Tầm quan trọng của ngôn ngữ ký hiệu

Nyle DiMarco chỉ là một người nước ngoài bình thường, đang nói một ngôn ngữ khác so với các bạn. Đó là cách nhà hoạt động, diễn viên, người mẫu điếc này giới thiệu bản thân với những người chưa từng gặp một người điếc nào trước đây.

DiMarco, người đã đạt được danh tiếng sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi Top Model của Mỹ, bày tỏ sự ủng hộ với việc cho trẻ em học ngôn ngữ ký hiệu ở độ tuổi mới lớn. Người đàn ông 29 tuổi lớn lên trong một gia đình hoàn toàn điếc và có hơn 25 người thân và họ hàng đều thuộc cộng đồng người điếc.

“Tôi ủng hộ giáo dục từ sớm để cuộc sống lúc lớn sẽ được thuận lợi hơn. Cha mẹ bị điếc của tôi biết chính xác làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ điếc”. DiMarco phát biểu với phóng viên báo UN News trong chuyến thăm Trụ sở Liên Hiệp Quốc nhân một sự kiện liên quan đến Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Nyle DiMarco, nhà hoạt động, người mẫu và diễn viên, và là một người điếc, tại phiên họp lần thứ 67 của Hội nghị Liên hợp quốc DPI / NGO, được tổ chức theo chủ đề “Tất cả chúng ta… Cùng nhau tìm kiếm các giải pháp toàn cầu cho các vấn đề toàn cầu”. Hội nghị diễn ra từ ngày 22-23/ 8. Loey Felipe.

Vào ngày 23/9, Liên hợp quốc kỷ niệm Ngày Ngôn ngữ Ký hiệu Quốc tế đầu tiên, vào đầu Tuần lễ Quốc tế chính thức của người điếc. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn ngày 23/9 vì trùng với ngày Liên đoàn Điếc Thế giới (WFD) được thành lập (1951). Thành viên của WFD bao gồm 135 hiệp hội quốc gia người điếc, hoạt động với nỗ lực bảo vệ nhân quyền của nhóm đối tượng này.

DiMarco học tại trường dành cho người điếc và sau đó theo học đại học tại trường tư dành cho người điếc và khiếm thính. Lớn lên với một nền giáo dục đặc biệt như vậy, DiMarco nói rằng anh có thể “xác định bản thân là ai”. Anh cũng thể thao, tham gia vào các tổ chức khác nhau và chơi cả bộ môn trượt ván. Trong số 72 triệu người điếc trên toàn thế giới, chỉ có 2% được tiếp cận giáo dục chính thức phù hợp.

“Làm thế nào họ có thể có được hy vọng thành công và thực sự đạt được những thành công tương tự như tôi với những đặc quyền được ban cho?”, DiMarco trăn trở về những người điếc khác lớn lên mà không được tiếp cận với nền giáo dục căn bản. Nam người mẫu này lưu ý rằng ở một số quốc gia, ngôn ngữ ký hiệu chỉ được nhìn nhận như “một cử chỉ (hành động) đơn thuần” khiến trẻ điếc bị tước đoạt khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ (ký hiệu) và cũng không thể xác định được cuộc sống của chính mình.

Hani

Hani

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/tam-nhin-unesco/tam-quan-trong-cua-ngon-ngu-ky-hieu-127639.html