Tâm sự của những phóng viên 'chiến trường'

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 bước vào giai đoạn quyết liệt cũng là lúc các phóng viên Báo Gia đình & Xã hội tác nghiệp không có ngày nghỉ. Bất kể ngày hay đêm, khi có biến về dịch COVID-19 là họ lại lên đường.

Phóng viên Cao Tuân. Ảnh: NVCC

Phóng viên Cao Tuân. Ảnh: NVCC

Phóng viên Cao Tuân: Thở phào khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính

"Thời điểm sau Tết Nguyên đán, thông tin về dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và bắt đầu lây lan sang Việt Nam khiến nhiều người lo lắng. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc khi ấy được coi như tâm dịch khi có đến gần chục ca dương tính. Như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (50 tuổi, thôn Văn Ái) cả vợ và 2 con gái đều nhiễm. Trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc nói rằng, trường hợp của ông Vinh rất đặc biệt. Đây là lý do khiến tôi quyết định về gặp ông để viết bài.

Hôm ấy đúng ngày Rằm tháng Giêng, mới hơn 4h sáng nhưng bên ngoài trời đã tỏ. Tôi đi từ rất sớm và dặn vợ sẽ về khuya vì muốn ghi nhận 1 ngày trọn vẹn về cuộc sống của người dân ở tâm dịch thế nào…

Có mặt ở thôn Ái Văn thời điểm đó mới cảm nhận rõ nhất những thiệt hại vì dịch bệnh. Giải đá bóng của địa phương mới tổ chức hôm mùng 5 Tết, sân bóng sát cạnh nhà ông Vinh dự kiến đến mùng 10 Tết đá chung kết đã phải bỏ dở. Rồi hội gói bánh chưng của thôn được tổ chức Rằm tháng Giêng hàng năm phải hoãn. Giải cờ vua, chọi gà mà ông Vinh cùng người dân trong làng chuẩn bị nhiều tháng trước cũng hoãn. Tiếc nhất phải kể đến hội chùa Linh Đa Tự và đình làng 300 năm tuổi của thôn. Năm nào cũng vậy, từ mờ mờ sáng ngày Rằm tháng Giêng là đàn ông sửa soạn quần áo ra đình làng uống nước chè, phụ nữ dâng lễ ở chùa. Chùa và đình làng cạnh nhau nên tiếng cười nói, chúc Tết rôm rả. Còn năm nay thì thôi…

Rời thôn Ái Văn trở về nhà với gia đình, khi đó tôi mới bộn bề lo lắng. Còn cách nhà chừng vài cây số, tôi gọi điện cho vợ bật sẵn bình nóng lạnh rồi dặn vợ bế con ra khỏi nhà. Sau khi tắm, giặt, vệ sinh, sát trùng cẩn thận, tôi tự cách ly mình ở phòng bên cạnh để tiện cho công việc và tránh ảnh hưởng đến người thân trong gia đình. Nhà chỉ có hai vợ chồng và con nhỏ, đêm có lúc con khóc, thương đến đứt ruột mà cứ phải đóng cửa loanh quanh ở phòng bên.

Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên dù đã trang thiết bị bảo hộ, quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, sát khuẩn trong suốt quá trình tác nghiệp nhưng tôi hạn chế tối đa việc lên cơ quan, ra ngoài hay tiếp xúc với mọi người. Đang là một "phóng viên chiến trường" suốt ngày chạy nhảy, giờ phải ngồi một chỗ khiến tôi vô cùng khó chịu. Nhưng đó chưa phải là những gì tồi tệ nhất.

Khoảng 1 tuần sau khi tác nghiệp tại tâm dịch Sơn Lôi, tôi nhận được thông tin ông Nguyễn Văn Vinh vừa có kết quả dương tính với COVID-19, nâng tổng số 11 trường hợp nhiễm ở Vĩnh Phúc. Vậy là tôi nằm trong danh sách những người tiếp xúc gần cần phải lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành cách ly, giám sát y tế.

Việc đầu tiên tôi phải làm là nói vợ đưa con nhỏ về quê, sau đó đi xét nghiệm và tuân thủ đúng quy định của ngành y tế. Đến khi có kết quả âm tính, tôi vẫn làm việc online và cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Ngày 4/3, Sơn Lôi hết lệnh cách ly, những cán bộ y tế đã đã gọi điện cho tôi bảo rằng "chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh…". Tuy lời nói ngắn ngủi nhưng chứa chan cảm xúc và niềm tự hào".

Phóng viên Lê Bảo: Có lo lắng nhưng đầy tự hào

Phóng viên Lê Bảo. Ảnh: NVCC

"Tôi ra vào nhiều lần và có mặt tại tất cả các điểm nóng trong mùa dịch COVID-19 như: Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Đông Anh), Trúc Bạch, ngõ 165 Cầu Giấy…

Tác nghiệp trong môi trường đặc biệt như vậy thực sự cũng có nhiều lo lắng nên trước mỗi chuyến đi vào vùng dịch, tôi đều chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu cẩn thận tình hình địa phương đến thực tế, lên danh sách địa điểm nhân vật cần tiếp cận… Khi vào bệnh viện tác nghiệp, trước khi vào phòng cách ly phải khử trùng, mặc đồ bảo hộ toàn thân và đeo khẩu trang, kể cả máy móc tác nghiệp cũng phải lấy ra khử trùng cẩn thận.

Trong quá trình tác nghiệp thì không đụng chạm vào bất kỳ vật gì, nếu bắt buộc thì nhờ y tá giúp đỡ. Sau khi ra ngoài phải cởi bỏ toàn bộ đồ bảo hộ, khẩu trang và rửa sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Điều tôi lo lắng nhất trong mỗi lần đến vùng dịch về là sợ mình sẽ liên lụy đến vợ và con gái nếu chẳng may nhiễm bệnh. Nỗi lo lắng ngày càng lớn hơn bởi tần suất tôi đến vùng dịch ngày càng nhiều. Cuối cùng, vợ tôi và con gái đã quyết định sang nhà ông bà ngoại tá túc để tôi ở một mình một nhà thuận tiện cho việc tác nghiệp, tránh lây nhiễm sang vợ con.

May mắn nhất là lấy vợ cùng nghề, thấu hiểu được công việc của nhau nên mỗi lần chứng kiến tôi vào vùng dịch, vợ rất lo nhưng luôn động viên và căn dặn tôi phải thật cẩn trọng.

Hơn 10 ngày tự cách ly, sống một mình một nhà và lặng lẽ vào vùng dịch, tôi không tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả hàng xóm cũng không biết mình thường xuyên ra vào các vùng mà ai cũng muốn tránh xa ấy. Đồ ăn được vợ chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, có thể dùng cho cả tuần, khi hết thì đặt hàng online dùng trong nhiều ngày. Thời gian đó, tôi sống độc thân sau 4 năm kết hôn. Cảm xúc bao trùm vẫn là nhớ vợ con và thèm được nói chuyện trực tiếp với những người mà mình yêu quý

Tất nhiên còn có một chút chạnh lòng mỗi khi nhận được câu nói trêu đùa của bạn bè: "Mọi người ở nhà chống dịch mà ông cứ lao ra đường, chạy đến điểm dịch để tác nghiệp có khôn không?". Tuy nhiên, khi đó bản thân tôi nghĩ rằng nếu mình không đi thì sau này sẽ luyến tiếc, khi dịch bệnh bùng phát thì mình có vai trò gì, mình ở đâu? Nhiệm vụ được giao có thử thách nhưng đầy tự hào!

Ngày nào trong đầu tôi cũng là những câu hỏi: Không biết ngày mai có bao nhiêu ca dương tính? Bao nhiêu ca khỏi bệnh?... Biết rằng, dịch bệnh chưa thể chấm dứt "một sớm, một chiều" nhưng với bản thân tôi, có lẽ cũng như tất cả mọi người đều hy vọng trên lãnh thổ Việt Nam sẽ sớm hết dịch COVID-19".

Mai Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tam-su-cua-nhung-phong-vien-chien-truong-20200620083406737.htm