Tầm quan trọng của nền tảng an ninh năng lượng đối với khu vực châu Á

Các cuộc tấn công đã khiến khu vực Đông Nam Á nhận thức sâu sắc hơn về tính dễ tổn thương của hoạt động sản xuất và nguồn cung dầu mỏ.

Bể chứa dầu tại một nhà máy lọc dầu ở Haradh, cách thành phố Dhahran của Saudi Arabia 280km về phía tây nam. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bể chứa dầu tại một nhà máy lọc dầu ở Haradh, cách thành phố Dhahran của Saudi Arabia 280km về phía tây nam. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 3/10, khi Saudi Arabia tuyên bố họ đã hoàn toàn khôi phục sản lượng dầu thô như trước khi xảy ra vụ tấn công vào hai cơ sở lọc dầu chính của nước này, các quốc gia trên thế giới - đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á - đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Các cuộc tấn công vào sáng ngày 14/9 đã lấy đi khoảng hơn 50% sản lượng dầu của Saudi Arabia. Điều này khiến giá dầu Dubai Crude ngay lập tức tăng lên mức 67 USD/thùng, trước khi rơi về ngưỡng được ghi nhận trước cuộc tấn công là khoảng 57 USD/thùng.
Sau đó, nhà xuất khẩu “vàng đen” hàng đầu thế giới đã tìm cách khôi phục và đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường chỉ sau ba tuần, thay vì vài tháng như nhiều dự đoán được đưa ra.

Mặc dù vậy, sự gián đoạn nguồn cung đột ngột và dầu thô tăng giá là hai yếu tố đã gây ra làn sóng căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông, qua đó phản ánh tầm quan trọng của nền tảng an ninh năng lượng.
* Sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Saudi Arabia

Năm 2018, Saudi Arabia xuất khẩu 7,38 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 16% tổng sản lượng toàn cầu. Trong đó, khu vực châu Á là khách hàng lớn nhất, chiếm đến 70% xuất khẩu của quốc gia Trung Đông.

Chính vì thế, các cuộc tấn công đã khiến khu vực Đông Nam Á nhận thức sâu sắc hơn về tính dễ tổn thương của hoạt động sản xuất và nguồn cung dầu mỏ. Người ta ước tính rằng châu Á sẽ chỉ có thể đáp ứng 63% nhu cầu năng lượng của khu vực vào năm 2050.

Nguồn năng lượng đáng tin cậy nhất là nguồn năng lượng có sẵn trong biên giới của từng nước. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để thúc đẩy "chủ nghĩa tài nguyên dân tộc" đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là động lực gây ra căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Lấy Thái Lan làm ví dụ, Chính phủ nước này đã tham gia một cuộc tranh chấp với các công ty dầu khí quốc tế, liên quan đến hoạt động khoan dầu ở ngoài khơi Vịnh Thái Lan.

Trọng tâm chính của tranh chấp là bên nào sẽ phải trả tiền cho việc gỡ bỏ các giàn khai thác ngoài khơi mỏ khí đốt Erawan. Mỏ khí đốt này được vận hành bởi hai “gã khổng lồ” năng lượng là Chevron của Mỹ và Công ty thăm dò dầu khí Mitsui của Nhật Bản, sẽ được bàn giao cho công ty dầu khí PTT của Thái Lan vào tháng 4/2022.

Theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký giữa Chevron-Mitsui và Chính phủ Thái Lan vào năm 1971, hai tập đoàn này sẽ chỉ phải trả chi phí gỡ bỏ những hạ tầng không sử dụng trước khi bàn giao lại cho một nhà điều hành mới.

Tuy nhiên, vào năm 2016, Bangkok đã thông qua một sắc lệnh mới, yêu cầu các nhà khai thác mỏ tại nước này phải trả chi phí ngừng hoạt động đối với tất cả các thiết bị mà họ đã lắp đặt, một khi những thiết bị này hết hạn sử dụng, bất kể bên thụ hưởng sau đó là ai. Như vậy, theo quy tắc này, liên doanh Chevron-Mitsui sẽ phải trả tiền để xử lý các thiết bị mà PTT sau đó sẽ được thụ hưởng.

Toàn bộ chi phí của việc này, ước tính lên đến 2,5 tỷ USD. Chính vì vậy, vào tháng 8/2019, Chevron-Mitsui đã phản ứng bằng cách tìm kiếm sự phân xử của tòa án tại Thụy Sỹ và nhấn mạnh rằng các điều khoản ban đầu của hợp đồng nên được tôn trọng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Chevron được cho là sẽ gia tăng áp lực lên Bangkok bằng cách vận động hành lang một quan chức cấp cao của Mỹ dự kiến sẽ đến thăm Thái Lan vào đầu tháng 11 tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng công ty này sẽ một lần nữa sử dụng phán quyết trọng tài, nếu Bangkok vẫn khăng khăng thực thi các quy tắc mới của mình.

* Những quyết định dựa trên cảm tính

Mỏ khí Erawan, được đưa vào sản xuất từ năm 1981, đến nay cung cấp hơn 40% sản lượng khí đốt tự nhiên của Thái Lan. Chevron giành quyền vận hành Erawan trong 30 năm từ năm 1972 đến 2012, nhưng sau đó hợp đồng được gia hạn thêm 10 năm.

Đến nay, mặc dù Chevron và Mitsui đã tìm cách gia hạn hợp đồng thêm 10 năm nữa, đến năm 2018, Bangkok đã quyết định sẽ đấu thầu các gói thầu mới cho Erawan. Trong lần đấu thầu này, mặc dù Chevron-Mitsui vẫn tham gia song PTT mới là đơn vị được đánh giá cao nhất.
Mặc dù vậy, mức giá thầu mà PTT đề xuất thấp hơn đến 30% so với con số mà Chevron-Mitsui đưa ra, làm dấy lên quan ngại về việc liệu tập đoàn này có thể điều hành Erawan để kiếm lời hay không.

Trong khi đó, giới chức trách Thái Lan dường như cũng đã ít nhiều can thiệp vào quy mô đấu thầu tại các mỏ dầu khí khác của Vịnh Thái Lan.

Điển hình là đối với mỏ dầu Bongkot, vốn được điều hành bởi liên doanh PTT và nhà sản xuất Total của Pháp, sẽ hết hạn vào năm 2023, song Total đã không thể gia hạn bởi vì giá thầu do PTT đề xuất là quá thấp để có thể sinh lời, theo một nguồn tin trong ngành năng lượng.

Nhìn lại, động thái bất ngờ của Chính phủ Thái Lan vào năm 2016 nhằm đại tu các quy định về việc ngừng hoạt động tại các mỏ dầu có vẻ như là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới việc loại bỏ các đối tác nước ngoài ra khỏi sự phát triển tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Sự thay đổi chính sách này đang làm ảnh hưởng tới Chevron và Mitsui, vốn đã hoạt động ở Vịnh Thái Lan trong 4 thập kỷ. Việc phát triển Erawan vốn là một thách thức khó khăn bởi tính địa chất phức tạp của Vịnh này đòi hỏi phải khoan hàng ngàn giếng thăm dò. "Chúng tôi choáng váng vì cách mà Thái Lan cố gắng 'hất cẳng' chúng tôi sau 40 năm", một quan chức cấp cao của Mitsui nói.

Tuy nhiên, Thái Lan không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tìm cách giành lại quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên từ các công ty nước ngoài.

Tại Indonesia, quyết định trao toàn quyền kiểm soát Khối Rokan, một trong những mỏ dầu lớn nhất của nước này, cho tập đoàn Pertamina thuộc sở hữu nhà nước, có thể là động thái nhằm mục đích giành lấy sự ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống Joko Widodo.

Năm 1963, Caltex, tiền thân của Chevron, đã giành quyền phát triển Rokan. Trong những năm 1990, khối này đã đóng góp đến 50% tổng sản lượng dầu của Indonesia và trở thành một khu vực sản xuất quan trọng.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2018, Chính phủ Indonesia đã từ chối yêu cầu của Chevron về việc gia hạn 20 năm đối với thỏa thuận cộng tác sản xuất lâu dài trong Khối Rokan ở đảo Sumatra để bàn giao cho tập đoàn dầu khí khổng lồ Pertamina.

Sau Rokan, Pertamina tiếp tục tiếp quản thêm hai dự án là E & P Indonesiaie và Mahakam Block từ Total và Inpex của Nhật Bản. Với việc tiếp quản này, Pertamina hiện đang kiểm soát đến 60% sản lượng dầu và khí đốt của Indonesia.

Chính phủ khẳng định những quyết định này được đưa ra hoàn toàn dựa trên cân nhắc đơn thuần về thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, rất ít người trong ngành tin vào điều đó.

Theo hiến pháp của Indonesia, "vùng đất và vùng biển, cũng như sự giàu có về mặt tự nhiên ở đó, sẽ được nhà nước kiểm soát và được khai thác vì lợi ích lớn nhất của người dân”.
Những nỗ lực của Thái Lan và Indonesia nhằm đòi lại quyền kiểm soát đối với nguồn tài nguyên dầu và khí đốt trong nước đã dẫn đến lo ngại về sự cạn kiệt tài nguyên.

Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản dự báo khu vực châu Á sẽ chỉ có thể đáp ứng 63% nhu cầu năng lượng vào năm 2050, giảm từ mức 72% của năm 2016. Trong khi đó, triển vọng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thậm chí còn mờ nhạt hơn, với khả năng tự cung cấp năng lượng dự kiến giảm xuống chỉ còn 66% từ mức 117% trong cùng kỳ.

Kết quả là tỷ lệ nhập khẩu năng lượng so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khu vực sẽ tăng lên 5,2% vào năm 2050, từ con số chỉ 0,9%. Nếu ASEAN trở thành nhà nhập khẩu năng lượng ròng trong nửa đầu thập niên 2020 như dự báo, tăng trưởng kinh tế có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Cả Thái Lan và Indonesia đều đang cố gắng đảm bảo rằng các công ty của họ sẽ mở rộng thị phần trong “miếng bánh” năng lượng đang ngày một thu hẹp.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng có thể phản tác dụng nếu nó tạo ra sự sụt giảm trong sản xuất hoặc đầu tư. Trong khi đó, việc liệu các công ty năng lượng nhà nước có đủ chuyên môn để tiếp quản dự án từ các công ty quốc tế hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Có thể thấy, những diễn biến mới nhất của chủ nghĩa tài nguyên dân tộc, giống như tất cả các hình thức chủ nghĩa dân tộc khác, đang được nuôi dưỡng dựa trên cảm tính hơn là lý trí. Chính vì vậy, nó có thể khiến khu vực châu Á trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tam-quan-trong-cua-nen-tang-an-ninh-nang-luong-doi-voi-khu-vuc-chau-a/137360.html