Tắm nước lá cây cho trẻ: Những biến chứng nguy hiểm

Đã có không ít lời cảnh báo của các bác sĩ về hậu quả của việc dùng các loại nước lá tắm cho trẻ theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đun, vò nước lá cây để tắm cho trẻ, nhất là khi trẻ bị bệnh ngoài da. Hậu quả, đã có không ít những trường hợp phải nhập viện do nhiễm trùng da nặng nề.

Tắm nước lá khiến bé Nình Xuân T. nhiễm trùng da rất nặng. Ảnh: Hà Tường

Tắm nước lá khiến bé Nình Xuân T. nhiễm trùng da rất nặng. Ảnh: Hà Tường

Nhập viện vì tắm nước lá

Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Sản Nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận bé Nình Xuân T., 32 ngày tuổi, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Trước đó một tuần, bé T. có biểu hiện nổi bọng nước rải rác toàn thân, bọng nước to dần, vỡ chảy mủ. Thay vì đưa con đi khám, gia đình tự lấy lá cây về đun nước tắm cho trẻ khiến tình trạng chảy mủ da nặng thêm. Tại BV, qua khám lâm sàng cho thấy, bé bị tổn thương da nghiêm trọng, tình trạng chảy mủ nặng nề, mắt chảy dử vàng nhiều, đóng vảy rải rác toàn thân. Bé được chỉ định nhập viện để điều trị bệnh viêm da mụn mủ, viêm kết mạc mắt.
Bác sĩ Đỗ Thị Bích Phượng – Khoa Các bệnh nhiệt đới cho biết, đa số các trường hợp trẻ nhập viện ban đầu chỉ bị mẩn ngứa nổi ít nốt đỏ li ti trên người, nhưng gia đình không đưa trẻ đi khám ngay, mà lấy nước lá tắm cho con, dẫn đến tình trạng ngày càng nặng.
Còn tại BV Nhi T.Ư, đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da nặng do gia đình tự tắm nước lá để chữa bệnh. Có trường hợp bé bị lở loét, bong tróc, hoại tử da phải điều trị dài ngày. Điển hình là trường hợp của bé Nguyễn T. Đ., 4 tháng tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội. Trước đó, bé Đ. bị thủy đậu, muốn con nhanh khỏi bệnh, mẹ bé tắm cho con bằng lá thuốc Nam. Chỉ hai ngày sau, các nốt phát ban trên cơ thể bé bắt đầu phổng rộp, lở loét. Bệnh nhi được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc da rất nặng. Cơ thể bé lở loét, các nốt phát ban chảy nước, bốc mùi hôi tanh. Sau 5 ngày nhập viện, vết thương toàn thân của trẻ mới khô và bong vảy.
Thạc sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết, hiện nay, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn giữ thói quen dùng các loại thuốc Nam, tắm nước lá cây chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Việc tắm cho trẻ bằng nước lá cây khi trẻ bị thủy đậu, gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân thường gặp tại BV Nhi T.Ư. Tương tự, tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng đã cấp cứu cho nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng, viêm da nặng do được gia đình tắm bằng nước lá.
Hết sức thận trọng
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo, cha mẹ không nên tắm nước lá cho trẻ nếu không biết rõ loại lá và tính chất của chúng, tránh tình trạng lở loét, nhiễm trùng. Trường hợp bệnh nặng, để lâu có thể gây nhiễm trùng toàn thân. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, nếu không hạ sốt kịp thời mà chờ tắm lá sẽ rất nguy hiểm, sốt cao co giật có thể khiến trẻ ảnh hưởng não nặng nề, có nguy cơ tử vong.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thói quen tắm lá cho trẻ nhỏ, đặc biệt là cho trẻ sơ sinh chính là do truyền miệng. Nhiều người cho rằng, tắm nước lá tốt, vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa thơm tho mà lại không hóa chất. “Đúng là có những trường hợp tắm lá chữa được bệnh ngoài da nhưng đó chỉ là trường hợp ngẫu nhiên và với khả năng tự miễn của con người, nhiều bệnh tự sinh ra và tự khỏi. Hơn nữa, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng các loại nước lá có khả năng chữa bệnh ngoài da” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói. Cũng theo ông, khi trẻ mắc các bệnh về da, nguyên nhân đầu tiên nên nghĩ tới là do không giữ vệ sinh da tốt. Đặc biệt ở trẻ em, do da mỏng, sức đề kháng yếu, chưa thích ứng được với những thay đổi đột ngột của môi trường nên càng dễ bị vi khuẩn tấn công. Việc nhiều gia dùng hết thứ lá này đến thứ lá khác không chỉ làm kéo dài bệnh, thậm chí còn gây nhiễm trùng nặng thêm bởi không đảm bảo vệ sinh trong khâu rửa sạch lá.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên, để phòng các bệnh mụn nhọt, viêm da, nhiễm trùng da, việc giữ vệ sinh da cho bé là vô cùng quan trọng. Mẹ cần tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ cho bé hàng ngày bằng xà phòng tắm, sữa tắm dành riêng cho trẻ. Mặc quần áo thoáng, sạch sẽ cho con. Khi cơ thể bé xuất hiện các nốt mẩn ngứa, mụn nhọt, nên cắt móng tay để hạn chế việc trẻ gãi gây trầy xước dẫn đến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập gây nhiễm trùng da. Khi phát hiện da trẻ có các biểu hiện bất thường, viêm nhiễm, nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được chữa trị phù hợp, tuyệt đối không nghe các kinh nghiệm truyền miệng để chữa bệnh cho con.

Hà Tường

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tam-nuoc-la-cay-cho-tre-nhung-bien-chung-nguy-hiem-326928.html