Tắm nước nóng hay nước lạnh tốt cho sức khỏe?

Tắm nước lạnh hay tắm nước nóng đều có những lợi ích riêng. Tuy nhiên, tắm như thế nào để tốt nhất cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.

Lợi ích của tắm nước lạnh đối với sức khỏe

Mặc dù tắm nước lạnh nhanh có vẻ không giúp cơ thể thư giãn, nhưng nó có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn so với tắm nước nóng như:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phục hồi sau khi tập luyện

Ngày nay, rất nhiều vận động viên đã tiến hành ngâm mình trong nước đá sau khi luyện tập. Tắm nước đá lạnh (cryotherapy) được biết đến như một liệu pháp giúp phục hồi nhanh, giảm đau ở các cơ bắp và nhức mỏi ở những vận động viên thực hiện những bài tập nặng.

Một phân tích tổng hợp năm 2018 xem xét các kỹ thuật phục hồi sau tập thể dục cho thấy rằng tiếp xúc với nước lạnh như ngâm nước đá lạnh và liệu pháp áp lạnh là một trong những cách tốt nhất để giảm viêm và mỏi cơ. Trên thực tế, ngâm nước lạnh làm giảm nhận thức của cơ thể về cảm giác đau và mệt mỏi đến 96 giờ sau khi tập thể dục, khi so sánh với việc phục hồi mà không có nó.

Giảm ngứa

Nếu bạn có làn da nhạy cảm, tắm nước lạnh thay vì nước nóng có thể giúp giảm ngứa vì tác dụng làm mát, chống viêm của nước lạnh. "Nó giúp khắc phục cảm giác ngứa, dù là tắm lạnh, chườm đá hay tắm mát", Carrie Kovarik, MD, Phó giáo sư da liễu tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania nói...

Tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn

Các nhà nghiên cứu cho rằng nước lạnh gây ra phản ứng căng thẳng ở mức độ thấp từ hệ thống miễn dịch, giúp tăng cường khả năng phục hồi, vì vậy khi cơ thể bạn thực sự bị tấn công từ một căn bệnh nào đó, nó có thể phản ứng tốt hơn.

Tuy nhiên, khi đã bị bệnh, bạn nên tránh tắm nước lạnh cho đến khi cảm thấy khỏe hơn. Bởi tắm nước lạnh sẽ không thể chữa lành bất kỳ bệnh hoặc nhiễm trùng nào sau khi bạn đã mắc bệnh.

Ảnh minh họa

Lợi ích sức khỏe của tắm nước nóng

Các vòi hoa sen nước nóng có thể là lựa chọn phù hợp với nhiều người, nhưng từ quan điểm da liễu, tắm nước nóng lại có hại cho làn da vì nước nóng sẽ loại bỏ dầu tự nhiên trên da nhanh hơn. Tắm nóng có thể làm khô da, đặc biệt nếu bạn bị bệnh mãn tính như bệnh chàm. Ngoài ra, tắm nóng có thể khiến bạn cảm thấy ngứa hơn vì chúng có thể khiến các tế bào trong da tiết ra histamine, một chất dẫn đến cảm giác ngứa.

Bỏ qua một số tác hại đối với làn da, việc tắm nước nóng có thể hữu ích trong một số trường hợp nhất định nếu bạn muốn:

Thư giãn cơ bắp

Tắm nóng có thể giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện khả năng phục hồi. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, ngâm chân trong nước nóng khoảng 45 phút trước khi tập thể dục làm giảm tổn thương cơ và đau nhức sau khi tập luyện.

Giảm triệu chứng hô hấp

Tắm nước nóng có thể là một cách tốt để giúp làm sạch nghẹt mũi. Đó là bởi vì đờm trong cổ họng và mũi của bạn sẽ được làm lỏng bởi hơi nước được tạo ra từ vòi sen nóng. Tuy nhiên, hơi nước này cũng có thể gây hại cho những người mắc bệnh phổi mãn tính, chẳng hạn như viêm phế quản mãn tính, xơ nang hoặc hen suyễn nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Cải thiện giấc ngủ

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc đứng dưới vòi hoa sen nước nóng trong khoảng 20 phút có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng tắm nước nóng nhiệt độ 40 dến 43 độ C khoảng 90 phút trước khi đi ngủ giúp nhịp sinh học của cơ thể chuẩn bị cho giấc ngủ một cách tự nhiênvà cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tắm nước ấm là tốt nhất để giữ mát trong trời nóng

Mặc dù có vẻ hợp lý để hạ nhiệt trong cái nóng khi tắm lạnh, nhưng thực tế lại ngược lại vì cách da và hệ tuần hoàn của bạn phản ứng với nhiệt. Nếu bạn tắm nước lạnh, nhiệt độ da sẽ giảm và bạn sẽ cảm thấy mát mẻ hơn. Nhưng kết quả là, lưu lượng máu đến da cũng sẽ giảm và cơ thể sẽ không giải phóng nhiều nhiệt.

Mặc dù tạm thời bạn cảm thấy mát hơn, nhưng vì cơ thể không còn tỏa nhiều nhiệt qua da, nên tất cả lượng nhiệt vẫn được giữ bên trong khiến nhiệt độ lõi của cơ thể vẫn ở mức cao. Thay vào đó bạn nên tắm nước ấm, điều này sẽ giúp bạn giải nhiệt hơn theo thời gian. Theo các chuyên gia, nhiệt độ nước tắm khoảng 33 độ C là hiệu quả nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn cách đánh son cho bạn gái

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tam-nuoc-nong-hay-nuoc-lanh-tot-cho-suc-khoe-d162045.html