Tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo

Sáng nay (28/9), Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo 'Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển 'thành phố sáng tạo' của Thủ đô Hà Nội. Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà khoa học đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đề xuất chính sách giải pháp, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa, chiến lược phát triển thành phố sáng tạo. Hội thảo cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Đoàn Minh Huấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Ngô Văn Quý cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội; các nhà khoa học, nhà quản lý.

Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh HNM)

Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh HNM)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Vùng đất kinh đô Thăng Long – Hà Nội đã được tạo dựng, đắp bồi, giữ gìn, tôn tạo, xây dựng bởi di sản văn hóa đồ sộ vô giá, nơi hội tụ văn hóa mọi vùng miền để chắt lọc nên giá trị Thăng Long – Hà Nội, được kết tinh trong chiều sâu cốt cách con người Hà Nội, mang nét đặc trưng riêng văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài. Văn hóa Thăng Long – Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, với Hà Nội không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị mà còn có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” chính là trung tâm văn hóa”.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực cũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng văn hóa, tìm nguồn lực và phát triển động lực từ văn hóa, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.

“Với việc tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô với thế giới. Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực văn hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhận mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh T.V)

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cũng cho rằng, Hà Nội hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể tiên phong trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Chính quyền Hà Nội có quyết tâm chính trị cao hướng tới mục tiêu đổi mới, sáng tạo, gia tăng sức hấp dẫn, hội tụ, lan tỏa văn hóa Thủ đô trên tinh thần “hợp tác, đầu tư và cùng phát triển”, đồng hành cùng các doanh nghiệp thiết kế sáng tạo và gieo mầm cho những ước mơ khởi nghiệp.

Tại hội thảo các đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý như GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Hội đồng Lý luận Trung ương; Giao sư, tiến sĩ Đinh Xuân Dũng- Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam…đã tham luận đóng góp, chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa, chiến lược phát triển thành phố sáng tạo, cũng như nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu khẳng định văn hóa là động lực cho Hà Nội phát triển; văn hóa là cội nguồn để tạo dựng nên sức mạnh dân tộc, sự bền vững cho một quốc gia, là niềm tự hào để sánh với các quốc gia khác.

Trong đó Hà Nội cần chú trọng phát triển “văn hóa sống của con người" và "văn hóa cảnh quan của Thủ đô". Văn hóa sống của con người, cần phát huy truyền thống thanh lịch: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"; xây dựng chuẩn mực giá trị người Hà Nội hiện đại, có tiếp thu giá trị truyền thống gắn với những giá trị tiêu biểu của dân tộc.

Đồng thời chú trọng cảnh quan đô thị bởi nhìn vào cảnh quan người ta nhận biết được tầm vóc giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố, sự hiện đại, chất văn minh của cư dân thành phố. Từ đó người ta không chỉ thu nhận những tri thức nhất định, mà còn xác định cho mình thái độ, hành vi ứng xử tương ứng....

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Ngô Văn Quý, các tham luận tại hội thảo đã kiến giải rõ hơn một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của văn hóa, nguồn lực văn hóa, đô thị sáng tạo, thương hiệu sáng tạo; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy nguồn lực văn hóa, xây dựng văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội; tham chiếu một số kinh nghiệm quốc tế về phát huy nguồn lực văn hóa, về xây dựng đô thị sáng tạo, thương hiệu sáng tạo, nhằm giúp Việt Nam từng bước hình thành mạng lưới các thành phố sáng tạo trong cả nước, hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị sáng tạo của khu vực Đông Nam A. Đồng thời nhận diện những điều kiện mới hiện nay ảnh hưởng, tác động đến quá trình xây dựng văn hóa, con người cũng như việc phát huy nguồn lực văn hóa của nước ta nói chung và của Hà Nội nói riêng.

T.Vũ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tam-quan-trong-cua-nguon-luc-van-hoa-trong-chien-luoc-phat-trien-thanh-pho-sang-tao-113649.html