Tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Việt Nam

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng Đại hội sắp tới chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI: Phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

LTS:Bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến tâm huyết hưởng ứng được đưa ra không những làm nâng cao nhận thức về những quan điểm trong bài viết mà còn góp phần vào việc hoàn thiện các giải pháp, cách làm để tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. VietNamNet giới thiệu bài viết hưởng ứng của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Trở thành nước phát triển

Như bài viết đã nêu: điều này thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như bài viết đã nêu, điều này thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Nhìn lại, chúng ta biết rằng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII xác định mục tiêu đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X và XI tiếp tục khẳng định: tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu này cũng được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010.

Đại hội sắp tới chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI

Đại hội sắp tới chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng xác định: đến giữa thế kỷ XXI, ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nhắc lại mục tiêu này trong giai đoạn mới song không xác định rõ thời gian cụ thể như trước, là: phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Có thể thấy từ Đại hội Đảng lần thứ VIII đến Đại hội Đảng lần thứ XII, mục tiêu trở thành một nước công nghiệp đã được xác định tương đối nhất quán song thực tế triển khai thực hiện đã gặp phải một số vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn:

Thứ nhất, việc xác định mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp” (Đại hội VIII) hay sau đó được điều chỉnh lại thành “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (Đại hội IX, X, XI và XII) tuy thể hiện tính thận trọng song lại chưa rõ ràng và không thể lượng hóa được, nhất là ở các khái niệm “cơ bản” và “theo hướng hiện đại”. Đã có nhiều nghiên cứu cố gắng làm rõ các khái niệm này, nhất là để lượng hóa mục tiêu đã đề ra, song vẫn chưa thống nhất.

Theo tiếp cận mục tiêu phát triển chung của cả nước, từ Đại hội VIII, nhiều địa phương cũng xác định mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp hoặc tỉnh công nghiệp hiện đại. Điều này dẫn đến tình trạng phát triển công nghiệp tràn lan, ngay cả ở những địa phương vốn không có lợi thế phát triển lĩnh vực này, khiến cho cơ cấu kinh tế bị bóp méo, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị tàn phá.

Văn kiện Đại hội XII và Báo cáo tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đánh giá: Việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Thứ hai, trong thực tế, cách hiểu “nước công nghiệp” thường tương đối đơn giản, thậm chí phiến diện, chỉ chú ý nhiều và nhấn mạnh đến cơ cấu kinh tế thay vì những vấn đề như phát triển xã hội, trình độ công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển con người...Để tránh cách hiểu đơn giản về “nước công nghiệp” (theo nghĩa chỉ chú trọng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, dẫn đến việc phát triển công nghiệp ồ ạt, kể cả những ngành công nghiệp lạc hậu), chúng ta đã đưa ra thuật ngữ “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và tiến tới trở thành “nước công nghiệp hiện đại”. Đây cũng là những thuật ngữ riêng có của Việt Nam chứ không dựa theo cách phân loại của thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ nhanh chóng, nhất là dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều mô hình kinh tế mới đã xuất hiện, như: kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế phi trọng lượng...hoàn toàn khác mô hình kinh tế truyền thống, với những đặc điểm rất mới, nhất là việc xóa nhòa ranh giới giữa khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Các nước trên thế giới đã khá lâu cũng không còn tiếp cận mục tiêu theo hướng trở thành nước công nghiệp.

Với tinh thần phát huy tối đa dân chủ và cầu thị lắng nghe, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gửi xin ý kiến đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở (bản tóm tắt) và đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương (bản đầy đủ) đã đề xuất hai phương án xác định mục tiêu: phương án 1 đặt vấn đề Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; phương án 2 đặt vấn đề Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao. Nhiều ý kiến của các đại biểu, cán bộ, đảng viên, chuyên gia, nhà khoa học…tại các đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở đều thống nhất cho rằng nên đặt mục tiêu: Việt Nam trở thành nước phát triển.

Phù hợp với thời đại

Có nhiều cách phân nhóm quốc gia dựa trên các tiêu chí khác nhau. Mỗi tổ chức quốc tế có cách phân nhóm riêng theo mục đích của mình và đều có nhiều lần điều chỉnh cách phân nhóm theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ so sánh. Tuy nhiên, chúng tôi xin nhắc lại rằng, trên thế giới hiện nay thuật ngữ “nước công nghiệp” không có nhiều ý nghĩa thực tế cho việc xây dựng mục tiêu phát triển hoặc định hướng chính sách.

Ngay cả Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) hiện cũng chú ý nhiều hơn đến phương thức và mục tiêu của công nghiệp hóa. Trong Tuyên bố Lima tháng 12 năm 2013, các nước thành viên UNIDO đã nêu ra mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững và bao trùm. UNIDO nhấn mạnh mục tiêu thứ 9 của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về: thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Báo cáo Phát triển công nghiệp của UNIDO (mới nhất là báo cáo 2020) đồng thời sử dụng cả hai thuật ngữ “công nghiệp” và “phát triển” trong phân nhóm các nền kinh tế, gồm: i) các nền kinh tế đã công nghiệp hóa; ii) các nền kinh tế công nghiệp mới nổi; iii) các nền kinh tế đang phát triển khác; và iv) các nền kinh tế kém phát triển nhất. Việt Nam được xếp vào nhóm: “các nền kinh tế đang phát triển khác” ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD, WTO, UN v.v. đều sử dụng cách phân nhóm quốc gia và nền kinh tế theo trình độ phát triển hoặc cụ thể hơn là theo mức thu nhập bình quân đầu người - khá phổ biến là hai nhóm: i) các nước “đang phát triển” (tức là các nước có thu nhập thấp và các nước có thu nhập trung bình); và ii) các nước “phát triển” (tức là các nước có thu nhập cao).

Cách phân nhóm này đã được nhiều tổ chức quốc tế và các nước sử dụng để xác định các điều khoản viện trợ (như: xác định là viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay; xác định các mức lãi suất và lệ phí), các chế độ ưu đãi khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, quyền và nghĩa vụ tham gia các chương trình hợp tác, v.v. Ủy ban hỗ trợ phát triển của OECD phân biệt hai nhóm nước: “Các nước phát triển” và “các nước đang phát triển”, trong đó các nước đang phát triển có thể nhận được hỗ trợ phát triển chính thức. Sau khi chuyển từ nhóm nước thu nhập thấp lên nhóm nước thu nhập trung bình, một nước cũng sẽ bị các tổ chức quốc tế và các nước phát triển xem lại các điều khoản viện trợ, nhất là viện trợ không hoàn lại.

Trong hệ thống thống kê của Liên Hợp quốc, mặc dù không có quy định chính thức, kể từ năm 1996, cách phân loại thành các nước phát triển và đang phát triển được áp dụng, chủ yếu với mục đích thống kê mà không phải để đánh giá chính thức về trình độ phát triển của một quốc gia.

Tuy nhiên, việc phân loại này ngày càng có ảnh hưởng chính thức, như đã được sử dụng trong đánh giá việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Dựa vào Chỉ số phát triển con người (HDI), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phân định các nước phát triển là các nước nằm trong nhóm 25% cao nhất của HDI; các nước đang phát triển là các nước nằm trong số 75% còn lại.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phân các nền kinh tế theo hai nhóm: i) các nền kinh tế tiên tiến (về thực chất là các nền kinh tế phát triển); và ii) các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Cách phân loại này dựa vào các tiêu chí chủ yếu, gồm: i) mức thu nhập bình quân đầu người; ii) đa dạng hóa xuất khẩu (các nước xuất khẩu dầu mỏ không được tính là các nền kinh tế tiên tiến do dầu mỏ chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu); iii) mức độ hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, đây không phải là những tiêu chí duy nhất để xếp loại các nền kinh tế. Mục tiêu của IMF chỉ là đưa ra một phương pháp nhằm tổ chức, phân loại dữ liệu cho phù hợp. IMF cũng đã tiến hành điều chỉnh khi các chỉ số trên có những thay đổi lớn. Ví dụ, khi Lithuania gia nhập Khu vực đồng euro, IMF chuyển nước này từ nhóm các nền kinh tế mới nổi sang nhóm các nền kinh tế phát triển.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tam-nhin-va-muc-tieu-phat-trien-cua-viet-nam-676109.html