Tâm sự của thanh niên làm công tác Đoàn tại Nga: Nhiệt huyết đã 'ngấm vào máu'

Baoquocte.vn Giữa khó khăn của dịch Covid-19, nhóm từ thiện 'Vòng tay Việt - Nga' trực thuộc Ban Cán sự Đoàn tại Nga đã sáng tạo thành lập lên nhóm sinh viên tình nguyện với hơn 150 thanh niên cùng dạy học trực tuyến cả tiếng Việt và các môn học khác của Nga miễn phí cho con em cộng đồng người Việt.

Đây chỉ là một trong số những hoạt động ý nghĩa của cán bộ, đoàn viên thanh niên người Việt tại Nga trong thời gian qua. Nhân Tháng Thanh niên và hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo TG&VN đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Bí thư thường trực Ban Cán sự Đoàn tại Nga, để tìm hiểu sâu hơn về phong trào Đoàn ngoài nước...

Anh Nguyễn Xuân Hoàn và các đoàn viên, thanh niên Việt Nam tại Nga (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Xuân Hoàn và các đoàn viên, thanh niên Việt Nam tại Nga (Ảnh: NVCC)

Hoạt động Đoàn ở nước ngoài sẽ có nhiều khó khăn hơn trong nước, đặc biệt là trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành suốt hơn một năm qua cho đến nay, phải không anh?

Diễn biến dịch Covid-19 đã là đảo lộn gần như mọi hoạt động Đoàn. Thậm chí trong năm vừa qua, chúng tôi đã phải ra đến năm thông báo hoãn tất cả hoạt động tập trung đông người và tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng dịch kết hợp các biện pháp chống dịch trong nước và nước sở tại. Mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho Đoàn viên thanh niên, hạn chế tối đa trường hợp bị nhiễm bệnh.

Cùng với đó, chúng tôi cũng vận động sinh viên toàn Nga tham gia mạng lưới phòng chống Covid-19 do Đại sứ quán Việt Nam phát động, cũng như nhanh chóng trao đổi thông tin, giúp đỡ và tư vấn các trường hợp sinh viên và bà con trong cộng đồng không may mắc bệnh.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm vẫn phải duy trì đó là giáo dục chính trị, tư tưởng cho Đoàn viên thanh niên. Ban Cán sự Đoàn chuyển sang hình thức khác là tăng cường tuyên truyền qua các kênh online như gửi email, đăng bài trên trang Facebook với các nội dung chính như công tác phòng chống dịch trong nước và tại Nga, các hoạt động Đoàn trong nước và tại Nga, tuyên truyền về các sự kiện lớn và các thành tựu phát triển của đất nước…

Chúng tôi cũng khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi online do Trung ương Đoàn tổ chức và Ban Cán sự Đoàn tổ chức, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo các bạn.

Được biết thời gian qua các Đoàn viên, thành niên người Việt tại Nga đã tham gia phong trào tình nguyện mạnh mẽ để hỗ trợ cộng đồng cũng như hướng về quê hương. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hoạt động này?

Năm vừa qua, cộng đồng người Việt bên Nga hứng chịu trận đại dịch khủng khiếp, nhưng trong nước không những phải chống dịch lại còn phải trả qua đợt thiên tai, bão lụt kinh hoàng. Những thông tin này luôn được chúng tôi cập nhật thường xuyên tới các Đoàn viên để có những việc làm có ích chia sẻ cùng cộng đồng và đồng bào trong nước.

Ngay từ khi bùng phát dịch ở Nga, hưởng ứng kêu gọi từ Đại sứ quán Việt Nam, khối đoàn viên thanh niên đã nhanh chóng tham gia tất cả các nhóm tình nguyện, trong đó nhóm Y tế gồm các sinh viên, nghiên cứu sinh, bác sĩ đang học tập tại Nga tư vấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Sinh viên giỏi tiếng Nga tham gia phiên dịch online giúp bà con nằm viện trao đổi với bác sĩ, phòng khám và tham gia công tác truyền thông, tổng hợp thông tin...

Đặc biệt, nhóm từ thiện “Vòng tay Việt - Nga” trực thuộc Ban Cán sự Đoàn đã sáng tạo thành lập nhóm sinh viên tình nguyện hơn 150 bạn dạy học trực tuyến cả tiếng Việt và các môn học khác của Nga miễn phí cho con em cộng đồng, vừa giúp các em không quên kiến thức vừa học thêm Tiếng Việt. Việc này đã nhận được phản hồi rất thích cực từ các phụ huynh, bà con cũng như khen ngợi từ Đại sứ quán.

Mặt khác, hưởng ứng phát động từ Đại sứ quán, chúng tôi đã phát động quyên góp được hơn 300.000 Rúp (khoảng 100 triệu đồng) để đóng góp vào quỹ phòng chống Covid-19 giúp đỡ những trường hợp, gia đình người Việt có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Đặc biệt, thế hệ trẻ Việt Nam sang học tập bên Nga rất đồng cảm với những mất mát của đồng bào miền Trung. Ngay khi có thông tin về thiệt hại bão lụt, chúng tôi đã xin phép Đảng ủy Đại sứ quán phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung hai đợt được hơn 800.000 Rúp (khoảng hơn 250 triệu) và ngay lập tức gửi về qua đầu mối Trung ương Đoàn để kịp chuyến xe đầu tiên vào hỗ trợ miền Trung.

Anh Nguyễn Xuân Hoàn. (Ảnh: NVCC)

Đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia MISiS, việc học tập và nghiên cứu chắc hẳn khá bận rộn, vậy đâu là động lực khiến anh tham gia công tác Đoàn nhiệt tình như vậy?

Đúng là công việc học tập nghiên cứu ở Nga khá là vất vả. Việc phải hoàn thành đủ 12 môn học và trả thi, cũng như báo cáo nghiên cứu định kỳ hằng năm với bộ môn, nhà trường, viết báo đăng bài... tốn rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, động lực khiến tôi tham gia nhiệt tình vào công tác Đoàn tại đây xuất phát từ niềm yêu thích các hoạt động tập thể, phong trào của Đoàn ngay từ khi còn là sinh viên.

Tôi luôn xác định tham gia công tác Đoàn cũng là điều kiện để bản thân được rèn luyện, học tập cả về tư tưởng chính trị, lòng yêu nước và kỹ năng mềm. Qua mỗi sự kiện lại giúp tôi hoàn thiện hơn bản thân, rồi từ đó lại truyền lại các kinh nghiệm, kỹ năng, ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ sau tiếp bước.

May mắn là tôi luôn nhận được sự ủng hộ, chỉ bảo và đồng hành của Trung ương Đoàn, Đảng ủy, Đại sứ quán, Phòng công tác Lưu học sinh, Hội người Việt tại Nga. Nhiều khi hay nói vui là chúng tôi có kiềng ba chân nâng đỡ cho Đoàn hoạt động nên thấy vững tâm hơn.

Hơn nữa, các bạn Đoàn viên thanh niên rất đoàn kết, hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào và các thầy cô người Nga luôn ủng hộ, giúp đỡ tôi.

Điều cuối cùng là Đoàn đến với tôi cũng là cái duyên. Càng tham gia nhiều, càng thấy thích thú và yêu mến Đoàn. Có thể nói, công tác này đã ngấm vào máu rồi!

Nguyễn Xuân Hoàn sinh năm 1991 tại Bắc Ninh. Hiện tại, anh đang chuẩn bị bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Đại học Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia MISiS - trường đại học trọng điểm của nước Nga chuyên về công nghệ vật liệu, vật liệu mới, công nghệ nano, compozit... và nằm trong top 500 trường đại học tốt nhất thế giới.

Với cương vị là Phó Bí thư thường trực Ban Cán sự Đoàn tại Nga, anh có suy nghĩ và nguyện vọng gì để có thể xây dựng phong trào Đoàn mạnh mẽ hơn, cũng như đóng góp cho sự phát triển của đất nước?

Có thể nói, phong trào Đoàn những năm gần đây và hiện nay tại Nga đạt được nhiều thành tích rực rỡ nhất kể từ ngày thành lập cách đây 20 năm. Để đạt được những thành tích như vậy là công sức rất lớn của cả một tập thể, nhiều thế hệ sinh viên.

Với kinh nghiệm và chứng kiến sự đổi thay của cộng đồng sinh viên tại Nga trong 10 năm qua, tôi nghĩ rằng, để xây dựng phòng trào Đoàn mạnh mẽ hơn nữa thì các cán bộ Đoàn phải là những người nhiệt huyết nhất, tâm huyết nhất.

Cùng với đó, trong công tác Đoàn, không chỉ liên tục đổi mới nội dung, hình thức, mà còn mở rộng ra cả với bạn bè quốc tế và các bạn Nga. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải khéo léo lồng ghép được công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho Đoàn viên, tình yêu quê hương, đất nước, hướng về Tổ quốc. Và một điều không thể quên là luôn tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ từ Trung ương Đoàn, Đại sứ quán và các tổ chức cộng đồng Người Việt tại Nga.

Về cá nhân, chuyên ngành nghiên cứu hiện tôi đang theo đuổi là công nghệ vật liệu, cụ thể là công nghệ nhiệt luyện kim loại.

Tôi hy vọng sau khi hoàn thành chương trình học và nhận bằng Tiến sĩ, tôi sẽ trở về nước và mang những kiến thức mình học góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

TRỌNG VŨ

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tam-su-cua-thanh-nien-lam-cong-tac-doan-tai-nga-nhiet-huyet-da-ngam-vao-mau-138988.html