Tam quốc diễn nghĩa: Chân dung cao thủ dùng thương giỏi nhất miền Bắc Trung Quốc thời đầu Tam quốc

Không chỉ có Triệu Vân thời Tam quốc còn có nhiều nhân vật dùng thương rất là điêu luyện trong số đó phải kể đến Trương Tú, người được mệnh danh là 'Thương Vương đất Bắc'.

Thời kì Tam quốc là thời kì loạn thế nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc và cũng là thời đại cho ra đời rất nhiều nhân vật được hậu thế mến mộ, trong đó, được nhiều người say sưa bàn luận nhất có lẽ là các mãnh tướng tung hoành ngang dọc trên sa trường.

Các mãnh tướng được biết tới nhiều nhất là Lã Bố, Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi hay Điển Vi.... đây đều là những vị tướng vô cùng dũng mãnh, thông qua tiểu thuyết diễn nghĩa và nghệ thuật dân gian, ai nấy cũng đều trở thành võ thần. Tuy nhiên, bên cạnh những nhân vật tiếng đó, còn tồn tại rất nhiều những cao thủ giấu mình mà nhiều người không biết tới, điển hình như Trương Tú.

Triệu Vân là một trong những cao thủ số một về dùng thương thời Tam Quốc.

Triệu Vân là một trong những cao thủ số một về dùng thương thời Tam Quốc.

Nói về dùng thương thời Tam quốc thì khó mà có thể tìm được ai qua mặt được Triệu Vân. Tuy nhiên, Trương Tú lại mới là người được mệnh danh là "Thương Vương đất Bắc" (tức người dùng thương giỏi nhất miền Bắc Trung Quốc thời bấy giờ), có lẽ do Trương Tú từng trấn thủ một vùng đất của miền Bắc và sau này lại đi theo Tào Tháo thống nhất miền Bắc Trung Quốc thời Tam quốc, nên có được danh xưng như vậy.

Về võ nghệ, trong trận Uyển Thành, Trương Tú từng tước được thương của đệ nhất mãnh tướng bên cạnh Tào Tháo, Điển Vi, chỉ dựa vào điểm này thôi cũng có thể thấy được sự lợi hại của Trương Tú.

Trương Tú trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung bắt đầu được nhắc tới tại hồi 16 khi quy hàng rồi trở mặt đánh Tào Tháo vì vụ thím ông Châu Thị bị ép làm thiếp.

Theo sử liệu, Trương Tú (?-207) là tướng lĩnh quân phiệt thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là cháu gọi Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế bằng chú. Trương Tế là bộ tướng của quyền thần Đổng Trác thời Hán Thiếu Đế và Hán Hiến Đế.

Trương Tú được mệnh danh là "Thương Vương đất Bắc". (Ảnh minh họa).

Sau khi Đổng Trác bị giết năm 192, Trương Tế cùng các bộ tướng khác của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ và Phàn Trù mang quân đánh vào Trường An, lại nắm vua Hiến Đế, thao túng triều đình như Đổng Trác trước đây. Trương Tú theo chú tham gia chiến trận, được phong làm Kiến trung tướng quân và tước Tuyên Uy hầu.

Năm 196, Tào Tháo đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương. Lực lượng của Lý Thôi, Quách Dĩ suy yếu và tan rã vì tàn sát lẫn nhau. Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế không tham gia hỗn chiến nhưng không dựa được vào Lý, Quách như trước. Vì hết lương, Trương Tế phải dẫn quân đi về phía nam. Trương Tú cùng chú mang quân thâm nhập Tương Thành thuộc quận Nam Dương, Kinh Châu - địa hạt của Lưu Biểu. Trương Tế giao tranh với quân Kinh Châu, bị trúng tên tử trận. Trương Tú tiếp quản quân đội của chú. Biết Lưu Biểu có thiện chí, không có ý đối địch, Trương Tú bèn sai sứ sang liên minh, cùng nương tựa.

Ông được Giả Hủ - mưu sĩ cũ của Lý Thôi - từ Trường An đến theo, từ đó có người bày mưu kế. Giả Hủ tìm đến Trương Tú vì ông chưa có mưu sĩ và Giả Hủ tiên liệu ông sẽ nghe theo những điều mình khuyên.

Đối đầu với Tào Tháo

Đầu năm 197, Tào Tháo đích thân mang quân tấn công Uyển Thành (Nam Dương). Trương Tú liệu thế không chống nổi nên đầu hàng. Tào Tháo vui mừng triệu tập các tướng của Trương Tú đến uống rượu. Trong tiệc, Tào Tháo đi mời rượu, mãnh tướng Điển Vi đi cầm rìu lớn đằng sau, uy hiếp mọi người, vì vậy không ai dám ngẩng mặt nhìn ông.

Tào Tháo đích thân dẫn quân đánh Trương Tú.

Được hơn 10 ngày, Trương Tú bất mãn với Tào Tháo bèn bất ngờ dấy binh làm phản, tập kích doanh trại Tào. Sự việc quá đột ngột, ông không kịp trở tay. Quân Trương Tú sấn đến trại, lúc đó Điển Vi khỏe mạnh một mình trấn giữ, giết rất nhiều quân của Tú. Nhờ Điển Vi chẹn cửa trước nên Tào Tháo dẫn khinh kỵ bỏ chạy thoát bằng cửa sau. Điển Vi cuối cùng bị quân Trương Tú giết chết, con cả Tào Tháo là Tào Ngang cùng cháu là Tào An Dân cũng bị chết trong loạn quân. Tào Tháo lui quân về Vũ Âm rồi về Hứa Xương.

Cuối năm 197, Tào Tháo lại ra quân đánh Nam Dương lần thứ 2. Trương Tú thế yếu không địch nổi, dẫn quân chạy về Nhương Thành. Vì Tào Tháo bận đối phó với Lã Bố và Viên Thuật nên phải dẫn quân trở về Hứa Xương.

Nhờ có vai trò tác hợp của Giả Hủ, Trương Tú có được sự liên minh chặt chẽ với Lưu Biểu, được Lưu Biểu giúp lương thực.

Tháng 3/198, Tào Tháo ra quân lần thứ 3 đánh Trương Tú. Trương Tú cầu cứu Lưu Biểu, Lưu Biểu ra quân phối hợp, hai bên giao chiến ở Nhương Thành. Hai cánh quân Lưu Biểu và Trương Tú hợp sức đánh lui được quân Tào.

Thấy quân Tào bại trận, Trương Tú bèn mang quân đuổi, dù Giả Hủ can không nên vì quân Tào có phòng bị. Ông không nghe theo, bị hậu quân Tào đánh bại. Trương Tú dẫn quân trở về. Giả Hủ lại khuyên nên đuổi theo, Trương Tú nghi hoặc nhưng vẫn nghe theo, thu tàn binh truy kích quân Tào. Kết quả quân Tào sau một trận thắng không cảnh giác nữa, bị Trương Tú đánh thua to.

Quy hàng Tào Tháo

Năm 199, hai quân phiệt lớn Viên Thiệu và Tào Tháo bắt đầu giao tranh để giành quyền bá chủ phương bắc. Cả Viên Thiệu và Tào Tháo đều sai sứ đến dụ Trương Tú. Ông không quyết định được bèn hỏi Giả Hủ. Giả Hủ khuyên ông nên theo Tào Tháo.

Tranh vẽ Trương Tú của một danh họa đời nhà Thanh. (Ảnh: Wikipedia).

Trong lúc Trương Tú vẫn do dự, Giả Hủ tự mình đi ra nói với sứ giả của Viên Thiệu tỏ ý cự tuyệt. Sau khi nghe Giả Hủ phân tích tình thế: Tào Tháo có danh nghĩa vua Hiến Đế, và đang ở thế yếu hơn nên quý trọng người đến hàng hơn, còn Viên Thiệu không có danh chính lại mạnh nên không coi trọng người đến quy phục. Trương Tú nghe theo Giả Hủ, mang quân đến xin quy phục Tào Tháo. Tào Tháo không nhắc tới chuyện xung đột trước đây, thu nhận ông đầu hàng, đúng như dự liệu của Giả Hủ.

Trương Tú được Tào Tháo ban chức Dương Vũ tướng quân, phong là Liệt hầu. Sau đó Tào Tháo còn kết thông gia với ông, cho con trai là Tào Quân lấy con gái ông. Còn Giả Hủ từ đó trở thành mưu sĩ của Tào Tháo.

Trương Tú phục vụ dưới trướng Tào Tháo. Năm 200, Trương Tú theo Tào Tháo đánh trận Quan Độ, tham gia phá Viên Thiệu một trận lớn. Nhờ lập công, Trương Tú được phong làm Phá Khương tướng quân. Sau đó ông tiếp tục đi theo Tào Tháo đánh Hà Bắc của họ Viên. Tào Tháo thắng thế, truy kích họ Viên lên phía đông bắc.

Năm 207, hai con Viên Thiệu là Viên Hy và Viên Thượng chạy lên phía bắc theo Ô Hoàn. Tào Tháo mang quân đi đánh Ô Hoàn. Giữa đường đi đánh Ô Hoàn thì Trương Tú chết về sau Tào Tháo truy tặng ông làm Định hầu.

Thời đại Tam quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán.

Trước đó, phần "không chính thức" của giai đoạn này, từ năm 190 đến năm 220, được đánh dấu bởi sự hỗn loạn của các cuộc giao tranh giữa các phe phái trong rất nhiều khu vực của Trung Hoa, như các cuộc giao tranh của Tào Tháo, anh em Viên Thiệu - Viên Thuật, Tôn Kiên, Lưu Biểu, Lưu Bị, Đổng Trác, Lã Bố, quân Khăn Vàng... phần giữa của giai đoạn này, từ năm 220 đến năm 263, được đánh dấu bằng sự giao tranh quân sự và ngoại giao của ba quốc gia thù nghịch còn lại là Ngụy, Thục và Ngô. Phần cuối cùng của thời kỳ này được đánh dấu bằng việc Ngụy tiêu diệt Thục năm 263, nhà Tây Tấn thay thế Ngụy năm 266, và tiêu diệt Ngô năm 280.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tam-quoc-dien-nghia-chan-dung-cao-thu-dung-thuong-gioi-nhat-mien-bac-trung-quoc-thoi-dau-tam-quoc-a467589.html