'Tam sinh tam thế' bản điện ảnh: Mới mẻ và cải biên so với bản truyền hình

Với bề dày của nguyên tác, 'Tam sinh tam thế' chỉ chọn chuyển thể kiếp cuối cùng trong ba kiếp của bộ truyện. Bộ phim làm thế nào rút ngắn kịch bản và có gì đáng xem trong 2 tiếng ngắn ngủi của phim?

Phiên bản mới của nhiều nhân vật

Dù không phải vai chính nhưng Chiết Nhan được xem là nhân vậtt mấu chốt ở cả bản truyền hình và điện ảnh. Khán giả đã từng chứng kiến một Chiết Nhan nho nhã, nhu mì của Trương Trí Nghêu thì ở bản điện ảnh Chiết Nhan của La Tấn là một tạo hình trái ngược với tính cách hoàn toàn mới mẻ. Có lẽ do ấn tượng ban đầu từ bản chiếu trước mà khán giả quên mất Chiết Nhan vốn là chim phượng hoàng - linh vật cổ đại mang màu sắc sặc sỡ và có phần lòe loẹt. Ở bản điện ảnh, La Tấn phần nào chuyển tải được vẻ ngoài và tinh thần nghêu ngao, tự tại của Thượng thần Chiết Nhan.

Tạo hình cái cây đáng yêu của Mê Cốc

Trailer phim Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa.

Không do người thủ vai, Mê Cốc trong bản điện ảnh mang dáng vẻ mới toanh với tạo hình cái cây bé bé cùng giọng nói hết sức đáng yêu. Mê Cốc và A Ly là hai nhân vật khiến khán giả p”À” “Ồ” trước độ dễ thương của mình. Vẻ mặt phụng phịu cùng khả năng “ăn nói” linh hoạt của A Ly làm khán giả nửa xiêu lòng nửa buồn cười.

Kình Thương do Nghiêm Khoan thủ vai

Ở cuối phim, người xem lại được chiêm ngưỡng một Kình Thương (Nghiêm Khoan) “soái” và khí chất hơn hẳn, chỉ tiếc là nhân vật không có quá nhiều đất diễn, chỉ xuất hiện ở trận đấu cuối cùng nhưng rồi cũng mau chóng “chết ỉu”. Đây là lần đầu tiên người xem được chứng kiến một lão ma thần có nhan sắc trẻ trung và điển trai đến vậy. Với dáng vẻ thế này, các fan nguyên tác còn mong một cuộc gặp mặt giữa Kình Thương và Cửu sư huynh Lệnh Vũ viết nên một mối tình đầy cố chấp và chẳng có điểm kết.

Đại tiệc kỹ xảo

Chưa bàn vội đến nội dung, Tam sinh tam thế trước hết đã ghi điểm về sự đầu tư kĩ xảo. Mọi cảnh vật đều được chăm chút hết sức cẩn thận và chi tiết. Nếu chợ phiên Thanh Khâu được xây dựng đầy ấm cúng thì Thiên Cung lại tạo cảm giác rộng lớn, phép tắc và quy củ. Cảnh biển Đông Hải hay khung cảnh thả đèn giữa trời đêm trở thành hai cảnh lộng lẫy và đắt giá nhất phim. Có lẽ khi bước ra khỏi rạp, người xem sẽ nhớ mãi lời thề “Tam sinh tam thế thập lý đào hoa” của nàng Bạch Thiển dưới bầu trời rợp đèn Khổng Minh.

Những màn đánh nhau đều được chuyển cảnh, cắt ghép và xử lý khá ổn. Một điểm đặc biệt là các diễn viên chính đều gần như tự mình thực hiện các cảnh hành động vì thế mà cảnh phim trở nên chân thật và diễn xuất phần nào được đảm bảo.

Dương Dương tự mình thực hiện những cảnh hành động

Một khâm phục nữa dành cho Tam sinh tam thế chính là tạo hình Mặc Uyên nằm trong tảng băng. Nó hoàn toàn được chế tác từ băng thật và không qua bất kỳ mô hình nhựa trong thay thế nào. Các nhà sản xuất phim đã tạo một mô phỏng bằng thạch cao trên chính người Dương Dương để có thể “nhào nặn” ra một Mặc Uyên chân thật và hoàn mỹ nhất.

Mô hình Mặc Uyên được đúc thạch cao từ người thật Dương Dương

Kịch bản cải biên

Nhiều tuyến nhân vật phụ được lược bỏ, chi tiết cô đọng lại, tình cảm của Dạ Hoa và Bạch Thiển được tập trung khai thác triệt để. Chỉ thuần là nội dung của kiếp ba, Tam sinh tam thế bản điện ảnh bỏ qua hoàn toàn kiếp một và kiếp hai chỉ xuất hiện trong hồi ức có đẹp đẽ, có buồn đau, có hối tiếc của các nhân vật. Chỉ trong hai tiếng, Tam sinh tam thế đã tạo nên một mạch truyện có đường dây chính phụ là một điều không dễ dù tiết tấu có khá nhanh và vội. Dưới sức nặng của kịch bản, cảm xúc của Dạ Hoa - Bạch Thiển đôi khi hơi vụn khi phải cùng lúc thiên chuyển qua đa dạng tâm trạng từ yêu, hận đến ghen tuông, giận dỗi nhưng nhìn chung cả hai vẫn cho người xem cái nhìn toàn cảnh về mối tình thâm sâu của Đế vương Thanh Khâu và Thái tử Thiên cung.

Yêu vốn đã là sự vị kỷ, chẳng ai lai có thể cao thượng nhường đi người mình yêu thương. Tam sinh tam thế điện ảnh đã vẽ nên một tình yêu như thế, Dạ Hoa cũng được quyền ích kỷ mà ngăn Bạch Thiển đoat Kết Phách đăng cứu Mặc Uyên, Bạch Thiển cũng khao khát ở Dạ Hoa thứ tình cảm hơn cả “người vợ Tố Tố”. Vị kỷ đã làm nên một màu sắc mới lạ, phả vào kịch bản một sự ray rứt, dằn vặt hơn so với nguyên tác, xóa bỏ cả ranh giới giữa triết lý đúng sai.

Không có một kết thúc có hậu nào cả, Tam sinh tam thế đã tạo nên mới cái kết hết sức đặc biệt. Dạ Hoa có thể không mất cánh tay nhưng phải chịu một kết cục vùi mình dưới mặt băng của sông Nhược Thủy, Mặc Uyên có tỉnh lại hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngõ. Một đoạn flashback (tua ngược) được đưa vào cuối phim như một vòng luân hồi không chấm dứt, kiếp này khép lại, kiếp sau lại mở ra, xuân hạ thu đông cứ thế gắn liền với môi nhân duyên tiền kiếp này. Lời thề không ai nợ ai vốn chẳng tồn tại, sợi dây buộc chặt vốn chẳng thể tháo rời, cứ thế mà xoay vần trong vòng nhân duyên.

Yên Tú

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/tam-sinh-tam-thap-ly-dao-hoa-nhung-ly-khong-nen-bo-qua-1482613.html