Tâm sự nghẹn lòng của người con mẹ mất sớm, có cha làm nghề bốc mộ

Ngày đó, nhà tôi rất nghèo, không có ruộng đất trồng lúa vì ông bà nội là dân nơi khác đến làng ngụ cư.

Ông bà dựng nhà trên mảnh đất bỏ hoang gần nghĩa địa. Trong nhà chẳng có gì quý giá ngoài con lợn nái và đôi gà bà nội nuôi từ khi chúng còn trong trứng.

Ông tôi biết nghề mộc nên thường đi khắp làng trên xóm dưới, đến nhà nào cần thuê đóng đồ mộc thì làm. Những lúc bị bệnh khớp hành, ông lại phải ở nhà. Bà nội cũng đau yếu thường xuyên, không làm được việc gì nặng. Mẹ tôi đi cày thuê gặt mướn cho người ta, nhưng chỉ lúc vụ mùa mới có việc. Thu nhập trong gia đình chủ yếu trông chờ vào cha tôi. Cha tôi làm nghề bốc mộ, công việc mà người ta gọi là "làm bạn với người chết”, vất vả mà cũng không kiếm được bao nhiêu. Nhà tôi cứ quanh quẩn mãi không thoát khỏi được cái nghèo đeo bám.

Năm tôi lên 4 tuổi, bà nội tôi mất vào đêm mưa như trút nước. Tôi còn nhỏ nên không hiểu chuyện gì chỉ thấy ông nội gần như quỵ xuống bên cạnh giường bà. Lần đầu tiên tôi thấy dòng nước mắt trắng đục chảy ra từ đôi mắt hiền từ của ông. Mẹ tôi mới bắt đầu mang thai em tôi nên người khá yếu. Mẹ đau đớn khóc ngất. Ôm tôi trong lòng nước mắt mẹ rơi ướt đầm áo tôi. Cha tôi không được nhìn mặt bà lần cuối vì lúc đó còn đang bốc mộ cho người ta. Cha không thể bỏ dở công việc mà về làm tròn chữ hiếu trong lúc bà lâm chung.

Ngay sau khi xong việc cha vội vã đội mưa, chạy bước thấp bước cao về nhà. Đứng trước giường bà, mặt cha trắng bệch, sự đau đớn hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ. Cha tôi không khóc, tay bấu chặt thành giường kìm nén nỗi đau.

Cha tôi đã một đời vất vả làm cái nghề ai cũng xa lánh để nuôi tôi thành người (Ảnh minh họa)

Cha tôi đã một đời vất vả làm cái nghề ai cũng xa lánh để nuôi tôi thành người (Ảnh minh họa)

Bà nội mất một thời gian, ông tôi suy sụp tinh thần. Thêm vào đó bệnh thấp quay lại hành hạ làm ông nằm bệt một chỗ. Mẹ tôi vừa đi gặt thuê cho người ta vừa lo việc nhà. Công việc vất vả, đang mang thai lại không có gì bồi dưỡng nên mẹ rất gầy yếu. Hai bàn tay mẹ gân xanh nổi rõ, đôi vai gầy nhô cao sau lớp áo. Cha tôi rất thương mẹ. Có lúc tôi bắt gặp cha nhìn mẹ mắt rưng rưng. Là đàn ông nên cha che giấu cảm xúc trong lòng không thể hiện ra ngoài, nhưng thực ra cha rất xót xa trước cuộc sống nghèo khó của gia đình và thấy áy náy vì không để người thân có được một cuộc sống đầy đủ. Bụng mẹ mỗi ngày một to, công việc làm thuê mẹ muốn kham nhưng không nổi. Cảnh nhà sa sút, cha lại càng lao vào kiếm tiền.

Mẹ tôi trở dạ sớm, cha vội vã đưa mẹ vào trạm xá. Một ca khó sinh. Vì mẹ bị cạn nước ối nên sẽ phải mổ lấy em bé ra. Các bác sỹ báo cho cha tôi chuẩn bị đưa mẹ lên bệnh viện tuyến trên. Trong nhà chẳng còn mấy đồng, giờ đưa mẹ lên bệnh viện huyện phải có ít tiền giắt lưng. Cha tôi tất tưởi về mang bán tháo con lợn trong chuồng lấy tiền đưa mẹ đi. Nhưng các bác sỹ ở huyện cũng không thể cứu được em bé do để cạn ối quá lâu, thai nhi đã bị chết ngạt. Sau ca mổ, có tai biến, mẹ bị băng huyết và mẹ cũng theo em bỏ cha con tôi. Cha tôi đau đớn. Hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ của cha. Cha đã ngồi khóc suốt đêm. Nhìn cha khóc tôi cũng khóc theo. Tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng, từ đó tôi sẽ không còn có mẹ.

Mẹ mất, căn nhà vốn heo hắt vì nghèo đói nay càng vắng lạnh. Ông nội già yếu, ốm liệt giường không dậy được nữa. Hàng ngày tôi quanh quẩn bên ông, chờ đợi cha tôi đi bốc mộ về mang đồ ăn cho hai ông cháu. Ốm suốt 6 tháng thì ông cũng đi theo bà nội.

Liên tiếp mất đi người thân, nỗi đau quá lớn khiến cha suy sụp một thời gian dài. Đôi mắt cha trũng sâu, làn da nhăn nheo hẳn đi, mái tóc thêm nhiều sợi bạc. Nhưng nhìn tôi, cha lại gượng dậy sống tiếp. Giờ chỉ còn hai cha con nương tựa vào nhau. Cha vừa làm cha vừa làm mẹ, cố gắng bù đắp tình mẫu tử cho tôi. Cha không yên lòng để tôi ở nhà vì tôi rất sợ ở một mình trong bóng tối. Chính vì thế, nếu không gửi được tôi cho hàng xóm, cha thường dắt tôi theo ra nghĩa địa. Tôi được cha xếp cho một chỗ ngủ ở nhà chòi trên cao. Có những đêm tôi tỉnh ngủ, nhỏm người trông xuống mảnh đất nhấp nhô mồ mả nơi cha đang làm việc. Tận mắt chứng kiến công việc của cha, tôi mới thấu hiểu cha vất vả đến nhường nào.

Đêm trời tối đen như mực, từng cơn gió thổi hun hút trên đồi, tiếng khóc văng vẳng bên tai, mùi hương tỏa nghi ngút bên miệng huyệt càng làm cho cảnh tượng thêm u tịch. Khoảng thời gian nửa đêm về sáng là lúc người ta yên giấc nồng trong chăn ấm thì cha tôi còn phải đào xới, lặn lội dưới huyệt giá lạnh. Cha nhặt từng nắm xương trong đám đất để vào một chiếc thau rồi lần lượt xếp những mẩu hài cốt theo đúng thứ tự vào chiếc tiểu nhỏ. Sau cùng cha lội xuống cắm một bó hương to ở đáy huyệt để tiễn vong linh của người chết về nhà mới.

Có những hôm đang bốc gặp trời mưa, lòng huyệt ngập đầy nước, xương cốt hòa lẫn với bùn nước nhão nhoét, lõng bõng. Người rét run cầm cập nhưng cha vẫn phải nhảy xuống huyệt, vừa tát nước vừa lọc bùn tìm xương. Nhìn cha, lòng tôi ngập tràn niềm thương xót, tự nhủ khi lớn lên sẽ không để cha phải khổ sở, vất vả nữa. Xong việc, cha xin những đồ cúng đem về làm thức ăn cho ngày hôm sau rồi bế tôi về nhà. Tôi cứ thể lớn lên nhờ nắm xôi, quả trứng của "người chết" cùng sự lo lắng, yêu thương và chăm sóc hết mực của cha.

Khi tôi đi học, bạn bè đều xua đuổi và lánh xa tôi. Họ không chơi với con của người “làm bạn với người chết”. Họ sợ. Những đứa độc miệng còn nói “có khi nó ăn đồ cúng ma nhiều đã thành tinh con ma”. Hơn ai hết tôi hiểu được công việc cha tôi đang làm và sự vất vả nuôi tôi ăn học của cha. Dù bị chúng bạn đối xử thế nào, tôi cũng mặc kệ. Tôi lao đầu vào học. Tôi tự nhủ chỉ có học giỏi, thành tài tôi mới đền đáp được công ơn của cha.

Ngày nhận được giấy báo đỗ thủ khoa vào Đại học Xây dựng, tôi chạy ào ra nơi cha đang chuẩn bị bốc mộ báo tin. Cha nghẹn lời, ôm vai tôi thật chặt bằng đôi bàn tay chai sần vẫn còn đầy bùn đất. Lâu lắm rồi từ khi mẹ mất, tôi lại thấy cha tôi khóc, nhưng tôi biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, vui mừng.

Video: Thích thú với hình ảnh bố tập thể dục cùng con trai 2 tuổi

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tam-su-nghen-long-cua-nguoi-con-me-mat-som-co-cha-lam-nghe-boc-mo-d125227.html