Tam quốc diễn nghĩa: Triệu Tử Long mới xứng đáng là Tam quốc đệ nhất chiến thần, Lữ Bố không thể sánh bằng

Đáng tiếc là khi sinh thời, 2 vị võ tướng này chưa từng có dịp giao chiến với nhau để chứng thực ai mới là đệ nhất chiến thần thời Tam quốc.

Thời đại Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa được biết tới là giai đoạn quần hùng tranh bá, cũng là thời kỳ đã từng sản sinh ra không ít võ tướng tài ba, uy dũng.

Thế nhưng trong lớp lớp những chiến tướng ấy, ai mới thực sự xứng đáng với danh hiệu đệ nhất chiến thần Tam quốc?

Khi bàn luận về đáp án của câu hỏi này, có nhiều người sẽ nhớ tới một câu thơ nổi tiếng từng lưu truyền trong dân gian từ lâu:

"Một Lữ, hai Triệu, ba Điển Vi

Bốn Quan, năm Mã, sáu Trương Phi".

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng: Triệu Vân mới xứng đáng là Tam quốc đệ nhất chiến thần, Lữ Bố không thể sánh bằng.

Lã Bố tự Phụng Tiên.

Lã Bố tự Phụng Tiên.

Lã Bố hay còn gọi là Lữ Bố (160 - 199) tự Phụng Tiên, người đất Cửu Nguyên (Tinh Châu) là một danh tướng thời Tam quốc. Người đời biết đến Lã Bố chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Ông được đánh giá là một trong những vị tướng dũng mãnh nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Ngay từ nhỏ, Lã Bố đã có sức khỏe phi thường, vượt trội hơn hẳn so với bạn đồng trang lứa. Ông được học đầy đủ cầm kỳ thi thư cũng như võ nghệ. Lã Bố hứng thú hơn cả với đao kiếm, côn quyền. Năm 11 tuổi, ông từng đánh bại một đại lực sĩ trong gia tộc, từ đó nổi tiếng khắp quê nhà.

Lã Bố sống trong một thời đại loạn ly, chiến tranh, cướp bóc liên miên, hoàng triều đổ nát, giặc cướp nổi lên như ong. Ông sớm có dịp được thi thố tài nghệ của mình. Trong suốt những năm rong ruổi chiến trận, Lã Bố từng theo hầu dưới trướng nhiều người như Đinh Nguyên, Đổng Trác, Viên Thuật, Viên Thiệu…

Lã Bố cưỡi Xích Thố, tay cầm Phương Thiên Họa Kích đã trở thành nổi ám ảnh trên chiến trường.

Mặc dù được nhận định là vô mưu nhưng không ai có thể phủ nhận, Lữ Bố quả thực rất mạnh. Chỉ riêng lần giao tranh với Tam Anh (Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi) mà không chết đã chứng minh được điều này. Trên khắp các chiến trường, hình ảnh vị tướng quân cưỡi Xích Thố, tay cầm Phương Thiên Họa Kích đã trở thành cơn ác mộng đối với bất kỳ binh sĩ nào. Xếp hạng Lữ Bố là kẻ mạnh nhất thời kỳ này cũng không sai chút nào.

Tuy nhiên, trong nhiều diễn đàn yêu thích Tam quốc, vẫn còn rất nhiều tranh cãi về việc này. Có những ý kiến cho rằng: Triệu Vân mới xứng là Tam quốc đệ nhất chiến thần, không phải Lữ Bố. Quả thật, nếu xét theo các chiến tích mà vị Ngũ Hổ Tướng nhà Thục đạt được, ông cũng chẳng hề kém cạnh chút gì nếu đứng ngang với Lữ Bố, thậm chí còn có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn.

Triệu Vân tự Tử Long.

Tam quốc diễn nghĩa mô tả Triệu Vân là mãnh tướng muôn người không địch nổi, cả đời giao chiến với không ít người và giết cũng rất ít. Trải qua trăm trận không thua một ai, nên trong chính sử ông có mỹ danh “Đánh khắp thiên hạ không địch thủ”. Trong cả cuộc đời chinh chiến không hề dính vết thương nào, không đổ một giọt máu.

Nói về sức mạnh, từng có lần, Lữ Bố phải rút lui khi đối mặt với Lục Tướng nhà Ngụy là: Điển Vi, Lý Điển, Hứa Chử, Nhạc Tiến, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên. Thế nhưng, Triệu Vân còn kinh khủng hơn, ông ra vào trại giặc như chỗ không người. Còn nhớ lần Triệu Vân cứu Lưu Thiện khỏi vòng vây quân Tào, dù một mình một ngựa nhưng ông vẫn có thể chém chết 50 tướng, chặt gãy 2 lá cờ to và còn lấy được thanh gươm Thanh Công quý giá của Tào Tháo (tương truyền là thanh kiếm có thể chém gãy mọi loại binh khí).

Tiếp đó, đề cập tới cách cầm quân, có thể khẳng định Lữ Bố thua Triệu Vân một bậc. Vị danh tướng nhà Thục tỏ ra rất chắc chắn trên trận mạc. Ông nắm bắt tình hình rất nhanh và lợi dụng được yếu điểm của địch để phản công chóng vánh. Từng có lần Triệu Vân cùng vài chục kị binh đi thám thính bị quân Tào phát hiện, đuổi giết. Ông bình tĩnh cùng đồng đội phá vỡ vòng vây, vừa đánh vừa lui. Khi thấy bộ tướng Trương Trứ còn mắc kẹt, ông lại thúc quân quay lại giải cứu.

Khi về trại, Trương Ký thấy quân Tào đuổi tới, sợ hãi đòi đóng cổng phòng thủ nhưng Triệu Vân phản bác. Ông để mở toang cổng, dặn binh sĩ trốn đi. Quân Tào đuổi đến thấy im hơi lặng tiếng tưởng có mai phục nên nhanh chóng lui binh. Lúc ấy, Triệu Vân mới cho bắn tên, thúc trống và cùng quân đuổi theo giết. Trận này quân Tào bị dồn tới bờ sông Hán Thủy, giẫm đạp lên nhau mà chết rất nhiều.

Triệu Vân là mãnh tướng muôn người không địch nổi.

Trong khi đó, hầu hết các lần Lữ Bố thắng trận đều nhờ mưu kế của kẻ khác. Như lần suýt nữa giết được Tào Tháo ở Bộc Dương cũng là do Trần Cung góp công. Đa phần sử gia đều cho rằng, Lữ Bố làm việc rất khinh suất lại hay tạo phản, chỉ mưu lợi cho mình. Những người từng giúp ông như Đinh Nguyên, Đổng Trác, Trương Dương, Viên Thuật, Lưu Bị rồi đến lúc cuối lại bị ông phản.

Về chữ dũng, 2 nhân vật này không hề kém cạnh nhau chút nào. Còn ở chữ mưu Triệu Vân được đánh giá cao hơn Lữ Bố. Nói về trung nghĩa khác với Lữ Bố bất trung, Triệu Vân lại hết lòng phò tá Lưu Bị suốt cả cuộc đời. Có lẽ đây chính là lý do mà ông lại được nhiều người yêu mến và coi Triệu Vân mới xứng là Tam quốc đệ nhất chiến thần.

Video: Triệu Tử Long phá bát môn kim tỏa trận.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-trieu-tu-long-moi-xung-dang-la-tam-quoc-de-nhat-chien-than-lu-bo-khong-the-sanh-bang-a428302.html