Tâm thế 4.0

Chỉ cách Hà Nội 3 giờ bay, tới một quốc gia thuộc khối ASEAN là Singapore, chúng ta sẽ có cảm nhận một cách rõ rệt về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nó đã thực sự hiện diện trong đời sống xã hội nơi đây.

Xuống sân bay Changi, tôi nhanh chóng đặt được một cuốc taxi công nghệ qua dịch vụ đi chung về khách sạn với giá 14 đô la Sing thay vì 20 đô nếu đi một mình. Trong 1 tuần ở quốc đảo này, tôi cũng chưa hề một lần nhìn thấy bóng dáng cảnh sát trên đường phố. Hỏi một bác tài xế taxi công nghệ - dịch vụ rất phổ biến và được ưa chuộng thay cho taxi truyền thống tại đây, tôi nhận được câu trả lời hóm hỉnh : “Nghề cảnh sát ở Singapore nhàn nhất thế giới, bởi họ chỉ việc ngồi trong phòng máy lạnh quan sát camera mà thôi. Anh thấy đấy, camera ở Singapore có mặt khắp mọi nơi”. Khi xuất cảnh khỏi quốc đảo này, tôi chỉ cần lần lượt quét hộ chiếu, thẻ lên máy bay, rồi đút 2 ngón tay cái vào máy quét vân tay là xong. Mọi thao tác nhanh gọn trong vòng chưa đầy 1 phút, tuyệt nhiên không phải đối mặt với bất kỳ một nhân viên công vụ nào.

Quả thực, Singapore không những đi đầu trong khối ASEAN mà trên cả bình diện thế giới về việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Quốc gia thông minh” là chiến lược phát triển được đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long phát động từ 2014. “Quốc gia thông minh Singapore dành cho tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau. Mọi thành phần xã hội đều có thể hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ, dù trẻ hay già”, ông Lý Hiển Long từng khẳng định như vậy.

Bên cạnh chiến lược phát triển sáng suốt của chính phủ, có cảm giác người dân quốc đảo này rất năng động và luôn có tâm thế sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, thích nghi với cái mới thời 4.0 một cách mau lẹ. Hay nói cách khác, quốc gia này đang có một hệ sinh thái 4.0 rất phát triển.

Quay trở lại Việt Nam, thiết nghĩ để có công nghiệp 4.0 cần có thị trường đủ lớn để ứng dụng các công nghệ đặc trưng thời 4.0 như kinh tế chia sẻ, dữ liệu lớn, điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo. Câu chuyện của taxi công nghệ, của dịch vụ đi chung xe, của Fintech…, những dịch vụ mới điển hình thời 4.0 tại Việt Nam cho thấy : Dường như ở đâu đó, vẫn đang tồn tại “lực cản” của tư duy cũ, của thói quen cũ khiến những dịch vụ mới, những ngành nghề mới chưa thể phát triển mạnh mẽ?

Một vài thập kỷ tới, khoảng 50% nghề cũ sẽ mất đi, nhiều nghề mới chưa từng có đã và đang xuất hiện. Đó là tất yếu lịch sử của mọi cuộc cách mạng công nghiệp. Để sẵn sàng bước lên con tàu 4.0 của nhân loại, ngoài đội ngũ nhân lực chất lượng cao và công nghệ trong tay, một tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới, từ bỏ cái cũ, từ cấp quản lý cho đến người dân là điều hết sức cần thiết.

Việt Hùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/tam-the-40-1322990.tpo