'Tam tấu' và nỗ lực tự đổi mới của những gương mặt triển vọng

Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm 'Tam tấu' cho thấy những nỗ lực sáng tạo, đổi mới (so với những ngày đầu cầm cọ) của ba nghệ sỹ đương đại.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 17/12. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tam tấu” không có sự xuất hiện của những cái tên quen trong “làng” hội họa đương đại. Thay vào đó, triển lãm giới thiệu tới công chúng ba gương mặt triển vọng mới: Lê Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Thể và Phạm Văn Trọng.

Triển lãm chính thức khai mạc tối nay (17/11) và kéo dài đến hết ngày 17/12 tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (số 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội).

Những tác phẩm trưng bày lần này cho thấy nỗ lực sáng tạo, đổi mới so với những ngày đầu cầm cọ của ba nghệ sỹ.

Lê Hữu Hiếu mang tới “Tam tấu” sáu bức tranh biểu hiện-trừu tượng khổ lớn với nhịp điệu mạnh mẽ, thể hiện suy ngẫm về những vấn đề trong xã hội đương đại. Bằng những chất liệu tổng hợp tự tạo, anh đã thay đổi cả tư duy nghệ thuật lẫn cách thức tạo ra tác phẩm.

"Tranh của anh vừa được vẽ bằng bản năng, sự ngẫu hứng vừa có sự điều khiển của lý trí. Tôi gọi đó là quá trình 'làm' tác phẩm, không đơn thuần là việc vẽ tranh," phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) chia sẻ.

Trước đó, anh thường vẽ theo trường phái siêu thực hoặc biểu hiện với loạt tranh khổ vừa, chất liệu acrylic trên toan. Đó là một thế giới hoang vu, lạnh lẽo, ít có sự tương phản màu sắc; thay vào đó, chỉ có sự tương tác giữa hình với bóng. "Giai đoạn này, tôi biểu hiện thế giới nội tâm qua tranh vẽ với những không gian ma mị, huyền ảo," Lê Hữu Hiếu chia sẻ.

Nguyễn Văn Thể tự học vẽ và thường vẽ tranh trừu tượng. Ở những tác phẩm mới của anh, màu sắc được tinh giản. Nét vẽ và cách tạo hình mạnh mẽ, cho thấy sự ào ạt của cảm xúc và bản năng mãnh liệt trong tâm hồn nghệ sỹ.

“Có thể nói, những bức tranh mới nhất của anh có sự thay đổi mạnh mẽ trong phong cách. Nếu như ở giai đoạn trước, ngôn ngữ hội họa của anh là ngôn ngữ biểu trưng thì giờ đây, nó có xu hướng trực giác rõ nét,” đại diện ban tổ chức cho biết.

Một trong những bức tranh của nghệ sỹ Phạm Văn Trọng được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: BTC)

Phạm Văn Trọng mang đến triển lãm 25 bức tranh được vẽ theo phong cách ẩn hình-khoe sắc. Anh thường vẽ những gì thân thuộc với nhà nông (con trâu, con lợn, bù nhìn rơm…) hay phong cảnh những nơi anh đi qua.

Với anh, hình chỉ là cái cớ để biểu hiện cảm xúc. Hình trong tranh Phạm Văn Trọng thường được kéo doãng hoặc bóp méo. Bên cạnh đó, anh có cách phối màu khá bắt mắt. Những mảng màu được kết nối với nhau bằng những nét cào xước, tạo nên điểm nhấn thú vị, cá tính cho những bức tranh./.

Những hoạt động chính của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (VICAS ART STUDIO) thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam:

- Tuyển chọn và tổ chức triển lãm cho các nghệ sỹ đương đại Việt Nam.
- Tổ chức các workshop nghệ thuật quốc tế và trong nước về các lĩnh vực: nghệ thuật thị giác, video art và âm nhạc…
- Tổ chức đào tạo phê bình và giám tuyển nghệ thuật đương đại.
- Kết nối mạng lưới nghệ sỹ đương đại.

An Ngọc (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tam-tau-va-no-luc-tu-doi-moi-cua-nhung-guong-mat-trien-vong/475867.vnp