Tam quốc diễn nghĩa: Thân thế ít người biết của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh (181 - 234), hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam quốc. Ông làm đến chức thừa tướng của nhà Thục. Sau khi ông qua đời người đời vinh danh là 'vạn đại quân sư' (quân sư nghìn đời).

Gia Cát Lượng không chỉ được người đời biết đến là một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất và cũng là một nhà phát minh tài ba.

Gia Cát Lượng không chỉ được người đời biết đến là một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất và cũng là một nhà phát minh tài ba.

Hậu duệ của quan Tư lệ Hiệu úy là Gia Cát Phong đời nhà Hán

Gia Cát Lượng là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông) quận Lang Nha đời Đông Hán. Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (181) thời Hán Linh Đế. Dòng họ Gia Cát của ông là một họ kép ít gặp. Theo sách Khổng Minh Gia Cát Lượng, chữ "Cát" trong họ Gia Cát của ông có nguồn gốc từ việc ông là dòng dõi của Cát Anh, một tướng theo Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần. Cát Anh có công, bị Trần Thắng giết oan. Khi Hán Văn Đế lên ngôi đã sai người tìm dòng dõi Cát Anh và cấp đất Gia làm nơi ăn lộc. Một chi sau này lấy sang họ Gia Cát - ghép chữ "Cát" cũ và đất "Gia".

Gia đình Gia Cát Lượng là hậu duệ của quan Tư lệ Hiệu úy là Gia Cát Phong đời nhà Hán, cha là Gia Cát Khuê, thời Hán mạt làm chức Quận thừa ở Thái Sơn, nhưng chết khi Gia Cát Lượng còn nhỏ. Gia Cát Khuê sinh được ba người con trai là Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân. Do cha mất sớm, Gia Cát Lượng theo chú là Gia Cát Huyền lúc này được làm Dự Chương thái thú cho Viên Thuật. Gia Cát Huyền dẫn Gia Cát Lượng cùng em trai ông là Gia Cát Quân đến nhậm chức. Gặp lúc Hán triều cử người khác đến thay Gia Cát Huyền, nên ông qua Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, vốn là chỗ quen biết cũ.

Về phần anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn khi đó tránh loạn đến Giang Đông, gặp lúc Tôn Sách chết, phục vụ cho Tôn Quyền ở Giang Đông.

Gia Cát Cẩn làm quan bên Đông Ngô được Tôn Quyền rất xem trọng.

Khi Gia Cát Huyền, Gia Cát Lượng đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, chỗ ở có trái núi Ngọa Long cương, nhân thế tự gọi là Ngọa Long tiên sinh, thích làm ca từ theo khúc Lương Phủ Ngâm. Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng và luôn tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Người đương thời chẳng mấy ai tin, nhưng vài người như Thôi Châu Bình và Từ Thứ có giao du với ông thì tin ông có tài như vậy.

Kết duyên với con gái của danh sĩ là Hoàng Thừa Ngạn

Tạo hình Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh trên phim.

Về việc Gia Cát Lượng lấy vợ thì sách Tương Dương ký chép rằng ở miền Nhữ Năm có một danh sĩ là Hoàng Thừa Ngạn, tính tình thanh cao, khoát đoạt và thành thực.

Ngạn đến bảo với Lượng rằng: “Nghe anh kén vợ, tôi có đứa con gái xấu xí, đầu vàng, da đen, nhưng tài năng có thể phối hợp với anh được. Lượng bằng lòng tức thì Ngạn đem con gái đến cho”.

Người đương thời rất buồn cười về chuyện ấy, nên trong làng xóm hay nhắc câu: “Mạc học Khổng Minh trạch phụ/ Chi đắc A Thừa xú nữ” (Nghĩa là “Đừng học cách Khổng Minh kén vợ/ Chỉ được gái A Thừa xấu kinh”.

Còn giai thoại về chuyện tình của Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh (con gái Hoàng Thừa Ngạn) được ghi chép và kể lại khá nhiều, nhưng đều thống nhất ở điểm, sau khi Gia Cát Lượng xuất sơn, mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhân chu toàn, vợ chồng tương kính, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì. Nếu không nhờ có bà, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho chủ tướng Lưu Bị. Về sau, con trưởng là Gia Cát Chiêm khi Tào Ngụy tấn công, đã tử thủ ở Miên Trúc, còn con nhỏ Gia Cát Hoài đối mặt Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm không hề vì tư lợi mà bán mình. Người đời đánh giá đây không thể không xét công lao giáo dục của Gia Cát phu nhân.

Nhân vật nổi bật của gia tộc Gia Cát thời Tam quốc

Gia Cát Khác (cháu của Gia Cát Lượng) làm tới chức vụ Đô đốc nhà Đông Ngô.

Trong gia tộc Gia Cát, Gia Cát Lượng là người tài giỏi nhất nên người đời sau có câu: "Thục được rồng (Trong đó có cả ông và em ông Gia Cát Quân), Ngô được hổ, Ngụy được chó", ví trong 4 anh em thì ông tài giỏi nhất, Lưu Bị thu nạp được rồng và cả Gia Cát Quân em ông trong số 3 người (Lưu, Tào, Tôn). Ngoài ra còn có Gia Cát Khác (203 - 253) tự Nguyên Tốn, là vị Đô đốc kế nhiệm Lục Tốn, là con cả của Gia Cát Cẩn, gọi Khổng Minh bằng chú. Đây cũng là một trong những nhân vật hiếm hoi của Đông Ngô được Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung nhắc đến sau khi Gia Cát Lượng qua đời bên cạnh những cái tên như Khương Duy, Chung Hội, Đặng Ngải.

Gia Cát Khác là người thông minh lanh lợi, có tài từ nhỏ, giỏi ăn nói, ứng đối hơn người. Gia Cát Khác hàng ngày thường tự đặt ra câu hỏi và tìm cách giải thích. Ông có tài nghị luận, ứng đối nhiều người không theo kịp. Tôn Quyền từ khi gặp Gia Cát Khác rất quý mến ông.

Video: Gia Cát Lượng dùng thuyền cỏ mượn tên.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-than-the-it-nguoi-biet-cua-gia-cat-luong-a466344.html