Tấm thảm thần của Ngân

Chiếc vali 7 kg đi khắp thế giới và câu chuyện thiện nguyện bền vững.

Thúy Ngân (Jasmine Nguyễn) vừa tạm biệt vai trò quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tổ chức Angle Hack - chuỗi cuộc thi phát triển phần mềm quy mô toàn cầu để trở thành người điều hành Diviners - một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu hỗ trợ những cá nhân mất cân bằng trong cuộc sống. Ngân hào hứng chia sẻ, cô sẽ mang sự tự tin, kiến thức và những kỹ năng tích lũy từ các dự án thiện nguyện cộng đồng trước đó để hiện thực hóa những dự án của Divines.

Tuổi 17, dự án thiện nguyện đầu tiên

17 tuổi, Nguyễn Thúy Ngân đậu Trường Macalester College, Mỹ với suất học bổng toàn phần. Việc được học tập trong môi trường đa văn hóa, đa chủng tộc đã giúp Ngân thoát được cảm giác trói buộc bản thân trong những mặc định và sức ép như khi cô còn ở Việt Nam. “Được hòa cùng nhịp sống với bạn bè khắp nơi trên thế giới, đủ chủng tộc màu da và tài năng khác nhau, cách biểu hiện khác nhau, tôi biết, đã đến lúc mình phải bước ra khỏi giới hạn của chiếc hộp được đóng kín”, Ngân chia sẻ.

Ngân tự đặt cho bản thân cái tên Jasmine theo tên nàng công chúa trong thế giới thần tiên do Disney tạo nên. Không phải cô mong sẽ được trở thành công chúa mà vì cô ngưỡng mộ nghị lực và lòng dũng cảm của Jasmine. “Ở vị trí đó nhưng cô ấy đã can đảm từ bỏ tất cả để dám bay trên chiếc thảm thần đi khắp thế giới”, Ngân tâm sự. Chỉ khác là nàng Jasmine trong chuyện đi cùng Aladin, còn Ngân dấn thân một mình. “Nhưng hành trình ấy thực sự rất tuyệt vời”, cô khẳng định.

3 tuần xa nhà, chưa kịp quen với nước Mỹ, Ngân đã trở thành gia sư tình nguyện cho trẻ em da màu ở nơi cô sống. 2 tháng sau đó, Ngân biết đến quỹ học bổng của nhà từ thiện Kathryn Wasserman Davis. “Ước mơ của tôi lúc đó là muốn mang đến kiến thức và mở ra một thế giới mới cho các em có hoàn cảnh không may thông qua tiếng Anh và tin học”. Nghĩ là làm, Ngân đã dồn hết để tham gia dự án và vượt qua các ứng viên của năm đó mang về giải thưởng trị giá 10.000 USD. “10.000 USD với một cô gái 17 tuổi, thực sự tôi cảm nhận được trọng trách mình gánh trên vai. Làm thế nào để số tiền được sử dụng hợp lý và để dự án lan tỏa là điều tôi luôn suy nghĩ”, Ngân nói.

Ngân đã đem cơ hội của bản thân chia sẻ với nhiều sinh viên tình nguyện tham gia dự án mái ấm Hy Vọng của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng hơn một năm trôi qua, lửa của các tình nguyện viên vơi dần và bản thân Ngân cũng không đủ sức vận động tiếp nguồn lực để duy trì dự án. Ngân nói ánh mắt thất vọng của các em thuộc dự án ám ảnh cô suốt nhiều đêm dài, thôi thúc cô phải tìm mô hình bền vững hơn.

“Tôi vô tình biết đến mô hình doanh nghiệp xã hội thông qua kỳ thực tập tại cửa hàng tân trang và bán xe đạp cũ Express by shop. Mô hình này rõ ràng rất thành công vì họ đã tồn tại hơn 20 năm và vẫn tiếp tục hoạt động”, Ngân bày tỏ.

Hành trình thiện nguyện bền vững

Chính vì thế, ở những dự án sau này, Ngân bắt đầu chú trọng đến tính bền vững hơn. Sự bền vững được hiểu là mọi người cùng tham gia dự án, Ngân chuyển giao mô hình và ngay cả khi cô không ở đó, dự án vẫn có thể được chính người thụ hưởng vận hành.

Sau dự án tại Vĩnh Phúc, Ngân còn nhận được sự hỗ trợ của quỹ học bổng Phillips do vợ chồng tỉ phú Jay Phillips thành lập nhằm giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nhập cư tại bang Minnesota, Mỹ, mà cụ thể là xóa bỏ mặc cảm tự ti, rào cản văn hóa và giúp phụ huynh hiểu thêm về con đường học tập của con cái tại một nơi xa lạ. Tiếp đó, Ngân trở thành 1 trong 2 người Việt Nam nhận được 30.000 USD để thực hiện chuyến đi có mục đích vòng quanh thế giới từ quỹ của tỉ phú Thomas Watson.

Ngân nói cho đến khi ba mẹ tiễn cô ra sân bay với chiếc vali 7 kg cùng chiếc ba lô trên vai, cô mới tin giấc mơ trở thành hiện thực. Nhưng đó không phải là chuyến đi chơi. Ở mỗi nơi ghé qua, Ngân đều dấn thân và để lại dấu ấn của cô bằng các dự án thiện nguyện. Đến Anh, cô hào hứng với mô hình “tủ lạnh công cộng” nhằm giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm cho người vô gia cư, hay mô hình “thư viện đồ gia dụng” cho phép những người thiếu có thể mượn món đồ nào đó với phí rất rẻ. Ở Rwanda, quốc gia châu Phi xa xôi, Ngân làm trợ giảng trong một trường đại học khởi nghiệp.

Tại Thái Lan, Ngân tổ chức hội thảo tập hợp doanh nghiệp xã hội trên toàn châu Á, mời Muhammad Yunus, người Bangladesh được giải Noel Hòa bình đến chia sẻ kinh nghiệm... Trong năm đó, Ngân đã đặt chân đến Anh, Rwanda, Thái Lan, Bangladesh, Nepal, Singapore, Chile, ở với hơn 50 gia đình, kết nối với 300 doanh nghiệp xã hội. Và ở bất cứ nơi nào ghé qua, cô đều trú cùng dân bản xứ để hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của họ. Đó cũng là một trong số các mục tiêu nhỏ cô đặt ra trong chuyến đi. “Tôi học được cách mở rộng lòng mình với người lạ. Ở những nơi tôi qua, dù là đất nước giàu có hay nghèo khó, vẫn luôn có rất nhiều điều chào đón tôi”, Ngân hồi tưởng.

Đến khi ba mẹ tiễn Ngân ra sân bay với chiếc vali 7 kg cùng chiếc ba lô trên vai, cô mới tin giấc mơ trở thành hiện thực. Ảnh: TL

Chia sẻ về những ấp ủ mới, Ngân háo hức: “Chúng tôi sẽ làm một dự án phim thức tỉnh, kể những câu chuyện thực về hành trình của những con người bình dị, làm thế nào họ chạm đến tỉnh thức để sống cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mở nhà hàng thuần chay, chuỗi cửa hàng bán đồ organic, thân thiện với môi trường, tổ chức những lớp học, chuyến đi chuyển hóa, lễ hội tỉnh thức... Chúng tôi muốn tạo sự thay đổi trong cuộc sống từ điều nhỏ nhất”.

Hỏi Ngân về tương lai xa hơn, cô nói cô muốn trở thành một diễn giả để lan tỏa câu chuyện của bản thân, cổ vũ những cá nhân mang mặc cảm tự ti được sống là chính mình, dám bước ra khỏi lớp vỏ bọc định danh. Khi Ngân nói về ước mơ ấy, tôi thấy mắt cô ươn ướt. Có lẽ, Ngân sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh một cô bé nói ngọng, đen nhẻm bị bạn bè bắt nạt, xa lánh, bị cô giáo mang quyển nhật ký viết về người bạn cùng bàn cô bé thầm thích đọc cho cả lớp và phụ huynh nghe. Thật may vì cô đã bước ra được những thương tổn ấy, để trưởng thành, để tha thứ và để yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn...

Minh Nguyễn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-2021-3339433