Tâm sáng để giúp người, giúp đời

Cùng với phương pháp tây y, các phương pháp chữa bệnh y học cổ truyền đã giúp nhiều người bệnh vượt qua đau đớn về thể xác, tinh thần thoải mái, vui vẻ, khỏe khoắn hơn.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

7 tháng trước, bà Lê Thị Loan (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bị viêm đa dây thần kinh, liệt hai chân, không đi được, không nắm bàn tay được, huyết áp tăng thường xuyên. Sau khi nhập viện điều trị nội trú tại Khoa Nội của Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, đến nay bà Loan đã đi lại được, nắm tay bình thường.

* Người bệnh hài lòng

Hay trường hợp của bà Lê Thị Thừa (ngụ xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) cách đây hơn 1 năm bị trượt cột sống, đau đớn, không nằm, ngồi, đi lại được. Từ ngày bị bệnh, cuộc sống của bà Thừa và gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Người con trai bị bại não không có ai chăm sóc. Bản thân bà Thừa không thể đi làm việc ở công ty nên cũng không có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, có tên khác là Lê Hữu Huân, sinh năm 1720 tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông đã để lại cho đời sau bộ Y tôn tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyền bao gồm đủ các mặt về y học: y đức, y lý, y thuật, dược, di dưỡng. Bên cạnh đó, ông đã sưu tầm, phát hiện và bổ sung 300 vị thuốc nam, thu thập hơn 2,8 ngàn phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.

Ngày mất của ông (15 tháng Giêng) được chọn là Ngày truyền thống y học cổ truyền Việt Nam.

Quá trình điều trị tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, bà Thừa được bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh, Khoa Phục hồi chức năng, điều trị bằng phương pháp tác động cột sống. Kiên trì điều trị trong vài tuần, bà Thừa đã có thể đi lại và làm việc bình thường.

Bà Thừa bộc bạch: “Bệnh của tôi khi đi khám tại nhiều bệnh viện, bác sĩ tây y bảo phải mổ, nếu không sẽ bị liệt, ngồi xe lăn. Rất may nhờ có bác sĩ Vinh kiên trì tác động cột sống, tôi đã hết đau và đi lại được bình thường. Bác sĩ rất giỏi và có tâm”.

Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Nguyễn Phúc Vinh cho hay, để các phương pháp điều trị y học cổ truyền đạt hiệu quả cao nhất, ngoài trình độ, chuyên môn, sự tận tâm, tận tình của bác sĩ, rất cần sự phối hợp tận tình, kiên nhẫn của bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân khỏi bệnh và khỏe mạnh là niềm hạnh phúc, sự động viên tinh thần rất lớn đối với bác sĩ.

Ngoài Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều bệnh viện có khoa y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân. Như tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, hiện Khoa y học cổ truyền có quy mô 50 giường bệnh, trang thiết bị hiện đại, phòng dịch vụ tiện nghi cùng với đội ngũ bác sĩ tốt nghiệp sau đại học trong và ngoài nước, chuyên khám và điều trị các bệnh như: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, đau dây thần kinh tọa, liệt dây thần kinh ngoại biên số 7, di chứng bệnh mạch máu não, rối loạn giấc ngủ, viêm gan mạn, viêm đại tràng mạn, viêm loét dạ dày tá tràng…

* Noi gương sáng của Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. ông tận tụy với người bệnh, không quản đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi cách trở hay khi bản thân dù mệt mỏi, ông vẫn kiên trì đến tận nơi, xem bệnh rồi mới kê thuốc. Ông tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính 8 chữ: Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần, tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù. Đồng thời tránh xa 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức.

Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai điều trị bệnh cho bệnh nhân

Giám đốc Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai Phùng Văn Thanh cho hay, noi gương Hải Thượng Lãn Ông, tập thể cán bộ, y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện sẽ cố gắng, nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp để vượt qua những khó khăn trước mắt; tích cực triển khai nhiều phương pháp điều trị mới, đem lại hiệu quả cao, thu hút người bệnh đến chữa trị tại bệnh viện. Qua đó tăng thu nhập cho cán bộ, y, bác sĩ.

Đến nay, bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật đem lại hiệu quả cao như: điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp bảo tồn, oxy cao áp, phục hồi chức năng…

Còn bác sĩ Đỗ Khắc Hân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai (TP.Long Khánh) thì nhấn mạnh, từ trước đến nay, Khoa Y học cổ truyền luôn được xem là thế mạnh của bệnh viện. Cũng nhờ đó mà lượng bệnh nhân tìm đến bệnh viện để khám, chữa bệnh ngày càng đông. Không riêng gì các y, bác sĩ của khoa, tập thể y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa cao su Đồng Nai luôn nêu cao tinh thần phục vụ người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm để đem đến sức khỏe và sự hài lòng cao nhất từ phía người bệnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/ky-niem-ngay-truyen-thong-y-hoc-co-truyen-viet-nam-15-thang-gieng-tam-sang-de-giup-nguoi-giup-doi-2986879/