Tâm thần phân liệt thể selfie

'Thương bà quá, bà ơi' 'Sao sao, có chuyện gì vậy, bà làm sao?' 'À bà mình mất 3 năm rồi nhưng mình mới chơi Facebook vài hôm nay nên phải đăng dòng tưởng nhớ bà'!

Câu chuyện buồn cười trên kia chỉ là cách ai đó tóm bắt về thế giới phù ảo của mạng xã hội mà hầu như dân chơi mạng đều thông tỏ. Nhưng cẩn thận đấy, cười người hôm trước hôm sau người cười. Ta cũng đang trong tầm dòm ngắm, là miếng mồi ngon cho thiên hạ bình phẩm, tiêu khiển hoặc ít nhất cũng cười nụ mà không biết đó thôi.

Lựa bức ảnh nuột và thon thả nhất đưa lên mạng rồi than thở “Dạo này béo quá, già rồi” để “bạn phây” xúm vào phản đối- đó cũng là Facebook.Kể cả bạn có hồn nhiên đưa bức ảnh mà chỉ bạn thấy ngời ngời còn người khác thấy ngược lại thì họ cũng sẽ nắc nỏm “Ui đẹp quá chị ơi, trẻ dã man luôn! Chơi thế ai chơi lại!”. Bạn bè để làm gì nhỉ. Gieo gì gặt nấy, không lai, còm ta thì ta cũng sẽ để cho chưng hửng mốc meo, chẳng thèm ỏ ê lai liếc.

Trong cuốn “Thị dân tiểu thuyết”, Nguyễn Việt Hà trích dẫn phép chẩn minh của danh y Biển Thước người Trung Hoa cổ: “Hai mươi tuổi khí đang vượng, bay đi. Ba mươi tuổi khí chín, nhanh nhẹn thành công đi. Bốn mươi tuổi ngồi cho yên. Năm mươi tuổi nằm cho yên. Còn sáu mươi tuổi phải giấu nguyên khí vào trong”. Cuộc chơi, cuộc trình diễn của trung niên nếu có, phải muôn phần cẩn tắc hơn đám trẻ vốn lại có cái khó khác.

Khi chúng ta nói về ai, chuyện gì, cuối cùng đều là nói về bản thân mình. Cho nên, cẩn thận với những gì bạn thể hiện trên trang cá nhân. Ở đó bạn thú vị, giỏi giang, hiếu đễ, chồng vợ đề huề con khôn nhà đẹp, tấm lòng bồ tát chăm chỉ làm từ thiện..v..v..Nhưng hãy coi chừng bởi ranh giới giữa hay ho và lố bịch có khi chỉ như sợi chỉ mỏng manh.

Thơ của Nguyễn Duy, bài “Xẩm ngọng”: “Người cười nói xúc phạm người ngậm tăm/Siêng làm xúc phạm phàm ăn/Kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng… Cái sang xúc phạm cái nghèo/ Cái ngay xúc phạm cái khoèo bẩm sinh…/Cõi dương xúc phạm cõi âm/ Cõi thiêng xúc phạm cõi trần tục gian…”

Bạn làm sếp, suốt ngày tiệc tùng, quanh năm du lịch nước trong nước ngoài. Bạn cập nhật điều đó trên mạng. Trong khi nhân viên của bạn đầu tắt mặt tối mưu sinh độ nhật. Cho dù bạn không đang “xúc phạm” ai như Nguyễn Duy bảo, nhưng có thể sơ ý khêu lên lòng ghen ghét đố kỵ thì lỗi không hoàn toàn ở họ đâu. Tinh tế chẳng bao giờ thừa.

Giữa mùa dịch dã khốn đốn, đầy người phá sản, đầy sáng kiến cứu đói bằng cây ATM mà ngôi sao showbiz lại lo khoe đồ hiệu, danh thủ trưng ảnh đi mua xe sang vài tỷ, thì dù không cố ý “cái sang xúc phạm cái nghèo” nhưng nếu có bị qui nạp rằng “xướng ca vô loài có khác, quần đùi áo số hay nhổ nước bọt có khác” hãy đừng trách thiên hạ khắt khe “chả nhẽ cả nước lao đao thì tôi phải hoãn sự sung sướng lại”.

“Người ta yêu đã đi xa. Người yêu ta lại ở nhà, buồn không” (thơ của ai đó không nhớ). Ối giời ơi, chưa chắc con cá mất đã đáng tiếc thế đâu. Chỉ một lần chịu khó lướt phây của vài người yêu cũ khiến tôi chả bao giờ có ý định kết bạn theo lời mời của họ đã đành mà còn muốn chặn vĩnh viễn.Thơ dân dã của Nguyễn Bảo Sinh nói rồi: “Chắp tay vái lạy ông trời/Xin cho đừng gặp lại người tình xưa”.

Người mà ta từng yêu chết đi sống lại thì nay cả tin trương lên dòng bói toán về mình nào là đẹp giai tài giỏi hơn người, thông tuệ sâu sắc, hậu vận mỹ mãn. Xong gật gù bảo cái anh phây sao giỏi thế, phán như thần. Thử tí nữa, lượn vào nhà đương kim phu nhân thấy còn hồn nhiên hơn, pót từ ảnh góc bếp luộm thuộm pót đi. Ai khen trẻ đẹp cũng tin sái cổ và rối rít“cảm ơn các tình yêu nha”.

Ngày nay, điện thoại di động chả khác nào một bộ phận cơ thể còn trang cá nhân thì giống tấm biển quảng cáo. Nó bộc lộ nhu cầu, sở thích, tính cách, cho mọi người biết bạn là ai theo cách bạn không hề nghĩ tới.

Nhiều người say sưa báo cáo hoạt động của mình “từ vươn thở đến tiếng thơ”, đi đến đâu thì như Mỵ Châu rắc lông ngỗng đến đấy. Nhiều cặp vợ chồng sáng rời nhà đi làm, vừa đến công sở đã lụi hụi viết “tớt” rồi “tác” nhau loạn xị, nói ngoa là “make love trên phây”. Hoàn cảnh lắm.

Trong bộ phim khoa học “Chất xúc tác” trên đài ABC của Mỹ, có một tập người ta khám phá ra rằng tỉ lệ những người yêu bản thân gia tăng hẳn kể từ khi các trang mạng xã hội ra đời, điển hình là Facebook. Ái kỷ, Hội chứng Nác-xit hay còn gọi là Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder) được coi là một thể tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách- những người này luôn khoa trương khuếch đại về mình, luôn cần được ái mộ và thích nổi tiếng đồng thời lại rất thiếu cảm thông, gây hại cho các mối quan hệ.

Mở phây được vài tháng tôi đóng luôn, biết rằng người hướng nội như mình chả hợp, nguy cơ lố bịch cũng cao như bất cứ ai. Còn bạn có làm được những điều này không, thì hãy để chế độ “pắp lích”: Cứ 1 điều quảng bá bản thân thì nên nói 10 điều về người khác; vui sướng có chừng mực khi thành công- đau khổ có chừng mực lúc hoạn nạn; trung thực nhưng đừng vạch áo cho người xem lưng; giữ sự riêng tư càng nhiều càng tốt; cân bằng giữa sống ảo và sống thật…

Ngày nay với chiếc điện thoại gắn camera phía trước, chúng ta có cả thế giới trong nhà, đồng thời có nguy cơ phơi lộ mình trước cả thế giới trong khi chưa trang bị đồ bảo hộ cần thiết. Mạng xã hội nếu có dùng, chỉ nên là một thành tố giúp hoàn thiện các mối quan hệ xã hội của bạn và tận dụng các tiện ích để phục vụ cuộc sống chứ không nên là tấm biển quảng cáo phản tác dụng, biến bạn thành kẻ ngáo phây, nghiện selfie lúc nào không biết.

Năm 2018 Mỹ làm bộ phim “Selfie với thần chết” (tựa gốc: Selfie from hell) kể chuyện một vlogger nổi tiếng thường xuyên đăng ảnh tự sướng lên mạng. Trong một lần selfie, cô mắc sai lầm nghiêm trọng gây nguy hiểm tính mạng. Cùng loạt phim kinh dị về những con quỷ tồn tại nhờ sự “đu trend”, "hám fame" của dân mạng còn có:Pulse (Xung điện- 2006), Smiley (Nụ cười của quỷ- 2012), Horror- 2015, Ratter (Trò chơi đuổi bắt- 2015), Swipe (Quẹt trái quẹt phải- 2015), Friend request (Lời mời kết bạn- 2016)… Ngoài đời cũng có vô số vụ tai nạn hoặc án mạng do selfie, đầy người lộn cổ từ ban công hoặc đỉnh núi do mải chụp ảnh tự sướng…

Vi Khanh - Minh họa: ĐỖ ĐỨC

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tam-than-phan-liet-the-selfie-1734207.tpo