Tam Quốc Diễn Nghĩa: Danh tướng văn võ song toàn, phò tá 3 đời Tào Ngụy nhưng lại bị lãng quên

Do số lượng nhân tài quá đông mà một số danh tướng của nhà Tào Ngụy bị tiểu thuyết lãng quên một cách đáng tiếc.

Vào giai đoạn Tam Quốc phân tranh, Tào Ngụy luôn được xem là thế lực hùng mạnh nhất. Không chỉ đất rộng quân đông, mà nhân tài văn võ cũng tề tựu vô số. Võ có thể kể đến Điển Vi, Hứa Chử, Trương Liêu, Trương Cáp, Từ Hoảng, Tào Nhân, Tào Hồng, Hạ Hầu Đôn... Văn có thể kể đến Tuân Úc, Tuân Du, Quách Gia, Giả Hủ, Trình Dục,...

Do số lượng nhân tài quá đông mà một số danh tướng của nhà Tào Ngụy bị tiểu thuyết lãng quên một cách đáng tiếc và Giả Quỳ là một trong số đó.

Giả Quỳ (174 - 228), tự là Lương Đạo, người huyện Tương Lăng, quận Hà Đông, tướng lĩnh cuối thời Đông Hán và là một trong những khai quốc công thần nhà Tào Ngụy.

Giả Quỳ bắt đầu phục vụ cho Tào Tháo vào năm 206 nhưng chỉ làm Lại trong quận, giữ chức Giáng Ấp trưởng.

Năm 211, Tào Tháo xuất quân đánh Mã Siêu đến quận Hoằng Nông, nói: "Đây là nơi trọng yếu của tây đạo". Giả Quỳ được gọi đến để hỏi han công việc, Tào Tháo rất hài lòng về ông, nói với tả hữu rằng: "Giả sử những người nhận lương bổng hai ngàn thạch đều như Giả Quỳ, ta còn lo gì?".

Sau khi Tào Tháo phát binh, Giả Quỳ ngờ Đồn điền đô úy che giấu dân bỏ trốn. Đô úy cho rằng mình không thuộc quận nên nói năng không thuận tai. Giả Quỳ tức giận bắt ông ta và luận tội, rồi cho người đánh gãy chân người này nên bị miễn quan. Tuy nhiên, Tào Tháo lại rất ưa thích tài năng của Giả Quỳ nên cho rằng ông vô tôi, phong làm Thừa tướng chủ bộ.

Năm 214, Tôn Quyền công phá Hoản Thành, bắt sống Thái thú Lư Giang là Chu Quang. Tào Tháo biết tin, muốn xuất binh phạt Ngô nhưng gặp đúng mùa mưa, tướng sĩ ba quân đều không muốn động binh.

Tào Tháo biết vậy, sợ có người can gián, nên hạ lệnh ai can sẽ bị giết. Giả Quỳ nghe lệnh liền cùng 3 chủ bộ soạn một bản thảo can gián. Tào Tháo tức giận, hỏi ai là người cầm đầu, Giả Quỳ thừa nhận, bị Tào Tháo tống giam vào ngục.

Quản ngục lại biết Giả Quỳ làm Chủ bộ, không vội gông lại. Giả Quỳ nói rằng: "Mau gông ta lại. Chủ công sẽ ngờ ta dựa vào chức vụ gần gũi mà đòi sự nương nhẹ của các ngươi, nay sắp sai người đến dò xét ta đấy". Giả Quỳ vừa bị gông lại xong, thì Tào Tháo quả nhiên sai người vào ngục giám sát tình hình của ông. Sau đó Tào Tháo cho Giả Quỳ được phục nguyên chức.

Năm 219, Giả Quỳ cùng Tào Tháo đi xem xét địa hình Tà Cốc, nhằm chuẩn bị cho trận chiến với Lưu Bị ở Hán Trung. Trên đường gặp Thủy hành đô úy, áp giải vài mươi xe tù, Giả Quỳ cho rằng việc quân đang gấp, liền xử tội một tên trọng phạm, còn lại đều tha đi. Tào Tháo hài lòng, phong ông làm Gián nghị đại phu, cùng Hạ Hầu Thượng coi sổ sách quân đội.

Năm 220, Tào Tháo qua đời tại Lạc Dương. Giả Quỳ với thân phận Gián nghị đại phu phụ trách tang lễ.

Đáng chú ý, khi đó trưởng tử Tào Phi chưa đến, thứ tử là Việt kị Tướng quân Tào Chương có mặt ở Lạc Dương sớm nhất, tỏ rõ ý quan tâm đến quyền thừa kế vương vị.

Tào Chương hỏi Giả Quỳ: "Ấn của Ngụy Vương ở đâu?". Già Quỳ nghiêm nghị đáp: "Thái tử ở Nghiệp, nước có người nối dõi. Ấn của tiên vương, không phải thứ mà quân hầu nên hỏi". Tào Chương nghe xong không dám tranh luận một lời. Sau đó, Giả Quỳ cùng văn võ bá quan đưa di thể Tào Tháo về Nghiệp Thành, để Tào Phi chủ tang, đồng thời kế thừa chức Ngụy Vương kiêm Thừa tướng nhà Hán.

Có thể thấy rõ ràng rằng sau khi Tào Tháo qua đời, đã có dấu hiệu của việc tranh quyền đoạt vị. Nhờ có Giả Quỳ mà việc nhà của họ Tào mới được yên ổn, tránh được một trận nội chiến phát sinh.

Tào Phi sau khi nối ngôi Ngụy Vương, phong Giả Quỳ làm Nghiệp Thành huyện lệnh, rồi thăng làm Thái thụ Ngụy quận, chẳng bao lâu sau thì được làm đến Thứ sử Dự Châu.

Phía nam Dự Châu giáp với Đông Ngô, Giả Quỳ tra xét rõ, sửa sang giáp binh, sẵn sàng cho chiến tranh, khiến kẻ địch không dám xâm phạm. Ngoài tăng cường quân đội, Giả Quỳ còn tăng cường trị lý, trông coi việc dân, xẻ núi khơi dòng, thông suốt hơn 200 dặm ngòi, gọi là ngòi Giả Hầu.

Năm 222, Giả Quỳ cùng với Chinh đông đại tướng quân Tào Hưu tấn công Đông Ngô, đánh bại đội quân của Lỹ Phạm ở Động Phố. Sau chiến sự, Giả Quỳ được tiến phong Dương lý đình hầu, Kiến uy tướng quân.

Năm 227, Tào Văn Đế Tào Phi qua đời, Tào Minh Đế Tào Duệ nối ngôi, Giả Quỳ được tăng ấp 200, cộng với trước đây là 400 hộ.

Năm 228, Thái thú Phàn Dương là Chu Phường nghe theo chủ ý của Tôn Quyền, giả vờ hàng Ngụy, liên lạc với Tào Hưu đưa quân tiếp nhận Phàn Dương. Tào Hưu trúng kế, đưa 10 vạn quân đi tiếp ứng Chu Phường.

Khi Tào Hưu tiến quân đến Thạch Đình, thì rơi vào thế trận thập diện mai phục của Lục Tốn, không còn đường lui.

Giả Quỳ trước đó đã đoán được quân Tào Hưu vào sâu ắt bại nên sắp đặt chư tướng, thủy lục cùng tiến để chi viện. Sau khi biết được đại quân của Tào Hưu bị vây ép ở Thạch Đình. Giả Quỳ nói: "Giặc cho rằng quân ta không có hậu viện, nay nếu gặp quân ta ắt sẽ bỏ chạy".

Giả Quỳ bèn chia 2 đường cùng tiến, bày nhiều cờ trống làm nghi binh, quân Ngô gặp quân của Quỳ quả thực rút lui, rồi đem binh - lương của mình giúp Tào Hưu chấn hưng lại cánh quân, an toàn rút lui.

Do đó, có thể nói Giả Quỳ là một nhân tài văn võ song toàn, không chỉ giỏi trị lý mà còn thạo dùng binh.

Tuy nhiên, cũng vào năm 228, Giả Quỳ lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 55 tuổi, được ban thụy Túc hầu. Giả Quỳ cả đời tận trung với Tào Ngụy, trước khi mất nói với tả hữu rằng: "Ta nhận ơn hậu hĩnh của đất nước, hận không chém được Tôn Quyền để xuống gặp tiên đế. Việc tang không được làm gì to tát".

Người dân Dự Châu tiếc thương Giả Quỳ nên khắc đá lập đền thờ. Các vua Tào Duệ và Tào Mao trong những lần đi đánh Đông Ngô, hành quân qua Dự Châu, đều đến viếng đền thờ Giả Quỳ.

Hoa Vũ (Theo Sohu)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/tam-quoc-dien-nghia-danh-tuong-van-vo-song-toan-pho-ta-3-doi-tao-nguy-nhung-lai-bi-lang-quen-a348776.html