Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ?

Mặc dù trong quá trình sống, cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ vitamin và khoáng chất nhưng nếu không được cung cấp đầy đủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ cho trẻ em.

Thiếu vitamin và khoáng chất, điều gì sẽ xảy ra?

Từ ngày có con, cuộc sống của cha mẹ luôn xoay quanh thiên thần nhỏ. Tất cả các vấn đề xung quanh con đều khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Con sụt sịt, ho nhẹ cũng khiến cả nhà muộn phiền. Con biếng ăn, hay ốm vặt càng là câu chuyện "nan giải" đi tìm lời giải đáp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu vitamin và khoáng chất. Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại rất quan trọng cho cả hệ thống các cơ quan vận hành, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ.

Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học, hiện vẫn còn khoảng 50% trẻ em trong nướcthiếu các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức về thực hành dinh dưỡng cho trẻ; trẻ biếng ăn do ăn uống không hợp lý hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài…

Thiếu hụt vitamin và khoáng chất khiến con không đủ dưỡng chất cho cơ thể xây dựng hệ miễn dịch, dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh (Ảnh minh họa)

Thiếu hụt vitamin và khoáng chất khiến con không đủ dưỡng chất cho cơ thể xây dựng hệ miễn dịch, dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh (Ảnh minh họa)

Thiếu hụt dưỡng chất trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mù lòa, tổn thương não, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, giảm chỉ số IQ (chỉ số thông minh)..., thậm chí nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

Chẳng hạn như thiếu vitamin A có thể gây bệnh về mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thiếu vitamin B1 dễ bị phù, viêm các dây thần kinh, suy tim. Thiếu vitamin C dễ gây chảy máu dưới da và niêm mạc, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn. Thiếu vitamin D và canxi sẽ bị còi xương. Thiếu kẽm dễ mắc các bệnh ngoài da, biếng ăn. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu…

Đủ vitamin và khoáng chất, mẹ trao cho con điều gì?

Câu trả lời là trao cho con chìa khóa “vàng” để cơ thể phát triển khỏe mạnh, xây dựng hệ miễn dịch từ bên trong giúp chống lại bệnh tật. Hơn nữa, một số vitamin và khoáng chất có thể hoạt động như chất hỗ trợ chống oxy hóa, ngăn chặn quá trình lão hóa, giúp phục hồi tế bào và các mô tổn thương nhanh hơn. Đây cũng là các thành phần chủ yếu để tạo ra các hormone, dịch tiêu hóa, tham gia vào quá trình chuyển hóa, bài tiết và nhiều cơ chế hoạt động của cơ thể.

Cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất là một yếu tố xúc tác giúp trẻ phát triển toàn diện (Ảnh minh họa)

Có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, bao gồm các vitamin tan trong nước như: nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K và các chất khoáng sắt, kẽm, iod, đồng, mangan, magiê… Trong đó, 3 loại vi chất đặc biệt quan trọng với trẻ em là canxi, vitamin D và sắt, vì liên quan trực tiếp đến chiều cao, hỗ trợ phòng chống thiếu máu, thiếu sắt.

Nhưng đây chỉ là những vi chất tối thiểu cần có, ngoài ra phải bổ sung nhiều hơn nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của trẻ như kẽm, vitamin A, C và vitamin nhóm B… Như vậy, mỗi loại vitamin và khoáng chất đóng vai trò riêng biệt nhưng lại là sợi dây liên kết chặt chẽ hỗ trợ trẻ phát triển tối ưu nhất.

Chẳng hạn như, để xương chắc khỏe, trẻ phát triển chiều cao, canxi đóng vai trò quan trọng nhất nhưng để hấp thu tốt nhất thì phải có sự hỗ trợ của vitamin D, magie. Tương tự, để sắt tăng cường hấp thu tại ruột non và huy động sử dụng sắt dự trữ từ gan thì chắc chắn không thể thiếu vitamin A, vitamin B2, và đặc biệt vitamin C. Đồng thời, trong quá trình tổng hợp hồng cầu, ngoài sắt thì cần axit folic (vitamin B9), vitamin B12…, để nâng cao thể trạng, thành mạch tốt cần thêm vitamin E.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng đừng quên trẻ rất cần I-ốt để tổng hợp ra hormone giúp điều chỉnh các quá trình phát triển của cơ thể từ hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ sinh dục, hệ tuần hoàn đến da, lông, tóc, móng... Từ đó, giúp phòng ngừa tình trạng chậm phát triển trí tuệ, học kém do thiếu I-ốt gây ra.

Làm thế nào để đủ vitamin và khoáng chất cho con?

Vì các cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần đa dạng hơn, nhiều hơn người trưởng thành. Để cung cấp vitamin và khoáng chất chủ động, an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm trong từng bữa ăn, đảm bảo 4 nhóm thực phẩm.

“Điều quan trọng là tạo ra bữa ăn ngon cho trẻ. Ngon ở đây không chỉ đơn thuần là phù hợp với khẩu vị mà trong cả tâm lý, trẻ phải thoải mái chấp nhận thức ăn. Người chăm sóc trẻ cần lưu ý mối tương quan giữa các chất dinh dưỡng với tỷ lệ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Đảm bảo tính đa dạng từ 10/15 thực phẩm khác nhau. Các bậc phụ huynh cần nhớ rằng, không có thực phẩm tốt mà phải là bữa ăn tốt nhất.” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Bữa ăn ngon miệng không chỉ đầy đủ dưỡng chất mà còn là bầu không khí thoải mái, trẻ chấp nhận bữa ăn một cách tự nhiên, không ép buộc (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, mẹ cần biết rằng phần lớn vitamin dễ mất đi trong quá trình sơ chế, nấu nướng. Nếu chế biến không đúng cách có thể khiến hao hụt 50% vitamin C; vitamin B1 giảm 30%; 20% carotene. Vì thế, để hạn chế hao hụt chất dinh dưỡng, các mẹ có thể nghiền và xay nhỏ thức ăn sau khi nấu chín, không nên nghiền xay trước khi nấu.

Khi nấu, mẹ nên giảm lượng nước, hấp tốt hơn luộc, nướng tốt hơn rán... Các chất khoáng (canxi, photpho, kali, natri, magiê...) trong quá trình nấu có thể biến đổi về số lượng do chúng hòa tan vào nước. Nên ăn cả cái và nước sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ lớn quá nhanh, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, không được bú sữa mẹ, bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, mắc các bệnh về gan, mật… sẽ bị thiếu vitamin và khoáng chất. Vì vậy, với những trường hợp này, các chuyên gia khuyến cáo trẻ cần bổ sung thêm bằng thuốc hoặc thực phẩm bổ sung chuyên biệt, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Khi lựa chọn các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, giúp con ăn ngon miệng, cha mẹ cần hết sức tỉnh táo, xem xét kỹ thành phần. Trong đó, nên lựa chọn các dạng bào chế dành riêng cho trẻ và chứa các dưỡng chất thiết yếu như sắt, kẽm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, L-lysine, I-ốt, mangan, Magie để phát triển thể chất, tăng cường hệ thống miễn dịch, vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B8, B9, B12) giúp hỗ trợ hệ thống tuần hoàn và thần kinh hoạt động tốt.

Đồng thời nên tìm hiểu nhu cầu mỗi giai đoạn của trẻ, chế độ ăn của bé đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu và nên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, uy tín, khoa học.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tam-quan-trong-cua-vi-chat-dinh-duong-doi-voi-su-phat-trien-cua-tre-n184745.html