Tâm thế chủ động trước kỳ thi THPT quốc gia 2017

GD&TĐ - Thời điểm này, hầu hết các trường THPT đều đón nhận phương án thi THPT quốc gia năm 2017 với tâm thế chủ động và sớm có giải pháp giúp giáo viên, học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này.

Dạy học phải bám sát chương trình

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - chia sẻ: Năm nay, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia sớm, ngay từ đầu năm học. Như vậy các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh có thời gian chuẩn bị dài hơi hơn.

Với Trường THPT Yên Hòa, ngay từ buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm, đã họp với tất cả cha mẹ học sinh lớp 12 công bố dự thảo phương án thi của Bộ GD&ĐT, phân tích sự đổi mới trong bối cảnh chung, là xu thế cần phải tiến tới.

“Những năm qua, Bộ GD&ĐT đều có sự đổi mới phương án thi, về mặt này hay mặt khác chứ không phải năm nay mới đổi mới. Thực tế, quá trình đổi mới nào cũng vậy, thách thức luôn đồng hành cùng thời cơ.

Vì vậy, hãy có "tâm thế chủ động đón nhận phương án thi năm 2017", đó là điều ban giám hiệu nhà trường phân tích, chia sẻ với cán bộ giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Tôi cũng đã trực tiếp soạn thành bài "Tâm thế chủ động đón nhận phương án thi năm 2017" với 18 slide để giáo viên chủ nhiệm lớp 12 vừa hiểu thêm, vừa dạy, phân tích cho học sinh (trong giờ sinh hoạt lớp) và cha mẹ học sinh (nếu hỏi) yên tâm về phương án thi mới” - cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Sớm cho các thầy cô tiếp cận, triển khai phương án thi ngay từ khi còn là dự thảo, thầy Đỗ Phú Việt – Giám đốc Trung tâm GDTX – Dạy nghề Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết đã đặt ra trách nhiệm với từng giáo viên. Bởi học viên giáo dục thường xuyên chỉ học 7 môn và môn nào cũng là môn thi nên giáo viên chắc chắn phải bám sát chương trình, kiến thức không được phép cắt xén.

“Từng học viên cũng đã được phổ biến phương án thi năm 2017 để trên cơ sở đó có sự lựa chọn môn thi theo năng lực của mình. Chúng tôi cũng nhắc nhở các em không học tủ, học lệnh vì các phần kiến thức các thầy cô truyền đạt đều có tính chất quyết định trong kỳ thi” - thầy Đỗ Phú Việt chia sẻ.

Theo kế hoạch, đến hết học kỳ I, Trung tâm GDTX – Dạy nghề Cầu Giấy sẽ thực hiện phân loại học sinh, căn cứ vào nguyện vọng học sinh để chia các lớp, tổ chức bồi dưỡng kiến thức. Với học sinh yếu kém, trung tâm sẽ có trách nhiệm bồi dưỡng để trang bị kiến thức sẵn sàng tâm thế bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Những học sinh từ trung bình trở lên có nguyện vọng ôn tập, trung tâm sẽ mở các lớp bồi dưỡng, thực hiện quy chế dạy thêm học thêm theo đúng chức năng.

Trung tâm cũng đã yêu cầu giáo viên thực hiện đúng tiến độ, đúng chương trình, đúng nội dung, đổi mới phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh. Ngoài phần kiến thức, cần hướng dẫn học sinh cách làm bài thi trắc nghiệm. Mẫu đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT sẽ được áp dụng trong bài kiểm tra học kỳ, 1 tiết để học sinh làm quen.

“Năm trước, Trung tâm đạt tỷ lệ tốt nghiệp là trên 87%. Chỉ tiêu năm nay đặt ra là 90%. Bởi mặt bằng học sinh thấp hơn nên các thầy cô giáo sẽ cố gắng hết sức mình để các em đạt kết quả thi cao nhất” - thầy Đỗ Phú Việt chia sẻ.

Bám sát đề thi minh họa để đưa ra các giải pháp giảng dạy, ôn tập

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường có học sinh tham dự kỳ thi nghiên cún kỹ phương án tổ chức thi của Bộ GD&ĐT; tổ chức phổ biến các quy định về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhất là những điều chỉnh trong tổ chức thi, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng tới các giáo viên, học sinh (kể cả học sinh khối 10, khối 11).

Chỉ đạo triển khai tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn học sinh ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức, đồng thời làm quen với phương thức thi mới nhất là hình thức thi trắc nghiệm các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Các trường của Hà Nội được yêu cầu xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thòi gian quy định. Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trinh; bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, đảm bảo cho học sinh có đủ kiến thức dự thi.

Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, học viên có học lực yếu, kém, học sinh người nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập. Hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt, dành nhiều thời gian cho việc tự học.

Nhấn mạnh việc bám sát đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành, tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận để đưa ra các giải pháp giảng dạy, giải pháp hướng dẫn học sinh học và ôn tập phù hợp nhất với đối tượng học sinh, Sở GD&ĐT cũng đề nghị phổ biến cho học sinh kỹ năng khi làm bài, đảm bảo đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi. Phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh.

Đặc biệt, việc điều chỉnh phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá cho học sinh khối 10 và học sinh khối 11 cũng được lưu ý để chuẩn bị đủ kiến thức đáp ứng đổi mới nội dung thi theo lộ trình: Năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tam-the-chu-dong-truoc-ky-thi-thpt-quoc-gia-2017-2391031-v.html