Tâm sự của người đàn bà phạm tội lừa đảo

Mấy chục năm công tác trong ngành ngân hàng, hàng ngày tiếp xúc với đồng tiền nhưng Dương Thị Tuyết, SN 1952 ở phường Văn Miếu, TP Nam Định (Nam Định) không có một điều tiếng xấu nào về mình cho đến lúc nghỉ hưu.

Cứ nghĩ với đồng lương hưu ấy cộng với việc con cái trưởng thành, có thu nhập ổn định thì Tuyết cứ thế sống một đời nhàn nhã, thanh thản. Ai ngờ đâu người đàn bà này cuối đời lại vướng vòng lao lý với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mức án 12 năm 6 tháng tù giam.

Vì nhẹ dạ tin người hay vì tham?

Trong danh sách những phạm nhân thuộc diện hoàn cảnh khó khăn không người thăm gặp, người già cả ốm đau và trẻ em đang theo mẹ sống trong trại giam được nhận quà của trại giam Ninh Khánh dịp lễ Tết vừa qua, chúng tôi đặc biệt chú ý tới một phụ nữ có hộ khẩu thường trú tại khu tập thể ngân hàng, TP Nam Định.

Đó là phạm nhân Dương Thị Tuyết, mà nhắc tên người phụ nữ này, cán bộ giáo dục phân trại không nén nổi tiếng thở dài. Chị bảo tại bà ấy tin người mới ra nông nỗi này chứ kinh tế thì có phải thiếu thốn, túng quẫn gì đâu mà tính quẩn. Hỏi lý do có tên trong danh sách nhận quà của trại, nữ cán bộ này cho biết, phạm nhân Tuyết nằm trong diện bệnh nhân cao tuổi, hay điều trị trong bệnh xá nên được nhận quà.

“Phạm nhân Tuyết mắc chứng cao huyết áp, bệnh của người già thôi nhưng vì chị ta cứ mặc cảm, tự ti về tội lỗi của mình nên hay có suy nghĩ tiêu cực. Gia đình cũng đôi ba tháng lại vào thăm nhưng chúng tôi vẫn quyết định dành một phần quà tặng cho phạm nhân này để khích lệ chị ta yên tâm cải tạo”, chị Thu, cán bộ giáo dục phân trại số 3 cho biết.

Phần quà có giá trị 150 ngàn đồng nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn lao và đó chính là động lực khuyến khích những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt không còn cảm giác bị người thân bỏ rơi mà yên tâm cải tạo.

Dương Thị Tuyết bị bắt ngày 31-1-2013 vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1 tỷ 128 triệu đồng của 3 người phụ nữ sinh sống trên địa bàn TP Nam Định. Được biết Tuyết trước đây là thủ quĩ một ngân hàng, công tác tại đơn vị này đến năm 2008 thì nghỉ hưu theo chế độ.

Lợi dụng tín nhiệm của một số người quen biết, Tuyết nói dối rằng có một số sổ tiết kiệm chưa đến kỳ rút nhưng vì cần tiền nên muốn rút trước thời hạn, không cần lấy lãi. Nếu ai có tiền ứng ra thì bà ta sẽ đưa sổ tiết kiệm cho, đến hạn thì rút sẽ được hưởng cả phần tiền lãi đó.

Vì là chỗ quen biết lại tin tưởng nên các chị Tâm, Liên, Nhung đã đồng ý đưa tiền cho Tuyết để cầm sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi cầm tiền của ba người phụ nữ này, Tuyết không trao sổ tiết kiệm cho họ như đã giao hẹn khiến cho các chị Tâm, Liên, Nhung phải cầu cứu CQCA.

Theo cơ quan chức năng, tổng số tiền mà Tuyết đã cầm của ba người này là hơn 1 tỷ đồng trong đó của chị Tâm là nhiều nhất (518 triệu đồng) còn lại là của chị Liên (404 triệu đồng) và chị Nhung là 206 triệu đồng. Bị kết án 12 năm 6 tháng tù, đầu tháng 10-2013, Dương Thị Tuyết về trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an cải tạo.

Hỏi đã dùng số tiền này vào việc gì, phạm nhân Tuyết buồn rầu đáp: “Cũng là vì tin người thì phải chấp nhận thôi”. Hóa ra người đã ôm trọn số tiền ấy của Tuyết rồi chuồn mất chính là đứa cháu ruột bên ngoại. Vì tin tưởng đứa cháu này, tin vào việc làm ăn của anh ta nên trước lời hứa ngon ngọt sẽ trả lãi suất cao, đầy đủ và đúng hẹn, Tuyết đã động lòng trắc ẩn và làm bừa.

Cán bộ y tế trại giam Ninh Khánh thăm khám bệnh cho phạm nhân đang cải tạo ở trại giam. Ảnh: N.Vũ

Cán bộ y tế trại giam Ninh Khánh thăm khám bệnh cho phạm nhân đang cải tạo ở trại giam. Ảnh: N.Vũ

Tâm tư nặng trĩu

Vào trại giam Ninh Khánh cải tạo ở đội làm hàng mã nhưng vì tuổi cao lại có bệnh về huyết áp nên Tuyết được cán bộ quản giáo sắp xếp cho một vị trí làm việc nhẹ nhàng và ít phải ngồi lâu một chỗ. Người phụ nữ khoác áo phạm nhân này luôn giữ gương mặt buồn rầu và khá kín tiếng.

“Chồng phạm nhân Tuyết là thương binh nên chỉ có con trai vào thăm chị ta thôi. Mỗi lần ra gặp con rồi vào, tôi đều thấy mắt chị ta đỏ lên vì khóc. Tôi đoán cậu con trai tâm lý và thương mẹ nên không nói câu gì động chạm đâu nhưng là một người mẹ để gánh nặng nợ nần cho con như chị ấy không khỏi suy nghĩ”, cán bộ Thu cho biết.

Cũng phải thôi vì Tuyết làm sao có thể giãi bày nỗi lòng mình bởi tác nhân đẩy bà ta vướng vòng lao lý lại chính là người thân, ruột thịt. Cũng có thể có một chút tham trong đó nhưng cao hơn cả là sự tin tưởng, là mong muốn góp một chút công sức để giúp người cháu bên nhà mình làm ăn thành đạt.

Vì sự kỳ vọng ấy mà khi thực hiện việc vay mượn tiền của người khác, Tuyết đặt cả vào đó niềm tin rằng đứa cháu sẽ không lừa mình. Chị ta đâu ngờ tới tình huống đứa cháu đó sau khi nhận tiền xong đã lặn một hơi, để lại đống nợ cho người bác ruột. Về phần Tuyết, sau khi tìm kiếm cháu không được cũng nghĩ cách vay mượn để trang trải số tiền đã cầm của mọi người nhưng vì món tiền quá lớn so với khả năng của mình nên đành chấp nhận.

Theo một phạm nhân có tuổi cải tạo cùng đội với Tuyết, khi biết đứa cháu lừa mình cũng sốc mất một thời gian nhưng sau đó lại giấu chồng, giấu con tìm cách khắc phục hậu quả nhưng chưa kịp thực hiện thì bị tố giác.

Nữ phạm nhân này cho biết, nhiều lúc thấy Tuyết ngồi im lặng khẽ thở dài cũng muốn nói lời động viên nhưng rồi lại thôi vì biết ở cái tuổi gần 70 này, có những điều không cần phải nói ra mới là thông cảm. Thế nên nhiều khi chỉ là chia sẻ với nhau mấy thứ nhỏ nhặt trong sinh hoạt như gói mì tôm, thìa muối vừng… là thấy trong lòng ấm áp.

Nhận xét về việc cải tạo lao động của Dương Thị Tuyết, chị Thu cho biết, mặc dù hay phải vào bệnh xá điều trị căn bệnh cao huyết áp nhưng phạm nhân này luôn có ý thức chấp hành tốt nội qui và đi lao động thì làm việc chăm chỉ. Từ khi vào trại cải tạo đến nay, Tuyết đã 3 lần được xét giảm án trong đó dịp 2-9 vừa qua được giảm tới 12 tháng.

Nguyễn Vũ – Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tam-su-cua-nguoi-dan-ba-pham-toi-lua-dao-209934.html