Tâm sự của cô gái trả án chung thân, nỗ lực cải tạo tốt để trở về tìm mẹ

Nhà có 6 anh chị em, người không đi tù thì cũng dính nghiện khiến Giàng Thị Tá mỗi khi nhắc tới người thân là mặc cảm. Chính vì thế mà cô luôn né tránh những cuộc tiếp xúc và mỗi khi nghe ai đó nhắc về gia đình, đôi mắt cô gái trẻ lại rớm lệ...

Chính vì tâm lý mặc cảm và ngại ngùng nên khi trò chuyện với chúng tôi, Giàng Thị Tá, SN 1990, người dân tộc Mông, quê ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên nói rất ít. Đôi mắt e dè nhìn chúng tôi nửa như thăm dò, nửa như chờ đợi. Tá là phạm nhân trẻ nhất đội trồng rau của trại giam Ninh Khánh, hiện đang theo lớp học xóa mù chữ nên nói tiếng Kinh vẫn còn chưa sõi.

Cầm hộ ma túy!

Tá sinh ra trong một gia đình đông con, bản thân là út nên khi Tá trở thành thiếu nữ, các anh chị cô đã có người lên chức bà. Cuộc sống vất vả, thấy nhiều người bỏ nương bỏ rẫy đi xách thuê ma túy, chị em Tá cũng không tránh khỏi cho dù tiền kiếm được cũng chỉ đủ cho họ trang trải những nhu cầu tối thiểu như đủ ăn, đủ mặc chứ không dư dả để sắm cái này, mua cái nọ.

Cảnh con nghiện vật vờ vì đói thuốc, rồi chết vì sốc vì bệnh tật không khiến người ta sợ hãi bằng việc đói ăn, thiếu mặc. Thế nên dù biết là nguy hiểm thì những người như chị em Tá vẫn lao vào. Ban đầu là mẹ Tá đi xách thuê rồi nghiện, sau đó kéo theo hai người anh và chị gái.

Ngay cả Tá, trước kia còn mếu máo khi thấy chị gái bị bắt đi, đã thầm nhủ lòng không bao giờ dính đến thứ chết người này, giờ cũng đi theo vết xe đổ của mẹ.

“Mẹ nghiện lâu rồi, đi lang thang suốt, có khi giờ đang ở bên Trung Quốc. Hai anh trai và chị gái thì đang ở tù. Mình cũng ở tù nhưng mà nhớ mẹ lắm”, phạm nhân Giàng Thị Tá kể.

Không được đi học nên Tá không biết chữ. Cô nói được tiếng phổ thông là do thường xuyên đi chợ, tiếp xúc với những người ở dưới xuôi lên mua hàng thổ cẩm nhưng cũng chỉ nói được những từ thông dụng xung quanh chủ đề mua bán chứ nếu nói một từ nào đó đùa hay bóng gió là Tá không hiểu.

Theo lời thiếu nữ này thì ngày ở nhà, Tá cũng học cách dệt vải, dệt khăn rồi đem ra chợ bán. Ngoài việc lên nương, Tá chỉ ở nhà dệt vải, nếu có ai rủ mới tham gia vào việc xách thuê ma túy. Chính vì thế mà cô không quen biết nhiều. Ngày bị bắt, cô chưa có người yêu.

Hỏi Tá tại sao chưa có người yêu khi mà ở tuổi cô, nhiều cô gái trong bản đã có chồng có con, cô cười: “Tại thanh niên trong bản chúng nó lên rừng làm khỉ nhiều quá, đứa ở nhà thì suốt ngày uống rượu, có đứa nào tốt đâu mà bắt làm chồng”.

Thì ra cô gái này không phải không có người yêu mà vì không dám yêu, không dám bắt chồng là bởi cô sợ lấy nhầm phải con nghiện rồi khổ như các chị gái.

Nhà có 6 anh chị em, Tá là út. Trên cô là ba người chị gái đều đã lập gia đình nhưng cả ba đều vất vả như nhau. Anh rể cả chết vì bệnh, để lại cho vợ một gánh nợ nần và đàn con nheo nhóc. Người chị thứ hai thì đi tù, chị còn lại tuy ở nhà nhưng vướng phải người chồng nghiện ngập.

Thương chị nên Tá đã nhiều lần mang tiền đến cho chị tiêu trong khi bản thân cũng chẳng khá giả gì.

“Anh rể tôi nghiện nặng lại hay đánh vợ nên tôi thương chị, có gì ngon tôi cũng nghĩ đến chị ấy. Tiền kiếm được tôi cũng chia cho chị mặc dù rất ghét anh rể”, Tá tâm sự

Trong một lần đi xách thuê ma túy, Tá bị lực lượng bộ đội biên phòng bắt giữ. Với tang vật là 5 bánh heroin, cô bị kết án chung thân.

Phạm nhân Giàng Thị Tá bên luống bắp cải do chính tay cô gieo trồng. (Ảnh: Nguyễn Vũ)

Mặc cảm gia đình...

Tá kể rằng trong thời gian chờ thi hành án, mỗi lần bị gọi lên lấy lời khai, cô đã rất sợ hãi. Nhiều lần cô muốn nói ra người đã thuê mình vận chuyển nhưng chỉ biết tên gọi của người đó mà không biết rõ anh ta ở đâu.

Rồi Tá lại băn khoăn không biết sau khi cô bị bắt thì người nhà có bị gây khó dễ, có bị “ông chủ” tới bắt nợ không. Hỏi Tá có “biết ông chủ” là ai không mà sợ, cô trầm ngâm: “Mình không biết người ta là ai nhưng người ta biết rõ về mình, thế nên mới đưa ma túy cho mang đi chứ”.

Về trại giam Ninh Khánh cải tạo ở đội trồng rau, thời gian đầu Tá chưa biết thế nào là gieo hạt trồng cây bởi ở nhà dù vẫn đi nương, đi rẫy nhưng việc trồng cấy ở vùng cao khác xa với nơi đây. Cô phải học cách cuốc đất, cách chia luống và cách trồng một cây su hào, bắp cải…

Tuy bỡ ngỡ nhưng rồi được sự chỉ bảo của quản giáo Trang, cô nhanh chóng bắt nhập với cộng việc cũng như cuộc sống trong trại giam. Tá bảo đến bây giờ cô vẫn chưa thuộc hết tên của những phạm nhân cùng buồng.

Cũng may là cùng buồng giam với Tá có mấy người cùng quê Điện Biên, cùng tuổi trẻ nên cô có bạn. Tuy nhiên vì mặc cảm về gia đình mình nên cô cũng không dám tâm sự nhiều, khiến cho nỗi mặc cảm trong nữ phạm nhân trẻ tuổi này không hề vợi bớt. Cô bảo họ cũng có người nhà đi tù nhưng không nhiều như nhà cô nên Tá cảm thấy xấu hổ.

“Họ chẳng bao giờ nói gì về mình đâu nhưng mình vẫn thấy xấu hổ lắm. Án mình dài thế này chắc mình còn xấu hổ lâu nữa. Chả có gia đình nào như gia đình mình. Cũng may là bố mình chết rồi không thì ông ấy buồn mà chết mất thôi”, phạm nhân Giàng Thị Tá tâm sự thêm.

Tuy nhiên, cũng theo lời cô gái này tâm sự, chính vì buồn chuyện bố mất mà mẹ cô hút thuốc phiện rồi nghiện. Bố Tá mất trong một lần đi rừng, chẳng may sa chân xuống vực. Tá thành đứa trẻ mồ côi từ lúc 6 tuổi.

Buồn chuyện gia đình, mẹ cô bỏ nhà đi đâu không rõ, mấy tháng sau quay về thông báo đã lấy chồng. Bà dắt Tá đi theo, sang Lai Châu sống nhưng chỉ được khoảng gần một năm thì hai mẹ con lại quay về nhà. Từ đó mẹ hút thuốc phiện nhiều hơn, cả uống rượu nữa rồi bỏ qua bên kia biên giới.

“Ngày trẻ mẹ đẹp gái lắm, bố là thợ săn giỏi nên mới được mẹ bắt về làm chồng. Từ ngày bố mất, mẹ buồn chán. Mình thương mẹ lắm nhưng con cái không thể giữ chân mẹ được. Mẹ phải có bạn để tâm sự, để uống rượu cùng. Chẳng biết giờ này mẹ ở đâu, có sống tốt không”, Tá tâm sự.

Cô bảo những ngày cuối tuần, không phải đi lao động, trong lúc mọi người viết thư, tán chuyện phiếm về gia đình thì cô lại ngồi đó nghĩ về mẹ. Cô nhớ mẹ lắm, thương mẹ rất nhiều nhưng không biết làm sao để có thông tin về mẹ.

Bố mất, mẹ biệt tích, các anh chị em thì người đi tù, người cuộc sống khó khăn nên từ ngày đi tù, Tá bặt tin nhà. Cô bảo ở trong tù còn có cơm ăn, được xem tivi và ngủ trong chăn ấm.

Cô lại càng thương những người ở nhà, nhất là những đứa cháu nhỏ. Cô bảo chỉ tại không được học hành, tại cuộc sống thiếu thốn khó khăn và mù tịt thông tin nên cả nhà cô mới bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường tội lỗi.

“Mình chỉ mong các cháu mình ở nhà được đi học để tránh xa những cám dỗ. Trong này mình sẽ cố gắng học chữ để viết thư về cho chúng”, phạm nhân Giàng Thị Tá kể thêm.

Cô cho biết sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án, trở về tìm mẹ...

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tam-su-cua-co-gai-tra-an-chung-than-no-luc-cai-tao-tot-de-tro-ve-tim-me-122755.html