yêu cầu, nhiệm vụ mới

Mục tiêu, trách nhiệm lớn trong một hiện thực đầy khó khăn. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, cũng như đáp ứng nhu cầu cấp bách của nội tại ngành báo chí, đòi hỏi thế hệ các cán bộ nhà báo phải có sự đồng thuận, kiên định, đoàn kết cùng nỗ lực cố gắng.

Mỗi nhà báo cần xác định cho mình một tâm thế chủ động chia sẻ và gánh vác để phát triển. Quá trình tái cấu trúc toàn ngành không tránh khỏi sự sáp nhập, thu gọn bộ máy hoạt động. Trong đó, hầu hết các tòa soạn báo chí sẽ có xu hướng chuyển ra hoạt động tự chủ, một bộ phận nhân sự báo chí chưa đáp ứng được chuyên môn nghiệp vụ cũng có thể sẽ thuyên chuyển sang những vị trí công việc mới. Cho dù ở vị trí nào, mỗi phóng viên, nhà báo muốn thực sự gắn bó với nghề cũng cần sự kiên trì đồng thuận và không ngừng nỗ lực phấn đấu.

Nhà báo phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; bồi dưỡng và giữ vững bản lĩnh cách mạng cũng như bản lĩnh của người làm báo. Ngoài đạo đức một công dân phải có đối với đất nước và dân tộc, thì nhà báo còn cần sự vững vàng và có cái tâm trong sáng. Điều này sẽ giúp cho các nhà báo tránh được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trở thành những nhà báo thanh liêm, chân chính, đủ sức mạnh chiến thắng sự cám dỗ, chia rẽ và phá hoạt của kẻ địch trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Đặc biệt trong bối cảnh chịu sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường, sự cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan, loại hình báo chí, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay thì việc tu dưỡng rèn luyện bản lĩnh chính trị cách mạng và đạo đức của người làm báo càng cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

Nhà báo hiện đại phải không ngừng nỗ lực tư duy một cách sáng tạo, nâng cao các kỹ năng chuyên môn như tác nghiệp, sáng tạo tác phẩm báo chí bằng các phương tiện hiện đại mới. Không ngại khó, ngại khổ nghiên cứu, tìm tòi các kỹ năng truyền thông mới để ngoài việc tăng cường chất lượng về thông tin trong tác phẩm, còn mở rộng phát triển các hình thức mới đem lại giá trị gia tăng nhằm xây dựng tòa soạn phát triển có bản sắc, vững mạnh về kinh tế.

Nhà báo hiện đại cần có lòng đam mê với nghề và khát vọng cống hiến. Chính những điều này sẽ tạo cho mỗi nhà báo, mỗi tác phẩm có “lửa”, có sức hút. Thực tế hiện nay vẫn còn một số nhà báo, phóng viên thiếu nhiệt huyết và lòng yêu nghề, nên ít tìm tòi đọc và học hỏi kiến thức, dẫn đến yếu về chuyên môn và thiếu kỹ năng làm báo. Là những nhà báo chân chính thì luôn trăn trở theo đuổi các vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề liên quan lợi ích người dân và tiến bộ xã hội. Họ có thể cống hiến, hy sinh vì lý tưởng và những đề tài mình đã chọn nhằm đem đến cho độc giả những tác phẩm giá trị, mang đậm tính nhân văn hữu ích.

Trong xu hướng báo chí hiện đại, đồng hành cùng các nhà báo, cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường nắm bắt về cuộc cách mạng 4.0, từ đó đề ra những chiến lược phát triển phù hợp với tòa soạn trong xu thế chung của báo chí thế giới. Trong đó, các cơ quan báo chí cần quan tâm chú trọng các yếu tố đó là nhà sản xuất, tòa soạn, sản phẩm thông tin và công chúng. Mỗi tòa soạn muốn phát triển hiện đại theo xu hướng hội tụ cần tăng cường kết cấu hạ tầng, nhân lực, môi trường pháp lý, giải pháp an ninh và 5 kỹ năng viết, chụp ảnh, quay phim, làm đồ họa, lập trình.

Thu Vân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/tam-the-cua-nguoi-lam-bao-truoc-yeu-cau-nhiem-vu-moi-257740.html