Tầm soát bệnh, tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số

Tầm soát bệnh, tật bẩm sinh; chẩn đoán, điều trị trước sinh để nâng cao chất lượng dân số là một trong những đề xuất được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Luật dân số.

Ảnh minh họa

Mục tiêu của đề xuất nhằm bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các nhóm đối tượng trong việc thực hiện các quy định về tầm soát bệnh, tật bẩm sinh; bảo đảm khung pháp lý trong việc thực hiện các biện pháp tầm soát bệnh, tật bẩm sinh, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị bệnh, tật bẩm sinh. Đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Cụ thể, theo dự thảo, tầm soát bệnh, tật bẩm sinh từ trước khi thụ thai, trong giai đoạn phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh để trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ; giảm tỷ lệ bệnh tật bẩm sinh.

Biện pháp tầm soát bệnh tật bẩm sinh: Tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh.

Theo dự thảo, khuyến khích cặp vợ chồng, cá nhân, gia đình tham gia và tạo điều kiện, hỗ trợ các đối tượng tham gia thực hiện các biện pháp tầm soát bệnh, tật bẩm sinh. Cơ quan quản lý nhà nước về y tế, dân số có trách nhiệm tổ chức thực hiện, tuyên truyền các biện pháp tầm soát bệnh tật bẩm sinh, bảo đảm cho các đối tượng dễ tiếp cận và nhận được các dịch vụ kỹ thuật trong việc tầm soát bệnh tật bẩm sinh có chất lượng, đa dạng, thuận tiện.

Tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh

Theo dự thảo, khuyến khích phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh tham gia tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh. Việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh đối với người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định tại Khoản 2 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình phải bắt buộc thực hiện.

Cha, mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình chủ động, tự nguyện cho trẻ sơ sinh tham gia tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh.

Cơ quan quản lý nhà nước về y tế, dân số có trách nhiệm tuyên truyền về lợi ích thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ mang thai có nguy cơ cao tham gia tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở dịch vụ tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Chính phủ quy định danh mục bệnh, tật để tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và việc hỗ trợ kinh phí tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh cho một số đối tượng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/tam-soat-benh-tat-bam-sinh-de-nang-cao-chat-luong-dan-so/324754.vgp