Tam quốc diễn nghĩa: Vượt mặt Tào Tháo, Tôn Kiên mới là người khiến Đổng Trác kinh hồn khiếp vía

Tham gia liên quân phạt Đổng Trác, Tôn Kiên đã cho cả thiên hạ thấy rằng, thế nào mới là một trung thần mẫu mực, thế nào mới là một thần tử đúng nghĩa.

Tôn Kiên (155-193), tự Văn Đài, là một vị tướng quân đội tài giỏi trong lịch sử Trung Hoa đã đặt nền móng xây dựng nên nhà Đông Ngô vào thời Tam quốc. Ông có 5 người con trai trong đó hai người nổi bật là con cả Tôn Sách và con thứ Tôn Quyền. Ngoài ra ông còn có một người con gái là Tôn Thượng Hương.

Tôn Kiên tự Văn Đài.

Tôn Kiên tự Văn Đài.

Tôn Kiên người Phú Xuân thuộc Ngô quận. Mẹ ông là Tôn Bạch Hà (120 - 156) chết từ hồi Tôn Kiên mới 2 tuổi, cha ông là Tôn Huyền (116 - 190) vì vợ đã chết nên đã lấy Lưu Cầm Trang (136 - 211) làm người vợ kế để chăm sóc ông. Theo Tam quốc chí, ông là hậu duệ của danh tướng Tôn Vũ thời Xuân Thu và nhiều đời làm quan, tuy nhiên có ý kiến nghi ngờ về "dòng dõi Tôn Vũ" và cho rằng chỉ chắc chắn Tôn Kiên là dòng dõi thế tộc nhiều đời.

Lớn lên, Tôn Kiên được làm chức lại trong huyện, tính tình khoáng đạt, thích kết giao với các hào kiệt.

Năm 17 tuổi (171), ông cùng cha đi thuyền đến sông Tiền Đường, trên đường đi gặp một toán cướp Hồ Ngọc đang cướp tiền của của các nhà buôn và chia chác với nhau trên bờ. Mọi người trên thuyền đều sợ không dám tiến lên, Tôn Kiên tỏ ý định đánh cướp. Dù cha đã can không nên mạo hiểm nhưng Tôn Kiên vẫn xách dao nhảy lên bờ, vừa chạy vừa cầm dao chỉ đông chỉ tây như đang chỉ huy mọi người nghe hiệu lệnh. Bọn cướp biển thấy vậy tưởng rằng có quân triều đình đến bắt, liền vứt hết tiền của bỏ chạy. Tôn Kiên thừa thế đuổi theo, chém chết một tên cướp.

Từ vụ việc này, ông trở nên nổi tiếng, được quan phủ trong quận phong làm Hiệu úy.

Năm Hỷ Bình thứ 2, có người ở Cối Kê là Hứa Xương làm phản Hán triều, tự xưng là Dương Minh Hoàng Đế, tụ tập vài vạn quân đánh phá miền Dương Châu. Quan thứ sử ở đây là Tang Môn đánh dẹp nhưng bị thua trận. Năm sau Tôn Kiên tự chiêu mộ được vài nghìn quân nghĩa dũng cùng với Tang Môn đánh giặc dẹp loạn. Do Tôn Kiên rất dũng cảm nên đánh tan quân của Hứa Xương, dẹp được loạn ở Cối Kê, được triều đình ban cho chức quan ở Diêm Độc.

Khi khởi nghĩa Hoàng Cân nổ ra, hưởng ứng lời hiệu triệu của triều đình, Kiên mộ được 5.000 quân, hợp với Chu Tuấn đánh dẹp được quân Hoàng Cân ở Uyển thành. Nhờ công lao này Kiên được thăng chức Biệt bộ tư mã.

Năm Trung Bình thứ 3, người ở Trường Sa là Khu Tinh nổi lên chống lại quân triều đình. Kiên dẫn quân bản bộ đánh tan, được triều đình phong chức Thái thú Trường Sa, sau đó không lâu được phong chức Ô trình hầu. Từ đó Kiên có hẳn một đạo quân riêng khá hùng mạnh.

Tôn Kiên - Anh hùng thời loạn thế

Tôn Kiên là một trung thần mẫu mực.

Trong liên quân Quan Đông chỉ có hai người thật lòng muốn đánh Đổng Trác trừ hại cho thiên hạ là Tôn Kiên và Tào Tháo, nhưng hai người này cũng gặp không ít gian nan. Nếu như Tào Tháo hô hào không được ai hưởng ứng, xuất kế đánh địch không có ai ủng hộ, bị đám chư hầu “chỉ biết nói suông” kia làm cho tức chết, thì Tôn Kiên cũng không khá hơn. Ông bị đám người cùng trận tuyến khinh thường coi rẻ, không cấp quân lương, không hỗ trợ.

Thế nhưng cách mà Tào-Tôn phản ứng lại cũng khác nhau. Tào Tháo nói không ai nghe cũng không biết làm sao, thua trận thì quay về căn cứ. Còn Tôn Kiên thua thì phải đánh cho thắng mới dừng, kẻ nào không chịu hỗ trợ, không chịu phối hợp thì phê bình nghiêm khắc, thậm chí tiêu diệt!

Trong lúc Tôn Kiên nỗ lực tác chiến ngoài mặt trận thì Viên Thiệu và các chư hầu khác án binh bất động, say sưa tiệc rượu không bàn việc quân.

Thấy Đổng Trác đốt kinh thành bỏ chạy, Tào Tháo kiến nghị Viên Thiệu ra quân truy kích nhưng Thiệu không dám ra quân. Tào Tháo làm ầm lên trong hội nghị chư hầu đòi đi đánh. Trương Mạo cũng đồng tình, trách cứ Viên Thiệu trước chư hầu. Viên Thiệu bất đắc dĩ cho Tào Tháo vài ngàn quân đi. Khi chưa tiến đến Thành Quần, vì ít quân nên ông bị Từ Vinh đánh bại, quân chết quá nửa.

Tào Tháo chạy về Toan Cức tìm các chư hầu. Ông kiến nghị chư hầu chia quân: Viên Thiệu thống suất đại quân đánh Thành Cao, bao vây Lạc Dương; còn Viên Thuật thì ngầm đánh từ Nam Dương đánh úp vào cửa Vũ Quan, chiếm lấy Trường An, cắt đứt đường tiến lui của Đổng Trác. Nhưng Viên Thiệu và các chư hầu bỏ ngoài tai lời kiến nghị của ông.

Tào Tháo tức giận bỏ đi, chiêu mộ được thêm 4000 quân mã đi đánh Lạc Dương. Tuy nhiên giữa đường quân mới mộ làm phản. Dù Tào Tháo ra sức trấn áp, tuốt gươm giết chết vài chục người nhưng số đông vẫn tản đi, chỉ còn lại 500 quân theo ông. Tào Tháo đành bỏ việc đánh Đổng Trác, trở về quê xây dựng lại lực lượng.

Tôn Kiên với cá tính quyết liệt và triệt để đó, ai dám cản trở quyết tâm của ông đương nhiên sẽ bị tiêu diệt. Thứ sử Kinh Châu Vương Duệ dám “nói năng vô lễ”, Thái thú Nam Dương Trương Tư “đường sá chưa tu sửa, quân tư trang không đầy đủ”, “không cấp quân lương”, đều bị Kiên giết chết. Một kẻ có quyền lực khác, quân hàm rất cao, gia thế rất mạnh là Hậu Tướng quân Viên Thuật cũng bị Kiên phê bình nghiêm khắc.

Vốn là sau khi Tôn Kiên đại phá Đổng Trác, chém đầu Hoa Hùng ở Dương Nhân, thì Viên Thuật nghe lời gièm pha của người khác nên không chuyển quân lương cho Kiên nữa. Tôn Kiên hết sức quyết liệt và khẩn trương, ngay trong đêm phi ngựa hơn trăm dặm (hơn 50 km) về Lỗ Dương trách cứ Viên Thuật, lời lẽ hết sức minh bạch rõ ràng: “Ta sở dĩ đem thân xông xáo chẳng hề đoái hoài đến mình” như vậy là có hai lí do: “trên vì quốc gia đánh giặc”, mà “dưới vì tư thù của gia tộc tướng quân” (Đổng Trác nghe tin Viên Thiệu là thủ lĩnh quân Quan Đông liền giết hết họ hàng của Thiệu và Thuật, trong đó có cả Thái phó Viên Ngỗi). Ấy vậy mà “tướng quân lại nghe lời gièm pha, khiến chúng ta ngờ vực lẫn nhau”. Phê bình có tình có lý như thế khiến Viên Thuật không nói gì được, đành “rất áy náy” mà điều phát quân lương trở lại cho Kiên.

Tôn Kiên khiến Đổng Trác khiếp sợ.

Đổng Trác thấy thanh thế Tôn Kiên lớn mạnh rất lo lắng, lại sai tướng là Lý Thôi đến xin kết thân, sắp đặt con em của Tôn Kiên giữ chức Thứ sử, Quận thú, hứa sẽ dâng biểu xin dùng họ. Tôn Kiên thẳng thừng từ chối, rồi đem quân đến Đại Cốc cách Lạc Dương 90 dặm.

Đổng Trác thấy Tôn Kiên áp sát kinh thành, bèn đích thân ra trận, giao chiến với Tôn Kiên một trận nhưng bị đánh bại.

Sau đó, Đổng Trác cưỡng bức hàng trăm vạn dân Lạc Dương bỏ kinh thành về Trường An. Trước khi đi, Đông Trác hạ lệnh đốt cháy cung thất ở Lạc Dương, đào bới hết lăng mộ, lấy vật báu.

Tôn Kiên tiếp quản Lạc Dương, ông ra lệnh cho quân sĩ quét dọn tông miếu nhà Hán và cúng tế. Khi đóng quân ở Lạc Dương, Tôn Kiên tìm được ngọc tỷ truyền quốc của nhà Hán vốn thất lạc từ loạn hoạn quan năm 189.

Tôn Kiên chỉnh đốn binh mã tiếp tục tiến quân đánh Đổng Trác, sai một cánh quân vòng tới giữa Tân An và Thằng Trì để cắt đứt đường đi của Đổng Trác. Do Đổng Trác mang theo cả triều đình, nhiều người dân nên đi chậm. Thấy cánh quân Tôn Kiên chặn trước, Đổng Trác bèn sai tướng cùng họ là Đổng Việt giữ Thằng Trì, cử Đoàn Ổi giữ Hoa Âm để sẵn sàng cứu Đồng Quan; lại sai con rể là Ngưu Phụ giữ An Ấp làm thế ỷ dốc cho Đoàn Ổi. Sau khi phát binh xong, Đổng Trác tiếp tục lên đường về Trường An. Vì thế phòng ngự của Đổng Trác, Tôn Kiên không tiến lên được.

Tôn Kiên đang muốn đánh Trường An, nghe tin chư hầu tan rã, rất thất vọng. Ông đành bỏ việc đánh Trường An, mang quân trở về đánh Chu Ngang. Ngang thua trận bỏ chạy.

Khi liên minh Quan Đông tan rã, các chư hầu đánh lẫn nhau, các thế lực ra sức tranh giành đất đai ở Trung Nguyên, bành trướng thế lực là một lẽ tất nhiên trong thời nội loạn. Các cuộc đấu đá lớn như hai anh em Thiệu - Thuật hình thành thế Bắc – Nam đối trận. Thuật kết bè với Công Tôn Toản ép Thiệu vào giữa, Thiệu lôi kéo Lưu Biểu đánh Thuật ở phía Nam. Thuật lại nhờ Kiên phá Lưu Biểu ở phía sau.

Tôn Kiên cùng con trai là Tôn Sách kéo quân đến Kinh Châu nhưng chẳng may Tôn Kiên bị lọt vào trận mai phục của Lã Công - tướng Lưu Biểu, nên cả người lẫn ngựa chết dưới chân núi Hiện Sơn, thọ 38 tuổi.

Có thể nói trong liên quân phạt Đổng khi đó, Tôn Kiên đã tỏa sáng rực rỡ, không chỉ nhờ võ công mà còn do văn chí, lên ngựa không chỉ biết đánh thắng, xuống ngựa còn biết tạo lập chuẩn mực, chỉ ra cái sai, phê bình góp ý. Kiên đã cho cả thiên hạ thấy rằng, thế nào mới là một trung thần mẫu mực, thế nào mới là một thần tử đúng nghĩa.

Video: Tào Tháo công nhận chỉ có Tào Tháo- Lưu Bị-Tôn Kiên mới là anh hùng.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-vuot-mat-tao-thao-ton-kien-moi-la-nguoi-khien-dong-trac-kinh-hon-khiep-via-a427782.html