Tâm sự lay động của nhà khoa học trẻ về nước bị kẻ xấu phá hoại nghiên cứu

Một bài tâm sự của một nhà khoa học về việc nhóm nghiên cứu của ông bị kẻ xấu phá hoại thành quả đang gây chú ý của giới nghiên cứu khoa học trên mạng xã hội.

Nhà nghiên cứu trẻ có Facebook Q., cho biết khi biết thông tin về giải thưởng Tạ Quang Bửu (TQB) năm 2018, ông rất vui mừng cho các đồng nghiệp vì ba nhà khoa học năm nay rất xứng đáng được nhận giải thưởng này bởi tài năng, niềm đam mê và cộng thêm chút may mắn của họ.

Bên cạnh đó, ông cũng tủi thân cho mình. "Không phải tủi thân vì mình không được giải mà tủi thân cho sự nghiệp làm khoa học của mình cũng như một số anh em trong môi trường nghiên cứu ở trong nước", ông viết.

Nhà khoa học trẻ cũng tâm sự rằng để làm nghiên cứu "tử tế" ở Việt Nam thật khó. "Không phải chúng ta thiếu người giỏi. Không phải chúng ta thiếu tiền đầu tư. Cái mà chúng ta đang thiếu là những người lãnh đạo có tâm, có tầm cùng với một môi trường khoa học lành mạnh và minh bạch", ông viết.

Ông cho biết từ khi quyết định trở về Việt Nam, ông đã cố gắng chứng minh cho mọi người thấy rằng mặc dù trong điều kiện làm việc thiếu thốn nhưng nhóm ông vẫn có thể làm ra được những công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế cao. "Nhưng những sự việc vừa rồi đang làm tôi lay động…", ông cho hay.

Một nhà nghiên cứu làm việc trong Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Nga. Ảnh: ruvr.ru

Một nhà nghiên cứu làm việc trong Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Nga. Ảnh: ruvr.ru

Nguyên văn câu chuyện của nhà khoa học trẻ này như sau:

"Hiện tại, sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, chúng tôi đã tập hợp được một nhóm nghiên cứu gồm toàn anh em trẻ (đều là người Việt Nam, đều đang làm việc trong nước, và đều thuộc thế hệ 8x và 9x) với chuyên môn về 3 lĩnh vực: Hóa học, khoa học vật liệu, và hạt nhân.

Trong thời gian mấy tháng vừa qua chúng tôi đã liên tục họp và thảo luận với nhau để tìm ra một hướng nghiên cứu về một loại vật liệu mới với những tính năng ưu việt chưa từng có trên thế giới.

Chúng tôi đã tiến hành liên tục nhiều thí nghiệm sử dụng nhiều phương pháp khác nhau về cả hóa học, vật lý, và hạt nhân và bước đầu đã có một số kết quả rất khả quan và theo đánh giá có thể đem ra "chiến đấu" trên tạp chí NATURE hoặc một tạp chí con của Nature như Nature Materials hoặc Nature Physics hoặc Nature Communications… Và đặc biệt tất cả quá trình từ lên ý tưởng tới chế tạo vật liệu, khảo sát các tính chất của vật liệu chế tạo được,… là do nhóm chúng tôi thực hiện.

Đặc biệt hơn nữa là tất cả đều làm từ tiền túi, hoàn toàn không có đề tài (cấp cơ sở hay cấp Bộ hay cấp nhà nước) nào hỗ trợ cho chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi rất thận trọng với các kết quả hiện tại. Chúng tôi thống nhất rằng cần làm thêm một số khảo sát kỹ hơn nữa, sâu hơn nữa để khẳng định những khám phá hiện tại là chính xác. Sau khi khẳng định chính xác chúng tôi sẽ bắt đầu viết bản thảo bài báo và sẽ nhắm tới NATURE trước tiên.

Trong thời gian chờ đợi, nhóm Hạt nhân thuộc Trung Tâm Hạt Nhân TP HCM (gọi tắt là TTHN) có viết một đề xuất lên Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), cơ quan chủ quản của họ, để xin một đề tài nhỏ (cấp Bộ) hỗ trợ kinh phí cho nhóm thực hiện các phép đo thực nghiệm còn lại. Tuy nhiên, hội đồng xét đề tài đã loại ngay đề xuất của nhóm với những lý do như: Đề xuất không rõ ràng, vật liệu không có gì mới, thế giới đã làm hết rồi giờ làm nữa làm gì, sản phẩm không cụ thể (mặc dù chúng tôi đăng ký 2 bài ISI uy tín), không có ứng dụng cụ thể…

Sau những đấu tranh tích cực của chúng tôi, phía Viện NLNTVN đã tổ chức thẩm định lại đề xuất và lần này đề xuất của chúng tôi được thông qua. Chúng tôi đã rất vui mừng vì cuối cùng những nỗ lực của chúng tôi đã được công nhận, cho dù kinh phí chúng tôi được duyệt cũng khá hạn chế so với mong muốn. Đây cũng là sự kiện đặc biệt đối với anh/em trong nhóm Hạt Nhân của TTHN bởi sau hơn 15 năm tự bỏ tiền túi để làm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên họ được làm nghiên cứu một cách chính thức.

Tuy nhiên, trong khi mọi người đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 thì một sự việc vừa mới xảy ra tại TTHN khiến chúng tôi thật sự kinh hoàng. Hệ thiết bị thí nghiệm của nhóm Hạt Nhân tại đây vừa bị kẻ gian đột nhập vào phá hoại bằng cách đổ nước lên hệ thống khi nó đang vận hành để đo một số mẫu của nhóm chúng tôi.

Cụ thể là vào lúc 19:15 tối ngày 30/4, bạn T. (trưởng nhóm Hạt Nhân, người quản lý toàn bộ hệ thí nghiệm) tới cơ quan để kiểm tra hệ đo và thay mẫu mới thì phát hiện sàn nhà có nhiều nước. Kiểm tra hệ thiết bị bạn T. thấy có nước đọng ở cả phía trên và phía dưới. Bạn T. đã ngay lập tức ngắt hết cầu giao điện để bảo toàn thiết bị.

Kiểm tra tiếp bạn T. thấy phòng không có dấu hiệu của cậy phá cửa. Đồ đạc trong phòng không có dấu hiệu xê dịch cũng như bị mất. Ngay cả tiền bạn T. để trong phòng cũng không bị mất. Phòng cũng không có dấu hiệu bị dột và mấy ngày đó hoàn toàn không có mưa. Mà nếu có nước mưa từ trên xuống thì nước không thể đọng bên phía dưới của các thiết bị được.

Đây chắc chắn là dấu hiệu của 1 kẻ gian có chìa khóa phòng đã đột nhập vào và hắt nước lên hệ thiết bị.

Sự việc này cũng không phải xảy ra ngẫu nhiên mà nó được xâu chuỗi với một số sự việc gần đây tại TTHN. Cụ thể có đề xuất 1 đề tài cấp nhà nước về việc tăng cường trang thiết bị thực nghiệm cho TTHN với tổng số tiền lên tới 14 tỉ đồng. Hệ thiết bị được đề xuất trong đề tài này lại chính là hệ thiết bị mà nhóm Hạt Nhân của bạn T. đã và đang khai thác sử dụng rất tốt và rất hiệu quả trong 15 năm qua. Sau khi biết được việc này, nhóm bạn T. đã kịch liệt phản đối việc mua sắm lãng phí tiền của nhà nước như vậy (giá trị của hệ thiết bị thực tế tối đa chỉ cỡ 4 tỉ).

Thứ 6, ngày 27-4 TTHN có tổ chức cuộc họp về đề tài này và nhóm của bạn T. đã kịch liệt phản đối. Tới ngày 30-4 thì sự việc phá hoại thiết bị thí nghiệm xảy ra. Bạn T. cũng đã báo ngay cho lãnh đạo TTHN, lãnh đạo Viện NLNT và Công an. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại chưa có bên nào có động thái gì để xử lý vụ việc nghiêm trọng này. Đến hôm nay thì nếu có điều tra sẽ cũng chẳng làm được gì vì toàn bộ bằng chứng (nước) đã bị bốc hơi hết.

Hiện tại, nhóm chúng tôi đang cần có 1 khoản kinh phí cỡ 300-400 triệu VNĐ để thay thế các bộ phận trong hệ điện tử (chắc chắn là đã bị cháy) để có thể tiếp tục những thí nghiệm mà chúng tôi còn đang dang dở, càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên chúng tôi cũng không biết sẽ xin được nguồn kinh phí này từ đâu. Đề tài cấp Bộ mà chúng tôi đề xuất nếu được duyệt thì cũng phải tới đầu 2019 mới ký hợp đồng và cấp kinh phí. Tuy nhiên phần kinh phi này cũng khá hạn hẹp và nhiều khả năng không được sử dụng vào việc mua thiết bị thí nghiệm.

Có lẽ anh em sẽ lại tự góp tiền túi để tiếp tục theo đuổi giấc mơ NATURE. Và nếu chúng tôi may mắn thành công thì có lẽ đây sẽ là bài NATURE đầu tiên trên thế giới được công bố bằng tiền túi.

H. Nhiên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tam-su-xot-xa-cua-nha-khoa-hoc-tre-bi-ke-xau-pha-hoai-nghien-cuu-20180507120631531.htm