Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật đằng sau câu nói 'Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng'

Nhắc tới danh thần Tam quốc - Chu Du, nhiều người không khỏi nghĩ ngay tới câu ai oán: 'Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng'. Nhưng sự thực phía sau sẽ khiến hậu thế phải nhìn nhận nhân vật này bằng con mắt khác.

Chu Du (175 -210) tên tự là Công Cẩn, ông là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam quốc. Chu Du sinh ra trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan ở huyện Thư, Lư Giang, An Huy ngày nay. Ông nội của ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan Thái úy (một trong 9 chức quan thời xưa). Cha của ông là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói, gia tộc Chu Du là một trong những gia tộc hiển hách trong lịch sử Trung Hoa.

Chu Du văn võ song toàn.

Chu Du văn võ song toàn.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung, Chu Du bị miêu tả thành một nhân vật ghen ghét với Gia Cát Lượng. Ông trở thành nhân vật có lòng dạ hẹp hòi, nhiều lần muốn đẩy Gia Cát Lượng đến chỗ chết.

Cuộc chiến thống nhất Tam quốc của Ngụy, Thục, Ngô diễn ra gần một trăm năm với sự giao tranh quyết liệt ở nhiều mặt trận. Chu Du và Gia Cát Lượng cũng là những nhân vật tiêu biểu, quân sư nổi danh nhất trong cuộc chiến Tam quốc, để rồi trước khi mất vì bạo bệnh, Chu Du đã phải ngẩng mặt lên trời thốt câu nói “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng” và qua đời.

Tài ngang Gia Cát, đâu cần ganh tỵ

Trận Xích Bích là một trong những cuộc đại chiến dùng phương thức "lấy ít địch nhiều" thành công nhất trong lịch sử Trung Hoa. Chiến thắng này đã đưa tên tuổi của Chu Du lưu danh muôn thuở.

Cuộc đại chiến này kết thúc cũng là lúc thế chân vạc Tam quốc bước đầu được định hình. Không có Chu Du, Tôn Quyền khó có thể thắng Tào Tháo, mà trận Xích Bích cũng chẳng dễ dàng thắng lợi.

Ngay tới Lưu Bị dù có Gia Cát Lượng phò tá, nhưng trước đó vẫn chưa từng thắng lợi trước Tào Tháo.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Chu Du là người lập công đầu trước chiến thắng của phe Tôn Quyền - Lưu Bị trong đại chiến Xích Bích.

Mùa xuân năm 208, quân Chu Du chiếm Giang Hạ. Tháng chín năm ấy, Tào Tháo cướp được Kinh Châu. Quân Đông Ngô và quân Tào một bên làm chủ Giang Nam, một bên chiếm đóng Giang Bắc, đại chiến giữa hai phe nhanh chóng bùng nổ.

Mang theo khát vọng nhất thống thiên hạ, Tào Tháo đưa hơn 80 vạn đại quân với ý đồ thâu tóm Đông Ngô. Bấy giờ, các đại thần Đông Ngô chia làm hai phe chủ hòa và chủ chiến, mà Chu Du chính là một trong những người đứng đầu phe chủ chiến.

Chu Du tài ngang Gia Cát.

Khi ấy, Chu Du chỉ ra nhược điểm của quân địch Tôn Quyền rằng, quân Tào vốn không giỏi thủy chiến, mà mùa đông ở đây cực kỳ giá lạnh, ngựa không có cỏ ăn, binh lính đường xa mệt mỏi, cũng không thông thuộc địa hình, tất sẽ sinh bệnh, mà đây chính là điều đại kỵ trong việc dụng binh.

Ông cũng nhận định, quân Tào kỳ thực không hề đáng sợ, Chu Du chỉ cần 50 vạn quân là chắc thắng. Tôn Quyền nghe xong vô cùng cao hứng, nói rằng:

"Năm chục ngàn tinh binh một lúc khó mà có đủ. Hiện tại ta sẽ tuyển trước 30 ngàn quân, mời tướng quân dẫn trước nghênh địch".

Quân của Chu Du ít hơn nhiều, nhưng lại chiếm ưu thế về thủy chiến, còn Tào Tháo không thể qua sông nên đóng trại ở bờ bắc để huấn luyện quân. Ông ta dùng xích sắt nối thuyền lớn lại theo lối của kị binh liên hoàn mã, gọi đó là "Liên hoàn thuyền".

Vào một đêm có gió đông nam, quân Ngô dùng hỏa công đánh trại của Tào Tháo. Các thuyền chiến quân Tào bị khóa không chạy tản ra được nên đều bị thiêu rụi. Quân Tào thua to bỏ chạy.

Với đội quân chỉ vẻn vẹn khoảng 22 – 24 vạn quân đối đầu với đại quân trên 80 vạn binh lính của Tào Tháo, dù là lấy 1 chống 4 nhưng đã khiến quân địch "tan thành mây khói".

Thắng lợi oanh liệt của trận Xích Bích chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng trác việt của Chu Du, cũng chứng tỏ con mắt quân sự độc đáo và mưu lược hơn người ở ông.

Xích Bích đại chiến danh chấn Tam quốc, mang lại tiếng vang lừng lẫy cho Chu Du. Ngay cả một người gần như "bất khả chiến bại" là Tào Tháo, trước trận thua này cũng chỉ đành ngậm ngùi mà thở dài: "Ta thua không hề mất mặt".

Chỉ một câu nói này cũng đủ để chứng minh sự tán thưởng sâu sắc của Tào Tháo dành cho Chu Du.

Trong khi đó, những mưu kế của Gia Cát Lượng như "thuyền cỏ mượn tên", "mượn gió đông" lại không được ghi chép trong chính sử mà chỉ được coi như chi tiết hư cấu của tác giả La Quán Trung.

Điều này cho thấy sự ganh tị của nhân vật Chu Du dành cho Gia Cát Lượng trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng từ tác giả. Bởi trong thực tế, tài năng của Chu Du không hề thua kém Gia Cát Lượng.

Trận Xích Bích đưa tên tuổi Chu Du lưu danh sử sách.

Chu Du khí phách phi phàm, khoan dung cao thượng

Theo Tam quốc chí viết về Chu Du: “Tính tình khoáng đạt, đại lượng… là bậc kỳ tài!”. Ông đối với người bề dưới đều có lễ nghĩa, được mọi người vô cùng kính trọng. Trong cuốn sách sử Giang biểu truyện, khi kể về Chu Du còn nói rõ hơn về vấn đề này qua mối quan hệ của ông với Trình Phổ.

Trình Phổ là công thần khai quốc nước Đông Ngô, từng đi theo Tôn Kiên ra sống vào chết, lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vị lại thấp hơn nên sinh lòng đố kỵ, ghen ghét, không phục. Vì thế, Trình Phổ nhiều lần vũ nhục Chu Du nhưng Chu Du trước sau đều thủy chung khoan dung tha thứ, cung kính đối đãi Trình Phổ, nhẫn nhịn vì việc nước.

Sau nhiều lần như vậy, Trình Phổ đã sinh lòng cảm động, kính trọng Chu Du. Về sau, khi nhắc đến Chu Du, ông nói: “Dữ chu công cẩn giao, như ẩm thuần lao, bất giác tự túy”, Ý nói làm bạn với Chu Du giống như uống rượu ngon, không biết bị say lúc nào.

Có thể khiến cho công thần khai quốc Đông Ngô là Trình Phổ – một người nổi tiếng là tâm cao khí ngạo, cảm động và ngợi ca kính trọng đủ để thấy trí tuệ và sức hấp dẫn về nhân cách của Chu Du lớn thế nào. Một người như vậy, sao có thể ghen tị, đố kỵ với Gia Cát Lượng?

Tạo hình Chu Du trong phim.

Trong sử sách còn ghi chép rằng, Tào Tháo đã phái người tên là Tưởng Cán là người quen của Chu Du đến dụ dỗ ông, nhưng Tưởng Cán về báo lại với Tào Tháo rằng: “Nhã lượng cao trí, phi ngôn từ sở nhàn”, ý tứ là, Chu Du là người độ lượng, trí cao vời không từ nào có thể thuyết phục được.

Lưu Bị lúc đến Kinh Khẩu mượn Kinh Châu đã từng đàm luận với Tôn Quyền rằng Chu Du là người văn võ song toàn, bậc anh tài kiệt xuất trong thiên hạ. Ngoài ra, Chu Du từng cho Lưu Bị mượn binh, đây quả thực là một việc mà người có lòng dạ hẹp hòi không thể làm được.

Trong Dung trai tùy bút của tác giả Hồng Mại đời nhà Tống viết rằng, từ xưa đến nay tướng soái thống lĩnh có không ít người có tính cao ngạo, đố kỵ ghen ghét với người tài giỏi hơn mình. Nhưng “Tôn ngô tứ anh tương” tức Chu Du, Lỗ Túc, Lữ Mông và Lục Tốn không phải người như vậy. Chu Du tận sức tiến cử Lỗ Túc, đây là một ví dụ điển hình.

Văn nhân nổi tiếng thời nhà Tống là Tô Thức từng dành không ít vần thơ ca ngợi về Chu Du:

"Nhớ lại Công Cẩn bấy giờ,

Sánh Tiểu Kiều duyên mới,

Tư thái anh hùng.

Khăn lụa, quạt lông,

Nói cười khoan khoái,

Diệt quân Tào trong trận hỏa công".

(Trích "Niệm nô kiều – Xích Bích hoài cổ", bản dịch của Nam Trân).

Qua đó có thể thấy ít nhất ở triều đại nhà Tống, hình tượng của Chu Du vẫn là phi thường ngay chính, nhưng từ triều Nguyên thì hình tượng Chu Du bắt đầu bị bẻ cong, làm ảnh hưởng đến người đời sau, khiến họ hiểu sai về con người ông.

Video: Chu Du nhận xét về đại quân của Tào Tháo.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-su-that-dang-sau-cau-noi-troi-da-sinh-du-sao-con-sinh-luong-a422541.html