Tầm soát bệnh ung thư Tiêu hóa và Gan mật- Giá trị của một số xét nghiệm máu

Hiện nay có rất nhiều người khỏe mạnh muốn đi tầm soát ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn còn sớm bằng cách xét nghiệm máu. Vậy thực sự các xét nghiệm này có ý nghĩa tới đâu?

Ung thư đường tiêu hóa chiếm khoảng 30% trong các loại ung thư

Ung thư đường tiêu hóa chiếm khoảng 30% trong các loại ung thư

Cũng như các loại ung thư khác, ung thư đường tiêu hóa phát hiện sớm hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Ung thư đường tiêu hóa thường gặp như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư gan mật, ung thư tụy. Sau đây là các xét nghiệm máu và giá trị của nó trong tầm soát ung thư .

Xét nghiệm CA72-4

CA 72-4 là kháng nguyên carbohydrate hay còn gọi kháng nguyên ung thư (Carcinogen Antigen), kháng nguyên này được mô tả vào những năm đầu thập niên 1980. Giá trị bình thường của CA 72-4 trong máu là ≤ 6 U/mL.

CA 72-4 tăng cao gặp trong một số loại ung thư: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư tụy, ung thư buồng trứng và ung thư vú.

Ở người hoàn toàn khỏe mạnh khi xét nghiệm máu có thể tăng CA72-4 trong 7,8% số trường hợp. CA72-4 còn tăng ở những người không bị ung thư: tăng theo tuổi, tăng ở người có nhiễm Helicobacter Pylori, tăng trong polyp dạ dày, tăng ở bệnh nhân loét dạ dày.

Giá trị chẩn đoán dương tính của ung thư dạ dày với xét nghiệm này rất thấp chỉ bằng 0,18%, có nghĩa là nếu xét nghiệm tình cờ một người thấy có tăng CA72-4 khả năng người đó bị ung thư dạ dày chỉ bằng chưa đến 2 phần nghìn.

Tăng CA72-4 từ 16 - 70% trong ung thư dạ dày, thường tăng cao ở giai đoạn muộn khi đã có xâm lấn mạch máu và di căn, vì vậy theo Hiệp hội phòng chống ung thư dạ dày Nhật Bản không sử dụng này xét nghiệm này để phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm.

Xét nghiệm CA72-4 có ý nghĩa tiên lượng và theo dõi đáp ứng điều trị nếu trường hợp ung thư dạ dày trong những trường hợp mà xét nghiệm thấy có tăng.

Như vậy, một người bình thường hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể tăng CA72-4 trong máu khi xét nghiệm. Xét nghiệm CA72-4 trong máu là không có khả năng tầm soát được ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, vì vậy chỉ định không đúng gây lãng phí không cần thiết.

Xét nghiệm pepsinogen I, Pepsinogen I/II

Pepsinogen là một protein bao gồm 375 gốc acid amin, có khối lượng phân tử 42.000 Da. Pepsinogen tồn tại dưới hai dạng là pepsinogen I (PG I) và pepsinogen II (PG II), do tế bào chính của niêm mạc bài tiết. PGI và PG I/II giảm khi có viêm teo niêm mạc dạ dày.

Ung thư dạ dày có hai thể: Thể không phải tâm vị có liên quan tới nhiễm Helicobacter Pylori dẫn tới viêm teo niêm mạc dạ dày sẽ làm giảm PGI và tỉ lệ PG I/II trong máu là thể hay gặp và thể ít gặp hơn đó là ung thư tâm vị dạ dày.

Giá trị bình thường của pepsinogen I trong máu là > 70 ng/mL, của tỷ lệ PGI/II là > 3. Nồng độ pepsinogen I ≤ 70 ng/mL, tỷ lệ PGI/II ≤ 3 được gọi là dương tính, là ngưỡng một số nước như Nhật Bản dùng để chỉ niêm mạc dạ dày bị viêm teo và có nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày không phải tâm vị nhưng cũng không có nghĩa là bị ung thư dạ dày.

Xét nghiệm pepsinogen I và tỷ lệ PGI/II cũng chỉ nên áp dụng ở cộng đồng nhằm tìm ra những người có nguy cơ cao bị viêm teo niêm mạc dạ dày và ung thư dạ dày sau đó tiến hành nội soi dạ dày để sàng lọc nhằm hạn chế số lượng người cần nội soi dạ dày. Ngay cả tại Nhật Bản tới 2018 trong khuyến cáo tầm soát ung thư sớm dạ dày cũng không đủ bằng chứng để khuyến cáo dùng xét nghiệm máu PGI và tỉ lệ PG I/II để sàng lọc, mà chỉ khuyến cáo chụp X quang đối quang kép hoặc tốt nhất là nội soi để tầm soát ung thư sớm dạ dày.

Đối với người Việt Nam cho tới nay chưa có nghiên cứu nào công bố về giá trị ngưỡng của pepsinogen I và tỷ lệ PGI/II là bao nhiêu để chẩn đoán viêm teo niêm mạc dạ dày để biết được những người có nguy cơ cao ung thư dạ dày. Trong tương lai gần chúng tôi sẽ công bố kết quả pepsinogen I và tỷ lệ PGI/II trên nghiên cứu số lượng lớn người Việt Nam.

Cần hiểu rõ giá trị của những chỉ số trong xét nghiệm máu tầm soát ung thư tránh lãng phí không cần thiết

Xét nghiệm CEA

Carcinoembryonic antigen (CEA) là kháng nguyên ung thư bào thai, bản chất glucoprotein có trọng lượng 180.000 Da, được Gold và Freedman đề cập lần đầu tiên vào năm 1965. Người bình thường nồng độ CEA < 5 ng/ml trong máu.

CEA gọi là kháng nguyên ung thư nhưng có thể tăng trong bệnh lành tính như: viêm gan, xơ gan, tắc mật, đặc biệt tổn thương gan do rượu, viêm tụy, suy giáp, polyp đại tràng, viêm ruột và người hút thuốc lá.

CEA tăng trong các bệnh ung thư ác tính đường tiêu hóa như: ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột non, ung thư đại tràng, ung thư tụy, ung thư đường mật; và ung thư ngoài đường tiêu hóa như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng , ung thư cổ tử cung, ung thư hệ tiết niệu, ung thư xương, ung thư võng mạc.

CEA thường tăng cao trong ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, giai đoạn sớm không tăng hoặc tăng ít, chính vì vậy chỉ khuyến cáo dùng để theo dõi điều trị nếu khi chẩn đoán ung thư đại trực tràng hoặc ung thư khác có tăng CEA khi chẩn đoán. Vì độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp xét nhiệm này thấp nên trong khuyến cáo 2021 của Hội Tiêu hóa Hoa Kỳ không khuyến cáo xét nghiệm CEA để tầm soát ung thư đại tràng.

Xét nghiệm CA 19-9 (Carbohydrate Antigen 19-9)

CA 19-9 là một Oligosaccharide, trọng lượng 36.000 Da, lần đầu tiên được tìm ra 1979. Đây là một xét nghiệm được dùng trong chẩn đoán và điều trị ung thư tụy.

Ở người bình thường CA 19-9 trong máu < 37 U/ml. CA 19-9 có thể tăng trong các bệnh lành tính: loét dạ dày tá tràng, viêm tụy cấp, viêm tụy mạn, viêm ruột, xơ gan, viêm đường mật, tắc mật. Trong trường hợp vàng da tắc mật, khi giảm tắc mật thì CA 19-9 cũng giảm theo.

CA 19-9 trong máu trong ung thư tụy thường tăng ở giai đoạn muộn, chỉ dưới 50% số trường hợp ung thư tụy có tăng CA 19-9 khi khối u tụy < 3 cm. CA 19-9 thường dùng theo dõi đáp ứng điều trị cũng như tiên lượng đối với ung thư tụy có tăng CA 19-9 trước điều trị.

CA 19-9 còn tăng trong các bệnh ung thư khác của cơ quan tiêu hóa như: Ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư đường mật. Ngoài ra CA 19-9 còn tăng trong các bệnh ung thư ngoài cơ quan tiêu hóa như: ung thư phổi, ung thư hệ tiết niệu, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp.

Như vậy, CA 19-9 không sử dụng để tầm soát ung thư tụy ở giai đoạn sớm được, tình cờ xét nghiệm có tăng CA 19-9 cũng không có giá trị nhiều để chẩn đoán xác đinh ung thư tụy, mà chủ yếu để theo dõi và tiên lượng ung thư tụy sau điều trị.

TS. BS.Vũ Trường Khanh (Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật , Bệnh viện Bạch Mai)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tam-soat-benh-ung-thu-tieu-hoa-va-gan-mat-gia-tri-cua-mot-so-xet-nghiem-mau-n198024.html