Tam thân của Đức Phật

(Tiếp theo kỳ trước)

NSGN - Giáo lý Tam thân (trikāya), như đã được tất cả các tông phái Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc và Nhật Bản chấp nhận hiện nay, là sự phát triển muộn màng trong lịch sử Đại thừa.

Tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới tại chùa Nanzoin, Nhật Bản - Ảnh internet

6. Bất sinh (anutpāda) được xem như là một tên gọi khác của Ý sinh pháp thân (Manomaya-dharmakāya) của Như Lai (Như Lai Ý sinh pháp thân 如 來 意 生 法 身). Manomaya có nghĩa là “ý sinh” (được thực hiện bằng ý chí) và, như đã được giải thích ở một đoạn khác, một Bồ-tát có thể mang nhiều hình tướng tùy theo hạnh nguyện cũng dễ dàng như ta dùng tư tưởng để vượt qua mọi chướng ngại vật lý. Có phải chăng cái “Pháp thân do ý sinh” đó không phải là Pháp thân tự thân, mà là Pháp thân trong mối tương quan với thế giới sai biệt đa thù, nơi nó có thể mang nhiều hình tướng tùy theo hoàn cảnh và điều kiện? Trong trường hợp này, một Pháp thân mang những phẩm tính đó cũng chẳng khác gì Hóa thân (Nirmānạkāya) cả. Đọc thêm nữa, ta sẽ thấy rằng số lượng những danh hiệu khác nhau của Như Lai tạo thành cả một đoàn quân trong thế giới này, chỉ có điều chúng sinh dù có nghe cũng không nhận ra được những danh hiệu đó.

7. Pháp thân của Như Lai được sánh với tính bất hoại của cát sông Hằng, vì cát sông Hằng vẫn bất biến khi bị nung trong lửa. Xuống dưới nữa, bản Đường nói rằng Pháp thân vì không có thân, nên nó không bao giờ bị hoại diệt. Trong bản văn Phạn ngữ, từ tương ứng với cách dịch đó là sárīra (hay sárīravat), có nghĩa là “xá-lợi”, chứ không phải là Dharmakāya. Nhưng theo ngữ cảnh thì ta có thể phỏng đoán sárīra đồng nghĩa với Dharmakāya. Thực ra, bản Ngụy và bản Đường cũng có dùng “法 身”(pháp thân), tức là Dharmakāya ở đây. Trong Phật giáo, sárīra (xá-lợi) dùng để chỉ những thứ rắn chắc và không hư hoại còn sót lại sau khi hỏa táng người chết. Người ta cho rằng chỉ có những bậc thánh mới có thể lưu lại xá-lợi như thế sau lễ trà tỳ. Quan niệm này cũng tương đồng với một Pháp thân bất diệt và tạo nên bản chất tâm linh của Phật tính.

8. Trong bài kệ kết thúc đoạn này về cát sông Hằng, Phật tính của Phật (Buddhasya Budhtāḥ) được dùng thay cho Pháp thân để ví với cát sông Hằng, là thứ xa lìa được mọi sai lầm vốn có trong những sự vật tương đối. Không còn hồ nghi gì nữa, Phật tính (Buddhatā) cũng có nghĩa là Pháp thân của Như Lai, chỉ khác nhau ở tên gọi mà thôi. Từ những dẫn chứng trên, ta có thể thấy rằng ý tưởng Pháp thân không hề thiếu trong kinh Lăng-già, chỉ có điều là nó không được dùng theo nghĩa Pháp thân trong giáo lý Tam thân. Chắc chắn, ý tưởng về Pháp thân đang tiềm ẩn ở đây, và đã góp phần định hình nên một giáo lý được phát triển trọn vẹn về sau. Trong những trang tiếp theo, những hình thức khác nhau của chư Phật, như đã được nhắc đến trong kinh Lăng-già, sẽ được khảo cứu từ quan điểm xác định thử xem kinh Lăng-già đã lát nền được bao xa trên con đường dẫn đến giáo lý Tam thân.

Chưa có Tam thân, nhưng có Tam Phật Nhất Thể12

Khi kinh Lăng-già phân tích những nhân cách khác nhau nơi Đức Phật thì nó cũng kết thúc bằng thuật ngữ Phật, chứ không phải là Thân (kāya). Chư Phật khác nhau theo nghĩa là các Ngài là chư Phật, chứ không phải khác nhau theo nghĩa các Ngài thuộc về một trong ba Phật của Tam thân. Tôi cho rằng sự phân biệt này rất quan trọng trong việc lần ra lộ trình phát triển của giáo lý Tam thân, mà mãi đến sau thời Long Thọ ít lâu vẫn chưa được định hình. Như đã nói ở phần trước, khi thuật ngữ Pháp thân (Dharmakāya) được dùng trong kinh Lăng-già thì nó vẫn chưa được hiểu theo nghĩa là một thân trong Tam thân, mà chỉ mang ý nghĩa tương phản với khía cạnh vật lý, và do đó là khía cạnh có thể bị hoại diệt của Phật tính. Pháp thân, do đó, có nghĩa là nhân cách Phật [Buddha-personality (N.D)] khi nó được đồng hóa trọn vẹn với Pháp, tức cái chân lý tuyệt đối làm nên phần cốt tủy cho đạo Phật. Trong kinh Lăng-già, cái đáp ứng lại ý niệm Dharmakāya (Pháp thân), hiểu theo nghĩa là một trong Tam thân, được tìm thấy trong Dharmatā-Buddha (Pháp tính Phật), Tathāgata-jnã̄na-Buddha (Như Lai trí Phật) hay Mūla-Tathāgata (Căn bản Như Lai). Dharmatā-Buddha (Pháp tính Phật) đôi khi được viết gọn là Dharma-Buddha (Pháp Phật), nhưng trên thực tế thì tất cả đều có cùng một nghĩa. Dharmatā được dịch sang Hán ngữ là “pháp tính 法 性”, có nghĩa là tự tính của các pháp, do đó Dharmatā-Buddha (Pháp tính Phật) có nghĩa là một vị Phật mà tự tính [nature (N.D)] là chính thực tính [reality (N.D)], và từ vị Phật đó lưu xuất ra những nhân cách Phật khác. Đoạn kinh văn sau đây trong kinh Lăng-già phân định rõ ràng các vị Phật khác nhau:

Này Đại Huệ! Vạn pháp hiện hữu khi ta phân biệt tự tướng, cộng tướng vì ta bị tập khí huân tập nên mới thấy vạn pháp phóng chiếu ngoài tâm. Do chấp vào vọng tưởng phân biệt mà ta thấy có biết bao nhiêu là thứ huyễn; do vọng chấp nên ta tưởng chúng là có thật, nhưng chúng hoàn toàn bất khả đắc; đó là lời thuyết pháp của Pháp tính Phật.13 Lại nữa, này Đại Huệ! Vọng tưởng sinh khởi là do chấp vào cái trí tương đối [mà tưởng là tối hậu]. Cũng như các nhà huyễn thuật khéo dùng cỏ, cây lớn, bụi cây, dây leo, v.v... để tạo ra đủ các thứ huyễn hóa. Khi người huyễn kia khoác một hình hài giống như người thật thì [khán giả] thọ nhận người huyễn theo nhiều cách, và cho đó là có thật. Khi đã thọ nhận như thế thì, này Đại Huệ, chẳng có gì là có thật, thậm chí do trí tương đối mà khởi vọng tưởng phân biệt, rồi nhân đó mà sinh tâm phân biệt và thọ nhận đủ các loại hình tướng.

Này Đại Huệ! Vọng tưởng phân biệt sinh khởi từ tập khí khiến chúng sinh chấp vào các tướng sai biệt, rồi từ đó mới có vọng tưởng phân biệt. Này Đại Huệ! Đó là lời thuyết pháp của Sở lưu Pháp tính Phật.14

Lại nữa, này Đại Huệ, Pháp tính Phật (Dharmatā-Buddha) dựng lập cảnh giới tự chứng, xa lìa mọi thể cách hoạt động của tâm. Lại nữa, này Đại Huệ, Hóa Phật (Nirmānạ-Buddha) dùng sự chuyển hóa để dựng lập các pháp môn tu học như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền (dhyāna), định (samādhi), tuệ (prajnã̄), trí (jnã̄na), uẩn (skandha), giới (dhātu), xứ (āyatana), giải thoát, và thức (vijnã̄na), vượt hẳn kiến chấp hữu sắc của ngoại đạo.

Lại nữa, này Đại Huệ, Pháp tính Phật (Dharmatā-Buddha) lìa phan duyên, tự mãn túc; đoạn diệt mọi sở tác, căn, lượng và tướng; vượt ngoài tầm của phàm phu, Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo còn chấp vào ngã tướng. Cho nên, này Đại Huệ, ông phải tinh tấn tu học cảnh giới tự chứng thắng diệu, đoạn diệt mọi kiến chấp của tâm.

Ba loại Phật được phân biệt ở đây: (1). Pháp tính (Dharmatā), (2). Sở lưu hay Pháp tính Sở lưu (Nishyanda hay Dharmata-nishyanda), và (3). Hóa Phật (Nirmānạ hay Nirmita), rõ ràng là tương tứng với (1). Pháp thân (Dharmakāya), (2). Báo thân (Sambhogakāya), và (3). Hóa thân (Nirmānạkāya). Pháp tính (dharmatā) là yếu tính tuyệt đối của Phật tính, nó siêu việt mọi hình thức giới hạn và bất khả thuyết. Nó chỉ có thể được chứng ngộ trong tâm (abhisamaya: hiện chứng 現 證) mà thôi. Ở nơi nào mà Sở lưu (Nishyanda) - vốn lưu xuất từ Pháp tính (Dharmatā) do tập khí (vāsanā) huân tập từ vô thủy - phơi bày ra một thế giới sai biệt đa thù thì ở nơi đó, bằng các phạm trù như tự tướng và tổng tướng, sẽ phát sinh trí tương đối tức y tha khởi tính (paratantra); và do tùy thuộc vào y tha khởi tính mà mới có biến kế sở chấp (parikalpita), rồi do biến kế sở chấp mà ta mới phán đoán sai lầm về những sự vật do huyễn thuật tạo ra. Điều đó có nghĩa Sở lưu (Nishyanda) là sự khởi đầu cho một thế giới sai biệt đa thù.

Nishyanda hay Nisyanda xuất phát từ ngữ căn syand, nghĩa đen là “chảy xuống” hoặc “chảy ra ngoài”, và danh hiệu một vị Phật được gán thêm tiền tố đó đôi khi được dịch là Báo Phật 報 佛 (vị Phật báo đền, bù đắp) trong bản Ngụy và bản Đường; còn trong bản Tống thì nó được dịch là Y Phật 依 佛 (vị Phật làm nơi nương tựa). Không những không có mối quan hệ nào giữa nishyanda (sở lưu) với sambhoga (hưởng thụ; vui hưởng), mà ngay cả định nghĩa của kinh Lăng-già về Sở lưu Phật (Nishyanda Buddha) dựa theo chức năng của Ngài dường như cũng hoàn toàn khác với bản chất của Sambhogakāya mà ta thường thấy. Thật là một điều lạ khi cả hai bản dịch Hán ngữ thỉnh thoảng đều dùng từ “báo 報” để dịch nishyanda, lại đồng thời dùng nó để dịch vipāka, trong đó cả Vipākasthā-BuddhaVipākaja-Buddha đều được dịch là Báo Phật 報 佛. Vipāka có nghĩa là “thành thục; chín muồi” hay “nấu nướng”, và cũng có thể được dịch là “bù đắp” hay “báo đáp”, “báo đền”; nhưng làm thế nào mà nishyanda lại trở thành “báo 報” như vipāka? Và làm thế nào mà Nishyanda-BuddhaVipāka-Buddha lại được xem như tương ứng với thân thứ hai trong Tam thân? Hay là có mối tương ứng thực sự giữa ba khái niệm này?

Lý do vì sao mà nishyandavipāka được dịch là “báo 報” trong các bản Hán ngữ có thể là thế này.

Cả hai từ đó đều thuộc về phạm trù nhân duyên. Triết học Phật giáo liệt kê ra năm quả (phala) với sáu nhân (hetu); nishyandavipāka là hai trong năm quả đó, ba quả còn lại là Purushakāra (sĩ dụng quả 士 用 果), Adhipati (Tăng thượng quả 增 上 果), và Visaṁyoga (ly hệ quả 離 繫 果).15 Vipāka (dị thục quả 異 熟 果) có nghĩa là: bản chất của quả không đồng với bản chất của nhân. Khi một người làm việc thiện thì anh ta được bù đắp bằng một niềm vui thú nào đó. Niềm vui và việc thiện không phải cùng một tính chất, nhưng giữa chúng vẫn có mối quan hệ nhân quả mật thiết. Tuy nhiên, đối với trường hợp Nishyanda thì nhân và quả lại có cùng bản chất.16 Một hành động thiện sẽ có khuynh hướng thôi thúc ta làm thêm nhiều điều thiện khác nữa, và quả cùng phẩm chất sẽ xuất phát từ nhân của nó. Một khi Nishyanda và Vipāka được xem như là cách diễn đạt hai hình thức khác nhau của quả - hay sự đền bù, bù đắp, hoặc là một cái gì đó từ nhân trôi chảy đến - thì chúng được chỉ định bằng từ báo 報, tức kết quả, mặc dù hơi khó phân biệt. Ta có thể nói về từ báo 報 bằng tất cả những điều trên, tuy nhiên xem nishyanda có nghĩa là báo 報 thì có vẻ như không hoàn toàn chính xác; bởi vì ý tưởng này, như được diễn đạt rất rõ ràng trong kinh Lăng-già, có nghĩa là “sự trôi chảy”, hay “nương tựa, tùy thuộc”, chứ hoàn toàn không có nghĩa là “đền bù; bù đắp” hay “báo đáp” gì cả. Những lời thuyết pháp của vị Nishyanda-Buddha đề cập đến giai đoạn sai biệt hóa của hiện hữu, những lời đó được rút ra hoặc trôi chảy ra từ bản tính của vạn pháp, hay pháp tính, như ta thấy rõ trong nhóm từ “dharmatā-nishyanda” (pháp tính sở lưu).

Không hề có khái niệm hưởng thụ hay vui hưởng (sambhoga) trong việc hình thành nên Đức Nishyanda-Buddha, điều đó quá hiển nhiên; nhưng kinh Lăng-già vẫn gợi ý xa xôi đến ý tưởng một Đức Nishyanda-Buddha đang ở cõi trời Akanishṭha (Sắc cứu cánh thiên). Thử đọc đoạn kinh văn sau:

Này Đại Huệ, cũng như do tâm phóng chiếu mà A-lại-da thức hiển bày cảnh giới thân (deha), an lập (pratishṭha), thọ dụng (ābhoga); Đức Nishyanda-Buddha cũng thế, này Đại Huệ, do làm thành thục những điều kiện của tất cả chúng sinh, Ngài hướng sự tu tập của tín đồ đến trụ xứ của Ngài nơi cõi trời Akanishṭha (Sắc cứu cánh thiên). Này Đại Huệ, giống như Đức Dharmatā-Buddha lập tức tỏa sáng hào quang nhờ vào hào quang từ Nishyanda và cõi Niết-bàn; tự chứng thánh trí cũng thế, này Đại Huệ, nó lập tức tự thân tỏa sáng hào quang, xua tan tà kiến hữu vô.

Trong đoạn trích dẫn này, ta thấy Nishyanda-Buddha an trụ nơi cõi trời Akanishṭha, là cõi trời cao nhất trong tất cả các cõi sắc tướng (rūpa). Từ cõi trời đó, Ngài phóng hào quang như Đức Nirmānạ-Buddha, hào quang đó được phản chiếu nơi Đức Dharmatā-Buddha. Cõi trời Akanishṭha được mô tả là rực rỡ hào quang: “Akanishṭho virājate: Sắc Cứu Cánh xí nhiệt 色 究 竟 熾 爇”. Ta có thể thấy điều này trong bài kệ số 3 của phẩm Abhisamaya (Hiện chứng); Bồ-tát đạt toàn giác, sau khi vượt qua mười cấp độ tu hành của Bồ-tát địa, đã trở thành một Đức Phật tựu thành viên mãn hạnh nguyện nơi cõi trời Akanishṭha; điều này được đề cập rải rác trong kinh Lăng-già. Hiển nhiên cõi trời này là trú xứ của Đức Phật Nishyanda, nghĩa là Đức Phật của Sambhogakaya, hay Đức Phật “đang thọ hưởng” trạng thái lạc phúc tối thượng, xem như kết quả của sự tinh tấn tu tập tâm linh lâu dài. Trong khi trạng thái lạc phúc này là thành quả tâm linh tự nhiên thì chắc chắn nó cũng là thành quả của chân lý tối thượng, cái chân lý mà vạn pháp phải nương vào để hiện hữu. Liệu có phải vì thế mà Nishyanda-Buddha được dịch là Báo Phật 報 佛, hoặc Y Phật 依 佛, và sát nghĩa hơn nữa là Sở lưu Phật 所 流 佛?

Còn Vipāka-Buddha, hay Vipākasthā-Buddha - hiểu theo nghĩa tương ứng với thân thứ hai trong Tam Thân - chỉ được nhắc đến trong mục “Một trăm linh tám câu hỏi” của Bồ-tát Đại Huệ và trong phẩm Kệ tụng (Sagāthakam), một phẩm có thể nói là không chỉ thuộc riêng kinh Lăng-già. Ngay từ phần đầu của những mục này, ta đọc thấy:

Chư Phật Nirmānịka là gì? Chư Phật Vipākaja là gì? Tathatā-jnã̄na (Như Lai trí) là gì? Cúi xin Thế Tôn vì con nói.

Ở một vài trang tiếp theo, ta đọc thấy:

Ông đã hỏi Ta về chư Phật Nirmānịka, chư Phật Vipākaja, chư Phật Tathatā-jnã̄na (Như Lai trí).

Đoạn sau đây được trích từ Kệ tụng (Sagāthakam):

Chư Phật Vaipākika, chư Phật Nirmānịka, tất cả chúng sinh, Bồ-tát, tất cả quốc độ trong thập phương thế giới (14), Nishyanda, Dharma, và Nirmānạ-nairmānịka thảy đều ra từ Tịnh độ của Phật A Di Đà (141). Những lời thuyết pháp của [chư Phật] Nairmānịka, những lời thuyết pháp của [chư Phật] Vipākaja, cả hai đều xuất phát từ kinh điển của thời kỳ Phương đẳng (Vaipulya). Ông nên hiểu mật nghĩa của nó (142). Pháp do con của Phật thuyết cũng là pháp do các bậc đạo sư thuyết. Những pháp do Nairmānịka thuyết thì không phải là pháp do Vaipākika [thuyết].

Để chỉ ra mối quan hệ giữa các thuật ngữ Phạn ngữ nguyên thủy dùng để chỉ các danh hiệu khác nhau của chư Phật với những thuật ngữ Hán ngữ tương đương được sử dụng trong những bản dịch khác nhau, ta phải lập bảng so sánh trong chương sau.

Phật Nishyanda và Phật Nirmānạ

Như tôi đã trình bày ở phần trước, sự khác biệt giữa Mūla-Tathagata (hay Dharmatā-Buddha) với Nishyanda-Buddha (hay Vipāka-Buddha) hay Nirmānạ-Buddha đã được định nghĩa rạch ròi. Mūla-Tathagata (Căn bản Như Lai) là bản thể siêu việt của tất cả chư Phật và Bồ-tát, nếu không có Mūla-Tathagata thì không có gì hiện hữu, vạn pháp đều không tồn tại, bởi vì:

Chư Phật Nirmita [Nirmita-Buddhas. (N.D)] không phải là do nghiệp tạo (karma-prabhava), và Như Lai (Tathagata) không ở trong chư Phật Nirmita, mà cũng không ở ngoài chư Phật Nirmita.

Không chỉ chư Phật Nirmānạ tìm được raison d’être17 từ pháp tính (Dharmatā), mà cả chư Phật Nishyanda cũng tùy thuộc vào pháp tính, đó là những vấn đề đã được chúng ta bàn đến. Về điểm khác biệt của Nirmānạ thì có sự lẫn lộn chút ít giữa Nirmānạ với Nishyanda, bởi vì rõ ràng là cả hai vị Phật này đều thuyết pháp về tự tướng và tổng tướng, cả hai tướng này đều thuộc về thế giới tương đối. Điểm khác biệt nổi bật nhất giữa Đức Phật Nirmānạ với bất kỳ một dạng Phật tính nào khác, đó là Ngài trực tiếp lăn lộn trong thế giới của chúng sinh đang trầm luân đau khổ, và lắng nghe những nỗi sợ hãi cùng niềm lo âu của họ. Dù chuyện đó có thể không phải là một trong những nhiệm vụ của Ngài là trực tiếp khai thị cho chúng ta thấy được những điều huyền mật của cảnh giới tự chứng, nhưng Ngài cũng giúp những kẻ phàm phu tục tử như chúng ta biết kiến chiếu vào trụ xứ tối hậu của giác ngộ và giải thoát. Như vậy, ta có thể xem đây là đặc điểm của Đức Phật Nirmānạ.

Giáo pháp này [của Đức Phật Nairmānịka] chứa đầy hý luận của kẻ sơ cơ, và không khai thị cho họ thấy được những chân lý mà bản chất có thể trái ngược [với sự hiểu biết của họ], có thể đạt được thánh trí tự chứng hoặc lạc phúc Tam-muội (Samādhi).18

Phật mang nhiều hình tướng, biến hóa nhiều cách để thành thục tất cả chúng sinh, và tỏa hào quang như trăng trong nước, hoặc như ngọn lửa tế thần, điều này có thể tìm thấy rải rác trong kinh Lăng-già.

Tuy nhiên, trong phẩm Kệ tụng (Sagāthakam) có những đoạn nói rất rõ về Đức Phật Nirmānạ.

Cõi trời Akanishṭha, nơi không có tội lỗi, là chốn an trú của những vị tu tập hạnh vô phân biệt, xa lìa tâm và tâm pháp (38).

Những vị ở đó sở hữu đầy đủ các Lực, Thần thông, Tự tại, đã thành tựu Tam-muội thù thắng, phát tâm tìm cầu giác ngộ, và được xem như là những Đức Phật Nirmita (39).

Có vô lượng vô biên Nirmānạ (hóa thân) của chư Phật hiển thị ở tất cả các nơi. Phàm phu tu học theo các Ngài để được nghe pháp (dharma) (40).19

Chúng ta tiếp tục đọc thêm:

Có một quốc độ và chư Phật Nirmānạ [thuyết giảng về giáo lý] Nhất thừa và Tam thừa. Ta không bao giờ nhập Niết-bàn vì chư Phật biết rằng tất cả đều là không và xa lìa sinh tử (kệ 379).

Chư Phật có ba mươi sáu loại, mỗi loại lại được phân thành mười20; tùy theo căn cơ của chúng sinh mà chư Phật hiển bày các quốc độ (kệ 380).

Trong thế giới phân biệt có chủng chủng hình tướng, nhưng thực ra không hề có. Phật Dharma [Dharma-Buddha (N.D)] nơi thế gian cũng thế, không khác (kệ 381).

Phật Dharma là Đức Phật chân thật, còn lại đều là hóa thân (nirmitāḥ) của Ngài; chỉ vì để ứng hợp với căn cơ chúng sinh mà các hóa thân đó hiện ra như là Phật (kệ 382).

Khi mê hoặc hình tướng thì vọng tưởng phân biệt phát sinh, [tuy nhiên] vọng tưởng phân biệt cũng không khác với chân như, những hình tướng không [tự mình] phân biệt (kệ 383).

Phật Svābhāvika (Tự tính Phật), Phật Sambhoga (Thọ Dụng Phật), Phật Nirmita (Hóa Phật), Phật Pañcanirmita (Ngũ Hóa Phật) cùng ba mươi sáu nhóm Phật, thảy đều là Tự tính Phật.21

Đại sư Suzuki
(Huỳnh Ngọc Chiến dịch)

Xem bài kỳ trước

_______

(11) Bình đẳng (samatā) trong tư tưởng Phật giáo có nghĩa là “tính bất nhị”, hay “nhất thể”. (N.D)

(12) Buddha Trinity. (N.D)

(13) Bản Anh ngữ dịch là: “The Buddha who flows out of the Ultimate Essence (dharmatā)”’. (Đức Phật lưu xuất từ Yếu tính tối hậu, tức Pháp tính (dharmatā)) (N.D)

(14) Bản Anh ngữ dịch là: “The Buddha who flows out [of Ultimate Essence] “ (Đức Phật lưu xuất ra [từ Pháp tính, (hay Yếu tính tối hậu)]), tức Sở lưu Phật 所 流 佛 hoặc Pháp tính Sở lưu Phật 法 性 所 流佛. (N.D)

(15) Purushakāra (kết quả từ lao động của con người) là thành quả khi người nông dân canh tác ruộng đồng để thu hoạch mùa vụ; Adhipati là kết quả của một nhân hữu hiệu, và Visaṁyoga là kết quả của Niết-bàn, khi ta đã giải thoát khỏi mọi trói buộc.

(16) Nishyanda được dịch là “đẳng lưu 等 流”, nghĩa đen là “dòng chảy như nhau, không khác biệt”. Đẳng lưu quả (Nishyanda-phala) dùng để chỉ quả từ nhân chảy đến, từ gốc trôi chảy tới ngọn; không có sự khác biệt giữa quả với nhân. (N.D)

(17) Chữ Pháp trong nguyên tác, có nghĩa là “lý do tồn tại”. (N.D)

(18) Đoạn này tôi chỉ có thể dịch theo bản Anh ngữ, và thú thật là thấy không được thỏa mãn lắm. (N.D)

(19) Tham khảo bản Thật Xoa Nan Đà: “Thường hành vô phân biệt, viễn ly tâm tâm pháp, trụ Sắc cứu cánh thiên, ly chư quá thất xứ. Ư bỉ thành chính giác, cụ lực thông tự tại, cập chư thắng tam muội, hiện hóa ư thử thành. Hóa thân vô lượng ức, biến du nhất thiết xứ, linh ngu phu đắc văn, như hưởng nan tư pháp. 常 行 無 分 別, 遠 離 心 心 法, 住 色 究 竟 天, 離 諸 過 失 處。 於 彼 成 正 覺, 具 力 通 自 在, 及 諸 勝 三 昧 現 化 於 此 成。 化 身 無 量 億, 遍 遊 一 切 處, 令 愚 夫 得 聞, 如 響 難 思 法。” (N.D)

(20) Nguyên văn “The Buddhas are classified under thirty-six, each of which is divided into ten”. Chữ “loại” ở đây rõ ràng là không được nhã và chuẩn cho lắm, nhưng tạm thời tôi cũng chưa tìm được từ thích hợp, vì bản của Thật Xoa Nan Đà cũng dịch là “chủng 種”. (N.D)

(21) Tham khảo bản dịch của Thật Xoa Nan Đà: “Nhất thiết không vô sinh, ngã thực bất Niết-bàn, hóa Phật ư chư sát, diễn Tam thừa Nhất thừa. Phật hữu tam thập lục, phục các hữu thập chủng, tùy chúng sinh tâm khí, nhi hiện chư sát thổ. Pháp Phật ư thế gian, do như vọng kế tính, tuy kiến hữu chủng chủng, nhi thực vô sở hữu. Pháp Phật thị chân Phật, dư giai thị hóa Phật, tùy chúng sinh chủng tử, kiến Phật sở hiện thân. Dĩ mê hoặc chư tướng, nhi khởi ư phân biệt, phân biệt bất dị chân, tướng bất tức phân biệt. Tự tính cập thụ dụng, hóa thân phục hiện hóa, Phật đức tam thập lục, giai tự tính sở thành. 一 切 空 無 生, 我 實 不 涅 槃, 化 佛 於 諸 剎, 演 三 乘 一 乘。佛 有 三 十 六, 復 各 有 十 種, 隨 眾 生 心 器, 而 現 諸 剎 土。 法 佛 於 世 間, 猶 如 妄 計 性, 雖 見 有 種 種, 而 實 無 所 有。 法 佛 是 真 佛, 餘 皆 是 化 佛, 隨 眾 生 種 子, 見 佛 所 現 身。 以 迷 惑 諸 相, 而 起 於 分 別, 分 別 不 異 真, 相 不 即 分 別。 自 性 及 受 用, 化 身 復 現 化, 佛 德 三 十 六, 皆 自 性 所 成。”. (N.D)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tam-than-cua-duc-phat-post52713.html