Tam quốc diễn nghĩa: Gia Cát Lượng không chỉ là nhà quân sự

Là một nhà quân sự, chính trị nổi tiếng thời Tam quốc. Gia Cát Lượng không chỉ nổi tiếng về tài thần cơ diệu toán, mà những lời mắng chửi của Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa có sức mạnh như gươm đao có thể khiến kẻ thù uất ức mà chết.

Gia Cát Lượng (181 - 234) được người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời). Ông không chỉ nổi tiếng về tài thần cơ diệu toán, mà còn có khả năng biện luận sắc sảo, ngôn từ có sức mạnh như ngàn vạn gươm đao. Khả năng “tâm lý chiến” của Gia Cát Lượng lưu truyền từ thời Tam quốc đến ngày nay càng khiến hậu thế thêm khâm phục tài trí con người này.

Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng.

Mắng Chu Du, chửi Tào Chân

Trong phim Tam quốc diễn nghĩa, để thực hiện âm mưu chiếm lại Kinh Châu, Chu Du chủ trương kế sách “mượn đường để diệt nước quắc”. Nhưng kế sách này đã bị Gia Cát Lượng dễ dàng đoán ra. Khi quân Chu Du đến, yêu cầu mở thành, thì tướng giữ thành Kinh Châu theo dặn dò của Gia Cát Lượng nói rằng kế sách “mượn đường để diệt nước quắc” đã bị Gia Cát Lượng biết trước. Tiếp theo cho tấu khúc nhạc “đắc thắng trở về” và cho quân hô: “Bắt sống Chu Du!”. Chu Du tức tối, điên tiết, vết thương cũ bị vỡ ra và ngã ngựa.

Chu Du.

Quân Ngô rút quân, khi đến ven núi, thì nghe thấy Gia Cát Lượng tấu “Trường Hà Ngâm” mà Chu Du sáng tác. Gia Cát hết lời khen ngợi sự tinh tế, chí lớn và sự tài hoa của tác giả khúc nhạc, khuyên Chu Du không nên đòi Kinh Châu mà nên hợp tác để diệt giặc Tào. Chu Du không nghe và nói rằng: “Hôm nay ta bất chấp sinh tử quyết một trận sống mái với ngươi đây”.

Thấy vậy, Gia Cát Lượng cho quân hô to nhiều lần: “Bắt sống Chu Du!”, “Bắt sống Chu Du!”, “Bắt sống Chu Du!”.

Vết thương cũ tiếp tục bị vỡ ra. Trở về Đông Ngô, Chu Du đã không qua khỏi.

Ngoài ra cũng trong Tam quốc diễn nghĩa. Sau trận thua ở Tà Cốc, Tào Chân bị ốm. Biết vậy, Gia Cát Lượng viết một bức thư gửi cho ông ta.

Tào Chân.

Trong thư, Gia Cát Lượng cười nhạo Tào Chân là đồ vô học, không biết dùng binh, liên tiếp thất bại thảm hại, còn mặt mũi nào gặp lại dân chúng Quan Đông, còn mặt mũi nào thăng đường nghị sự? Tào Chân xem xong uất ức, ngất xỉu. Ngay đêm đó tắt thở trong chướng.

Mắng chết Tư đồ Vương Lãng trước ba quân

Năm Kiến Hưng thứ năm nhà Thục Hán (dưới thời Lưu Thiện), Gia Cát Lượng cất quân Bắc phạt. Đô đốc nước Ngụy là Tào Chân cùng với quân sư là Vương Lãng bấy giờ đã 76 tuổi, đem 20 vạn quân Ngụy ra chống cự. Hai bên dàn quân, Vương Lãng sai mời Gia Cát Lượng ra trước trận nói chuyện.

Màn chào hỏi giữa Gia Cát Khổng Minh và Tư đồ Vương Lãng trước quân đội hai bên.

Vương Lãng muốn dùng 3 tấc lưỡi để dạy đời và chiêu hàng Gia Cát Lượng. Sau khi nghe Vương Lãng nói hết, Gia Cát Lượng phe phẩy quạt lông, cứng rắn đáp lời:

“Ta tưởng ông là lão thần nhà Hán. Trước ba quân tướng sĩ dâng hiến cao luận gì. Nào ngờ, ông dám thở ra những lời lẽ thô bỉ, hôi thối đến thế. Tôi có mấy lời xin chư vị lắng nghe:

Trước đây dưới thời Hoàn Đế, Linh Đế, rường cột nhà Hán rối tung, hoạn quan gây họa, giặc cướp hoành hành, bốn phương hỗn loạn. Tiếp đó, Đổng Trác, Quách Dĩnh, Lý Thôi thừa dịp nổi lên ức hiếp thiên tử, tàn hại sinh linh. Vì vậy chỗ Triều đình gỗ mục làm quan, nơi cung cấm cầm thú ăn lộc, một lũ sói lang chấp chính cầm quyền, nên xã tắc biến thành gò hoang, trăm họ dân lành điêu linh thống khổ. Trong cơn quốc nạn đó, quan tư đồ Vương Lãng đã làm gì?

Hành tung Vương Tư đồ ta còn lạ gì. Ông ra đời ven bờ Đông Hải, lấy danh nghĩa ‘hiếu liêm’ mà bước lên chốn quan trường. Là bề tôi nhà Hán, đáng lẽ ông phải góp sức yên dân, khôi phục chính thống, dựng lại họ Lưu. Nhưng không, ông đã hùa theo nghịch tặc, đồng mưu cướp ngôi, tội ác chất chồng, trời đất không dung”.

Vương Lãng nghẹn lời: “Tên thôn phu Gia Cát Lượng mi dám…”.

Gia Cát Lượng thấy kế tâm lý chiến của mình quả thực đã phát huy tác dụng đúng như ý, bèn bồi tiếp:

“Câm ngay! Tên giặc già vô liêm sỉ. Ngươi không biết muôn dân khắp bốn cõi đang muốn xé xác, moi gan mi sao còn múa mép. Chiêu Liệt hoàng đế ta nối dựng đại Thục ở Tây Xuyên. Nay ta vâng chiếu chỉ tự quân xuất nghĩa phạt tặc. Kẻ đớn hèn, xu nịnh như mi như rùa rụt cổ khom lưng cầu xin bát cơm thừa, manh áo cũ cho xong sao còn dám ra trước hàng quân mà nói năng càn rỡ, đổ tại số trời. Tên thất phu đầu bạc, tên giặc già râu trắng kia. Nay mai dưới suối vàng mi còn mặt mũi nào mà thấy 24 tiên đế nhà Hán ta. Tên nghịch tặc nhục nhã, mi sống uổng 76 năm trời, mồm nói Thuấn, Nghiêu mà bán mình cho Tào Tháo. Mi không biết thân phận khuyển ưng mà ra trước hàng quân nói năng càn rỡ. Xưa nay ta chưa thấy ai mặt dày vô liêm sỉ như ngươi!”.

Tư đồ Vương Lãng không chịu nổi những lời mắng nhiếc của Gia Cát Lượng, đã tức khí mà chết.

Nói tới đây, Vương Lãng uất giận, hú lên một tiếng mà ngã đột tử dưới chân ngựa. Tất thảy ba quân đều kinh hãi, tướng Ngụy là Tào Chân thất kinh, còn Gia Cát Lượng thì ngồi xuống, nở một nụ cười nhẹ nhàng, tay khuơ quạt nhìn kết quả.

Vương Lãng là lão thần 2 triều (Hán - Ngụy). Đây là “điểm chết” của ông, đi ngược lại câu: “Tôi trung không thờ hai chủ”, thực sự là kẻ bất trung! Mặc dù rất nhiều người đều hiểu: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”. Thế nhưng, trên chiến trường để đạt được mục đích của mình, Khổng Minh đã cố tình bỏ qua điều đó, chỉ tập trung vào chữ “Trung” mà thôi. Vương Lãng là một lão thần 76 tuổi già nua, sức khỏe không đảm bảo nếu như bị kích động thái quá. Gia Cát Lượng không cần đọ sức bằng võ lực, chỉ cần dùng đòn tâm lý là đủ.

Thổi bay 15 vạn quân Tào chỉ bằng một tiếng đàn

Trong cuộc Bắc phạt lần đầu, Mã Tốc làm mất Nhai Đình, đường vận lương cung ứng cho quân đội bị cắt khiến Gia Cát Lượng đành ra lệnh rút quân. Trước khi rút, ông ra Tây Thành để vận chuyển nốt 20 vạn thạch lương còn lại. Binh sỹ đi theo ngoài bộ tướng Khương Duy với 300 giáp sĩ hộ vệ chỉ còn lại 2000 binh sỹ già yếu.

Vận lương Tây Thành chưa xong, Tư Mã Ý đột nhiên kéo đại binh đến. Khói bụi mù trời, Khương Duy kiến nghị nhanh chóng rời bỏ Tây Thành tháo chạy về Thục. Nhưng Gia Cát Lượng cho rằng chạy tất chết không thể nào thoát khỏi thiết kỵ của Tư Mã Ý được.

Gia Cát Lượng quyết định đánh cược một phen với trời về số phận của chính mình. Quân Thục mở tung cổng thành, cắt mấy chục lính làm dân phu, lùa súc vật đi ăn cỏ, và quét cổng thành cho sạch sẽ gọn gàng, bản thân Gia Cát Lượng ôm đàn lên lầu độc tấu thất huyền cầm chống hùng binh Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy phong cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn một lúc, rồi hạ lệnh đổi tiền quân làm hậu quân nhanh chóng tháo lui.

Thực ra Tư Mã Ý sợ có quân mai phục trong thành chỉ là một lý do. Nguyên nhân đằng sau là Tư Mã Ý hiểu chỉ khi Gia Cát Lượng còn thì mình cũng mới bình an vô sự. Một khi Gia Cát Lượng không còn, Tư Mã Ý cũng sớm bị hoàng đế nước Ngụy trừ bỏ.

Tư Mã Ý.

Cũng giống như Hàn Tín xưa kia vậy, lấy một nửa giang sơn cho nhà Hán, xong bị Lữ Hậu giết chết. Phạm Lãi và Văn Chủng sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt vua Ngô Phù Sai thì cũng bị giết, chỉ duy có Phạm Lãi hiểu ý này nên đã mai danh ẩn tích nên bảo toàn được mạng sống.

Săn được thỏ thì giết chó, bắt được cá thì vứt giỏ, khi đại nghiệp thành, chiến tranh qua đi, tất mưu sĩ và đại tướng sẽ bị hại, đó là lẽ thường trong lịch sử. Với Gia Cát Lượng mà nói, đây cũng là một kiểu ‘chiến tranh tâm lý’ cực kỳ đặc biệt. Người ta nói, tiếng đàn của Gia Cát Lượng có sức mạnh của chục vạn hùng binh là như vậy.

Tiếng đàn đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình như một loại “vũ khí” lợi hại, xưa nay ít thấy. Chỉ có các bậc cao nhân mới có thể sử dụng chúng và đối thủ cũng nhất định là phải ở cùng một cảnh giới thật cao mới có thể hiểu nổi.

Quốc Tiệp

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-gia-cat-luong-khong-chi-la-nha-quan-su-a416017.html