Tam Quốc: 10 cao thủ dùng thương lợi hại nhất, Triệu Vân chỉ xếp thứ 2

Tuy chưa từng thất bại khi đối đầu với các danh tướng, nhưng khả năng dùng thương của Triệu Vân lại không phải đệ nhất cao thủ thời Tam Quốc.

Thời kỳ Tam Quốc loạn chiến, mãnh tướng xuất hiện nhiều không đếm xuể. Do tính chất quần chiến giữa thiên binh vạn mã, đa số các mãnh tướng đều lựa chọn vũ khí có độ sát thương xa và rộng. Đặc biệt phải kể đến trường đao của Quan Vũ, hay trường thương trong tay Triệu Vân. Tuy nhiên, khả năng dùng thương của Triệu Vân lại không phải đệ nhất cao thủ.

Chúng ta hãy cùng điểm xem 10 đại cao thủ dùng thương thời Tam Quốc là ai?

Top 10: Hạ Hầu Đôn

Hậ Hầu Đôn là hậu duệ đời thứ 4 của Tây Hán khai quốc nguyên huân Hạ Hầu Anh, người phục vụ cho hoàng đế Cao Tổ Lưu Bang. Khi Tào Tháo khởi binh, Hạ Hầu Đôn là một trong những tướng lính gia nhập sớm nhất.

Trong một trận chiến vào năm 198, Hạ Hầu Đôn bị Tào Tính bắn trúng mắt, đã rút tên nuốt con ngươi và làm đối phương khiếp sợ, cùng từ đó mà ông có biệt danh "Hạ Hầu Mù".

Hạ Hầu Đôn như một người thân cận và đáng tin cậy của Tào Tháo. Điển hình: Tào Tháo đã để cho ông đi cùng xe, ngồi ăn cùng bàn, cho phép ông đi ra vào nhà ở của Tào Tháo mà không cần phải xin phép.

Sau khi Tào Tháo chết vào năm 220, Tào Phi đã phong chức Đại tướng quân cho Hạ Hầu Đôn, nhưng chỉ 3 tháng sau ông qua đời vì bệnh. Đích thân Tào Phi khi đó đã khoác lên người áo trắng, đến Nghiệp Thành để phát tang.

Top 9: Trương Cáp

Trương Cáp ban đầu là bộ hạ của Hàn Phức, sau khi Viên Thiệu đoạt Kí Châu thì dẫn binh quy hàng, được làm Hiệu Úy. Vì có lập công phá Công Tôn Toản mà được phong làm Ninh Quốc Trung Lang tướng. Trương Cáp sau quy hàng Tào Tháo trong trận Quan Độ.

Đi theo Tào Tháo, Trương Cáp như cá gặp nước, khi liên tiếp lập công khi đánh Ô Hoàn, phá Mã Siêu, khuyên hàng Trương Lỗ, rồi tiếp tục cùng Đô Hộ tướng Hạ Hầu Uyên trấn thủ Hán Trung.

Năm 219, Hạ Hầu Uyên tử trận trong lúc nghênh chiến Lưu Bị ở Định Quân Sơn. Uyên tuy làm Đô đốc nhưng Lưu Bị sợ Cáp mà coi thường Uyên. Lúc giết Uyên, Bị nói: "Kẻ ấy đáng được làm đầu sỏ, dùng người như thế sao làm gì được ta".

Top 8: Gia Cát Thượng

Gia Cát Thượng là con trưởng của Gia Cát Chiêm, cháu nội của Gia Cát Lượng. Từ nhỏ đọc nhiều binh thư, tinh thông võ nghệ, nghe nói thương pháp của Thượng được đích thân Triệu Vân truyền thụ.

Năm 263, quân Ngụy do Chung Hội, Đặng Ngải chỉ huy quy mô lớn tiến công. Đặng Ngải dẫn một đạo quân lẻn qua đường núi Âm Bình, mưu đánh úp Thành Đô. Gia Cát Chiêm dẫn binh nghênh chiến, 2 lần rơi vào mai phục của Ngải và tử trận. Gia Cát Thượng thấy thế, than rằng: "Cha con ta chịu ơn nặng của quốc gia, chẳng sớm chém Hoàng Hạo, để sau cùng phải bại vong, còn sống để làm gì" rồi lao vào quân Ngụy, liều mình chiến tử.

Top 7: Văn Xú

Văn Xú là tướng lĩnh dưới trướng Viên Thiệu, có uy danh, dũng quán tam quân. Khi Công Tôn Toản dẫn quân đánh Viên Thiệu, Văn Xú nhận lệnh ứng chiến, chưa đến mười hiệp, Toản thua chạy. Xú đuổi theo, gặp bốn tướng cản đường, đâm chết một người, ba người khác bỏ chạy. Toản ngã ngựa, sắp bị Xú đâm chết thì bị một tướng lĩnh trẻ tuổi tên là Triệu Vân ngăn lại. Xú với Vân giao chiến 50, 60 hiệp, chưa phân thắng bại.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, hồi Tào Tháo và Viên Thiệu giao chiến, Văn Xú từng đánh lui Trương Liêu và Từ Hoảng, chỉ đến khi Quan Vũ xuất chiến, Văn Xú mới bị đánh bại và mất mạng.

Top 6: Thái Sử Từ

Thái Sử Từ lúc trẻ đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, có chí lớn. Ông từng đánh nhau dữ dội với Tôn Sách cả 1 ngày. Sách tóm được yên ngựa, lột được áo bào củab Từ, còn mũi thương của Từ cũng đánh rơi mũ của Sách. Chỉ đến khi quân sĩ hai bên cùng kéo đến, hai người mới buông nhau ra.

Sau này, Thái Sử Từ dẫn quân đánh Ngụy ở Hợp Phì, chỉ tiếc kế sách "trong ứng ngoài hợp" của ông bị Trương Liêu nhìn thấu phá giải. Thái Sử Từ trong trận chiến này cũng bị trúng tên. Sau đó không lâu thì lâm trọng bệnh qua đời.

Top 5: Tôn Sách

Tôn Sách là con trưởng của Tôn Kiên, anh trai của Tôn Quyền. Để kế thừa di nghiệp của phụ thân mà phải đầu hàng Viên Thuật. Sau với sự giúp đỡ của Trương Chiêu và Chu Du, Tôn Sách đã có thể thiết lập nền tảng cho sự ra đời sau này của nhà Đông Ngô.

Tôn Sách có dũng có mưu, hiên ngang bột phát, lại quân kỷ nghiêm minh nên nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Năm 196, ông dẫn quân đánh Hội Kê Vương Lãng và đội quân thổ phỉ của Nghiêm Bạch Hổ ở Ngô Quận. Đến năm 199, Tôn Sách đã hoàn toàn làm chủ được Giang Đông, khi đó ông mới 25 tuổi.

Top 4: Mã Siêu

Mã Siêu được cho là hậu duệ của tướng Mã Viện nhà Đông Hán, võ dũng hơn người, có biệt danh là "Cẩm Mã Siêu".

Mã Siêu tham gia chiến trường khi mới 17 tuổi, liên tiếp giết chết bộ hạ của Đổng Trác là Vương Phương và Lý Mông.

Sau này Mã Siêu liên minh với Hàn Toại khởi binh phản Tào, tại Đổng Quan hạ gục liên tiếp nhiều tướng lĩnh, khiến Tào Tháo 2 lần suýt mất mạng mà phải thốt lên rằng: "Mã nhi không chết, ta không còn đất chôn thân".

Khi Lưu Bị vào Xuyên, Mã Siêu đã bỏ Trương Lỗ rồi dẫn quân quy hàng. Sau cùng Lưu Bị tham gia đại chiến Hán Trung, được phong làm Bình Tây tướng quân và xếp vào hàng Ngũ Hôt tướng nhà Thục Hán.

Top 3: Văn Ương

Văn Ương là con thứ (không rõ bao nhiêu) của Dương Châu thứ sử, Tiền tướng quân Văn Khâm nhà Ngụy, cùng cha giữ Dương Châu chống lại quân Ngô.

Năm 255, Trấn Đông đại tướng quân Vô Khâu Kiệm cùng Văn Khâm khởi binh thảo phạt Tư Mã Sư. Văn Ương khi đó mới 18 tuổi, dũng quán ba quân, cùng Văn Khâm đột kích doanh trại Tư Mã Sư lúc đêm tối. Tư Mã Sư khi đó đang mắc bệnh, mới cắt bướu trên mắt, nay kinh sợ đến nỗi vết thương vỡ ra.

Văn Ương đưa hơn 10 kỵ binh xông vào quân Ngụy, tuy nhiên mãi không thấy quan của cha mình đến nên đành rút lui. Truy binh của Tư Mã Sư đuổi đến, Ương đơn thương độc mã đón đánh, giết hơn trăm người, khiến quân Ngụy không dám đến gần.

Top 2: Triệu Vân

Triệu Vân xuất hiện lần đầu trong lần đại chiến với Văn Xú, giải cứu Công Tôn Toản, từng giao đấu với rất nhiều danh tướng Tam Quốc và gần như chưa từng thất bại.

Kinh điển nhất chính là lần Triệu Vân một mình một ngựa, xông vào giữa đại quân Tào cứu Ấu chúa. Tại sự kiện Gia Cát Lượng sang Ngô phúng viếng Chu Du, chỉ 1 mình Triệu Vân xuất hiện đã khiến tướng Ngô không ai dám động đến Gia Cát Lượng.

Đến thời Lưu Thiện, Triệu Vân đảm nhận trọng trách trấn thủ ải Dương Bình, đến hơn 70 tuổi vẫn làm tiên phong nhà Thục Hán.

Top 1: Trương Phi

Chỉ có Trương Phi cùng với Quan Vũ được xưng là "vạn nhân địch". Khi Lưu Bị bại trận phải rút lui khỏi Trường Bản, Trương Phi chỉ cần 20 kỵ binh chặn hậu đã khiến Tào quân không dám tiến gần.

Trương Phi từng nhiều lần chủ động khiêu chiến với đệ nhất Tam Quốc Lữ Bố, là một trong 2 tướng đã từng đơn độc giao chiến với Lã Bố mà chưa bị thua chạy hoặc bị giết.

Trong Tam Quốc Chí từng viết "trừ Trương Phi, đệ nhất đường thương", có thể thấy Trương Phi chính là cao thủ dùng thương lợi hại nhất Tam Quốc.

Hoa Vũ (Theo Sohu)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giai-tri/tam-quoc-10-cao-thu-dung-thuong-loi-hai-nhat-trieu-van-chi-xep-thu-2-a321749.html