Tam quốc diễn nghĩa: Không phải Xích Bích đây mới là chiến lược là nền tảng của thế chân vạc thời Tam quốc

Long Trung đối sách là tên một chiến lược quân sự do Gia Cát Lượng đề ra, chiến lược này được coi là nền tảng để Lưu Bị đánh chiếm đất nhằm tạo thế chân vạc với hai thế lực chính thời bấy giờ là Tào Tháo và Tôn Quyền. Mục tiêu tối thượng của Long Trung đối sách là một lần nữa thống nhất Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của họ Lưu.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã mô tả rất kĩ và trung thực kế hoạch này ở hồi 38: "Long Trung quyết kế thiên hạ chia ba. Tôn thị báo thù, Trường Giang đại chiến".

Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long.

Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long.

Khi Gia Cát Lượng đang ẩn cư ở Long Trung (nay thuộc ngoại vi thành phố Tương Phàn, tỉnh Hồ Bắc). Trong lúc đó Lưu Bị đang đóng quân nhờ ở thành Tương Dương dưới quyền Lưu Biểu, thứ sử Kinh Châu. Với hy vọng củng cố quyền lực, Lưu Bị thân chinh ba lần tới Long Trung để mời Gia Cát Lượng ra làm quân sư cho mình, sự kiện này sau đó đã đi vào ngạn ngữ Trung Quốc với cái tên Tam cố thảo lư (ba lần tới lều tranh) để nói về lòng mong muốn mời một người vào vị trí quan trọng nào đó. Tới lần thứ ba, Gia Cát Lượng quyết định nhận lời mời của Lưu Bị đồng thời đưa ra bản Long Trung đối sách mà ông nghiên cứu dựa trên tình hình thời cuộc để làm nền tảng cho công cuộc xây dựng quyền lực của Lưu Bị.

Theo Tam quốc chí của Trần Thọ, Long Trung đối sách được đưa ra năm 207. Trong đó Gia Cát Lượng nhận định rằng hai thế lực lãnh chúa có quyền lực mạnh và ổn định nhất lúc này là Tào Tháo và Tôn Quyền. Tào Tháo sau khi đánh thắng Viên Thiệu, chiếm cứ toàn bộ vùng Bình nguyên Hoa Bắc đã trở thành lực lượng mạnh nhất ở Trung Quốc bấy giờ, ông ta vừa có lực lượng quân đội đông đảo, đội ngũ quân sư tài giỏi, lại được dân chúng ủng hộ và mượn được danh của thiên tử nhà Hán để chỉ huy chư hầu. Tôn Quyền lại có lợi thế về sự ổn định khi họ Tôn đã ba đời làm lãnh chúa vùng Giang Đông, vùng đất dễ thủ khó đánh nhờ có Trường Giang bao bọc. Vì vậy cách duy nhất để Lưu Bị củng cố quyền lực chỉ có thể là chiếm cứ Kinh Châu và Ích Châu. Kinh Châu hiện do Lưu Biểu, một người đã già lại không có người thừa kế thực sự tài giỏi, nắm giữ. Nếu Lưu Bị chiếm cứ được Kinh Châu thì đường vào Ba Thục sẽ rộng mở, đồng thời có lợi thế về phòng thủ vì Kinh Châu được Hán Thủy và Miện Thủy che chở. Về phần Ích Châu, đây là vùng đất do Lưu Chương, một tôn thất nhà Hán khác, nắm giữ, người này cũng không phải tay gian hùng tới mức không thể đánh bại. Hơn thế Ích Châu chính là đất khởi nghiệp của Bái Công Lưu Bang, đây là vùng đất cực kì hiểm trở, sản vật phong phú. Sau khi chiếm cứ Kinh Châu, Ích Châu, Lưu Bị chỉ còn việc ổn định lãnh thổ, xây dựng quân đội, bắc địch Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền chờ thời cơ thiên hạ có biến để tiêu diệt cả hai đối thủ chính này, thống nhất Trung Quốc.

Tam cố thảo lư.

Nói về sự kiện này thì sách Ngụy Lược viết rằng Gia Cát Lượng tự đến làm khách ở chỗ Lưu Bị, nhưng chỉ được xem như một thư sinh tầm thường. Một hôm, Gia Cát Lượng cố ý ở lại cuối cùng sau khi gia khách đã về hết, nhưng vẫn không được Lưu Bị để ý đến. Sau khi Lượng chủ động thưa chuyện với Lưu Bị thì Bị mới nhận ra tài năng, và trọng dụng Lượng. Các sử gia xem xét sự trái ngược của hai cách nói trong 2 bộ sử Tam quốc chí, Ngụy Lược và kết luận rằng: cả hai sự kiện đều có thể là đúng, với trình tự là Gia Cát Lượng sớm tự tiến cử trước, nhưng chưa thực sự được Lưu Bị coi trọng nên ông trở về. Sau đó Lưu Bị nhận ra tài năng thực thụ của Khổng Minh, hạ mình 3 lần tới lều tranh tìm gặp.

Sau khi Long Trung đối sách đưa ra được một năm thì liên quân Lưu Bị-Tôn Quyền giành thắng lợi lớn ở trận Xích Bích trước Tào Tháo, mở ra cơ hội tạo dựng địa vị cho Lưu Bị. Tới năm 215 cả Kinh Châu và Ích Châu đã rơi vào tay của Lưu Bị và tới năm 219 thì Lưu Bị một lần nữa đánh bại Tào Tháo để chiếm cứ Hán Trung, chính thức tạo ra thế chân vạc tại Trung Quốc. Tuy nhiên kết quả cuối cùng chỉ dừng lại ở sự thành lập của nhà Thục Hán, một trong ba chân kiềng của thời Tam quốc, để rồi cuối cùng bị nhà Ngụy thôn tính trước khi Trung Quốc thống nhất thời nhà Tấn.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-khong-phai-xich-bich-day-moi-la-chien-luoc-la-nen-tang-cua-the-chan-vac-thoi-tam-quoc-a467221.html