Tam quốc diễn nghĩa: Không phải Quan Vũ đây mới là người trảm mãnh tướng Hoa Hùng

Theo Tam quốc diễn nghĩa, trảm Hoa Hùng là thắng lợi đầu tay của Quan Vũ và cũng là uy chấn càn khôn đệ nhất công. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng tình tiết này là hư cấu. Thực tế Hoa Hùng do Tôn Kiên giết chết.

Hoa Hùng (? - 190) là vị tướng quân đội dưới quyền Đổng Trác sống vào cuối đời Hán trong lịch sử Trung Quốc và cũng là một nhân vật trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Hoa Hùng trong phim Tân Tam quốc diến nghĩa.

Hoa Hùng trong phim Tân Tam quốc diến nghĩa.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, ông được La Quán Trung miêu tả là mình cao 9 thước, tướng mạo oai phong, khi ông ra trận ở hồi 5 đã chém liên tiếp mấy tướng của liên quân chư hầu khiến Tôn Kiên phải rút quân. Về sau nhờ có Quan Vũ chém chết Hoa Hùng thì 18 đạo chư hầu mới tiến quân tiếp được.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng tình tiết này là hư cấu. Thực tế Hoa Hùng do Tôn Kiên giết chết, và Hoa Hùng cũng không có thành tích quân sự đáng kể, kể cả chiến công chém 2 tướng Du Thiệp, Phan Phụng cũng chỉ là hư cấu.

Ôn tửu trảm Hoa Hùng

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, điển tích "ôn tửu trảm Hoa Hùng" được cho là thuật lại chiến công đầu tay của Quan Vân Trường.

Theo tiểu thuyết, bối cảnh câu chuyện diễn ra khi 18 lộ chư hầu Quan Đông khởi binh thảo phạt gian thần Đổng Trác. Quân Quan Đông bao vây thành Lạc Dương.

Tướng quốc Bình Nguyên là Lưu Bị dẫn các tướng Quan Vũ, Trương Phi... theo cùng Thái thú Bắc Bình Công Tôn Toản.

Chư hầu cùng tiến cử Viên Thiệu làm minh chủ, Thái thú Trường Sa (một địa danh thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) Tôn Kiên làm tiên phong tới Dĩ Thủy Quan khiêu chiến.

Tướng của Đổng Trác là Kiêu kị hiệu úy Hoa Hùng tiếp chiến, đánh bại Tôn Kiên, chém đầu bộ tướng của kiên là Tổ Mậu.

Hoa Hùng khiêu chiến quân Quan Đông, trảm liên tiếp 2 tướng.

Trong lúc liên quân chư hầu bất lợi, Viên Thiệu đành than - "Tiếc rằng hai tướng Nhan Lương, Văn Xú chưa tới.

Nếu có 1 người ở đây thôi, đâu cần phải sợ Hoa Hùng?"

Lời Thiệu chưa dứt, Quan Vũ đã bước ra nói - "Tiểu tướng xin đi lấy đầu Hoa Hùng!"

Thời điểm đó, Quan Vân Trường chỉ là một "mã cung thủ" vô danh tiểu tốt, cho nên Viên Thiệu và Viên Thuật đều không bằng lòng, sợ mất mặt trước Hoa Hùng.

Trong các vị "lãnh đạo" có mặt, duy nhất Tào Tháo ủng hộ Quan Vũ xuất trận, và mời Quan Công một chén rượu.

"Rượu đã rót ra, Quan mỗ sẽ trở lại ngay!" - Quan Công nói xong cầm đao lên ngựa.

Không lâu sau đã thấy Quan Vũ đem đầu Hoa Hùng về ném dưới đất.

Quan Vũ trảm Hoa Hùng trong phim Tân Tam quốc diến nghĩa.

Chén rượu của Tào Tháo vẫn còn ấm, vì vậy mới có tích Quan Công "ôn tửu trảm Hoa Hùng".

Theo Tam quốc diễn nghĩa, trảm Hoa Hùng là thắng lợi đầu tay của Quan Vũ, và cũng là uy chấn càn khôn đệ nhất công.

Mặc dù "ôn tửu trảm Hoa Hùng" đã trở thành một điển tích vô cùng nổi tiếng đối với độc giả Tam Quốc, xong nhiều tư liệu lịch sử lại cho thấy "chiến công" của Quan Vân Trường hoàn toàn phi thực tế.

3 anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi không tham gia vào liên minh

Tháng giêng năm Sơ Bình thứ nhất (190), các quận Quan Đông khởi binh phạt Đổng Trác, tôn Thái thú Bột Hải Viên Thiệu làm minh chủ. Khi ấy, Công Tôn Toản vẫn còn ở U Châu chứ không tham gia hội sư.

Thêm vào đó, thời điểm này, Lưu Bị còn chưa về đầu quân cho Công Tôn Toản, cho thấy chi tiết Bị cùng Toản tham gia liên minh là không chính xác.

Theo các tài liệu lịch sử Trung Quốc, vào thời gian trên, Lưu Bị đang dẫn quân đánh Đốc Bưu.

Khi đại tướng quân Hà Tiến phái đô úy Khưu Nghị tới Đan Dương mộ binh, Lưu Bị mới dẫn đội quân ít ỏi của mình theo người này.

Tại Hạ Bì đụng độ giặc Hoàng Cân (khăn vàng), quân Lưu đánh trận lập công, Lưu Bị được phong chức phó quan ở Hạ Mật, sau làm Cao Đường úy, rồi Huyện lệnh Cao Đường.

Về sau Cao Đường bị giặc Hoàng Cân phá, Bị mới về đầu quân cho Trung lang tướng Công Tôn Toản và được phong làm Biệt bộ tư mã.

Thời gian Lưu Bị làm Biệt bộ tư mã không được Tam quốc chí ghi lại, nhưng sách Tư trị thông giámTục hậu Hán thư đều viết, giai đoạn này vào khoảng tháng 10 năm Sơ Bình thứ hai (191), tức gần 2 năm sau khi liên minh Quan Đông thành lập.

Căn cứ vào các mốc thời gian thực tế, khi các châu quận khởi binh đánh Đổng Trác năm 190, Lưu Bị nhiều khả năng vẫn còn làm quan ở Hạ Mật, hoặc Cao Đường, chứ không thể có mặt tại tiền tuyến Lạc Dương.

Lưu Bị không ở Lạc Dương, cho thấy Quan Vũ cũng không có khả năng xuất hiện tại Lạc Dương để... trảm Hoa Hùng.

Tôn Kiên trảm Hoa Hùng

Mãnh hổ Giang Đông Tôn Kiên mới chính là tác giả của chiến công mà Quan Vũ hưởng.

Theo một số nguồn sử liệu Trung Quốc, "Mãnh hổ Giang Đông" Tôn Kiên được cho là tác giả của chiến công mà Quan Vũ "hưởng".

Cái chết của mãnh tướng Hoa Hùng đã được lịch sử ghi lại. Nhưng nhân vật trảm Hoa Hùng không phải là Quan Vũ, mà là "Giang Đông chi hổ" Tôn Kiên.

Tôn Kiên vốn là Thái thú Trường Sa (địa danh ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), tước Ô Trình Hầu. Thời điểm chư hầu Quan Đông khởi binh, Tôn Kiên cũng từ Hồ Nam bắc tiến, hội sư với Viên Thuật tại Lỗ Dương.

Sau một thời gian củng cố lực lượng, cuối năm 190, Tôn Kiên xuất phát đánh Đổng Trác. Ông sai Trưởng sử Công Cừu Xứng đi đốc lương thảo. Trong lúc Tôn Kiên tập hợp chư tướng uống rượu tiễn Công Cừu Xứng thì Đổng Trác biết tin Tôn Kiên sắp ra quân bèn sai thái thú Đông quận là Hồ Chẩn mang quân đánh trước. Quân Hồ Chẩn đông đảo kéo đến trong lúc Tôn Kiên chưa kịp bày trận ứng phó.

Ông hạ lệnh cho thủ hạ đi thu thập quân sĩ trở về hàng ngũ, còn mình vẫn ngồi uống rượu như thường, khiến quân sĩ không hoảng hốt rối loạn. Khi quân sĩ trở về thành gần đông đủ, ông mới đứng dậy chỉ huy rút lui vào trong. Hồ Chẩn thấy quân sĩ Tôn Kiên nghiêm chỉnh nên không dám tấn công thành Lỗ Dương mà hạ lệnh rút lui.

Tôn Kiên với danh nghĩa là Thứ sử Dự châu, tập hợp binh mã các quận được 10 vạn quân kéo đến Lương Đông và tiến đánh Lạc Dương. Đổng Trác sai bộ tướng Từ Vinh ra chống cự. Thái thú Dĩnh Xuyên dưới quyền Tôn Kiên là Lý Mân giao chiến với Từ Vinh bại trận, bị bắt sống cùng nhiều quân lính và bị Từ Vinh giết chết. Quân của Tôn Kiên cũng bị bại trận nặng, ông cùng hơn 10 kỵ binh phá vây chạy ra.

Trên đường chạy bị quân Từ Vinh truy đuổi, Tôn Kiên cởi chiếc mũ đỏ trên đầu đưa cho bộ tướng Tổ Mậu đội để đánh lạc hướng địch. Quân Từ Vinh cứ theo mũ đỏ mà đuổi, trong lúc Tôn Kiên theo đường nhỏ khác chạy thoát thì Tổ Mậu cũng nghĩ ra kế tháo chiếc mũ đội lên cái cột cháy dở trước ngôi mộ, còn mình nhảy vào bụi rậm nấp. Quân Từ Vinh đuổi đến nơi chỉ thấy cái cột cháy bèn lui về.

Tam quốc diễn nghĩa kể rằng người đánh bại Tôn Kiên trận này là Hoa Hùng, còn Tổ Mậu đội mũ đỏ dụ địch cứu Tôn Kiên cũng nấp trong bụi, thấy Hoa Hùng đi tới định nhảy ra đâm nhưng không được, bị Hoa Hùng giết chết.

Tôn Kiên bại trận nhưng không nản chí. Ông thu nhặt tàn quân, đánh chiếm thành Thái Cốc và Dương Nhân ở phía nam Lạc Dương.

Đổng Trác thấy Tôn Kiên chiếm Dương Nhân, lại sai Hồ Chẩn và con nuôi là Lã Bố mang 5000 quân đi đánh. Hồ Chẩn và Lã Bố bất hòa, Hồ Chẩn nóng tính và muốn nhanh chóng lập công, tuyên bố với quân sĩ phải lập tức quét sạch Tôn Kiên, khiến các tướng dưới quyền không đồng tình.

Khi quân Hồ Chẩn còn cách vài chục dặm, quân sĩ đi xa mệt mỏi chuẩn bị nghỉ ngơi thì Lã Bố muốn phá Hồ Chẩn không cho lập công, bèn bàn rằng quân Tôn Kiên lơi lỏng nên đánh ngay. Hồ Chẩn nghe theo, bèn dẫn quân đi trong đêm, nhưng đến nơi thì Tôn Kiên đang phòng thủ rất nghiêm ngặt, không thể đánh úp. Lúc đó quân Hồ Chẩn đói khát, trong đêm không kịp đào hào phòng ngự, đang định cởi giáp ngủ thì Lã Bố lại phao tin nhảm rằng Tôn Kiên sắp kéo ra đánh úp. Quân Hồ Chẩn không phân biệt được thật giả, chạy nháo nhác, bỏ cả mũ và giáp, người ngựa rất hỗn loạn.

Tôn Kiên trong phim Tân Tam quốc diến nghĩa.

Tôn Kiên được tin báo quân địch hỗn loạn bèn mang quân ra đuổi đánh khiến Hồ Chẩn đại bại, bộ tướng của Chẩn là Hoa Hùng bị chém chết.

Trên thực tế, Hoa Hùng không có thành tích quân sự đáng kể. Tam quốc diễn nghĩa đã cường điệu tài năng của viên tướng này. Chiến công chém 2 tướng Du Thiệp, Phan Phụng cũng chỉ là hư cấu.

Có nhiều bình luận cho rằng, Tam quốc diễn nghĩa đề cao hình ảnh Hoa Hùng, mục đích không ngoài "tô điểm" cho sự lợi hại của Quan Vân Trường.

Tôn Kiên vốn là tác giả chiến công trảm Hoa Hùng, song tiểu thuyết hư cấu lại "tặng" công lao của Kiên cho Quan Vũ, quả thực là một sự bất công đối với danh tướng Giang Đông.

Tôn Kiên (155-193), tự Văn Đài, là một vị tướng quân đội tài giỏi trong lịch sử Trung Hoa đã đặt nền móng xây dựng nên nhà Đông Ngô vào thời Tam quốc. Đương thời ông là tướng nhà Hán và tham gia cuộc chiến chống quyền thần Đổng Trác.

Tôn Kiên người Phú Xuân thuộc Ngô quận. Mẹ ông là Tôn Bạch Hà (120 - 156) chết từ hồi Tôn Kiên mới 2 tuổi, cha ông là Tôn Huyền (116 - 190) vì vợ đã chết nên đã lấy Lưu Cầm Trang (136 - 211) làm người vợ kế để chăm sóc ông. Theo Tam quốc chí, ông là hậu duệ của danh tướng Tôn Vũ thời Xuân Thu và nhiều đời làm quan, tuy nhiên có ý kiến nghi ngờ về "dòng dõi Tôn Vũ" và cho rằng chỉ chắc chắn Tôn Kiên là dòng dõi thế tộc nhiều đời.

Tôn Kiên có 5 người con trai trong đó hai người nổi bật là con cả Tôn Sách và con thứ Tôn Quyền. Ngoài ra ông còn có một người con gái là Tôn Thượng Hương.

Video: Quan Vũ Trảm Hoa Hùng.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-khong-phai-quan-vu-day-moi-la-nguoi-tram-manh-tuong-hoa-hung-a434401.html