Tầm nhìn táo bạo

Không lâu sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhậm chức nhiệm kỳ hai, ông đã phát tín hiệu về việc xác định mục tiêu tăng cường vai trò toàn cầu của Ấn Độ. Đây là một tầm nhìn chiến lược thông qua các mục tiêu chính sách táo bạo, đặc biệt là kinh tế, đối ngoại và an ninh. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, ông Modi sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình triển khai tầm nhìn táo bạo của mình, dù rằng Chính phủ của ông có toàn quyền quyết định khi lần đầu tiên kể từ năm 1984, một Chính phủ đa số tái đắc cử mà không cần liên kết với đảng phái nào khác.

Kinh tế

Trong một sự kiện sau khi tái đắc cử, Thủ tướng Modi khẳng định, Chính phủ có thể được bầu ra bởi một đa số, nhưng đất nước sẽ được điều hành trên cơ sở đồng thuận. Đến năm 2022, Ấn Độ sẽ trở thành một nước hùng mạnh và trong tương lai sẽ chỉ còn hai đẳng cấp, một là những người nghèo muốn vươn lên và hai là những người đóng góp để giúp đỡ người nghèo. Theo giới phân tích, tăng trưởng kinh tế chậm lại của Ấn Độ là mối lo ngại nghiêm trọng và nước này cần cắt giảm thuế và lãi suất khẩn cấp để phục hồi kinh tế.

Ấn Độ sẽ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Ảnh: SCMP

Ấn Độ sẽ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Ảnh: SCMP

Một thực tế là kinh tế Ấn Độ chỉ tăng 6,6% trong quý IV/2018, mức thấp nhất trong 5 quý gần đây và Phòng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ (FICCI) nhận định, mối lo ngại lớn hơn là tiêu dùng trong nước không tăng đủ nhanh để bù đắp môi trường kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 45 năm qua. Một số vấn đề hiện nay là tăng trưởng sản xuất và sản lượng công nghiệp chậm lại, doanh số xe hơi và xe hai bánh sụt giảm, lượng khách đi lại bằng đường hàng không giảm...

Trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, đưa Ấn Độ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới để phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân sẽ là nhiệm vụ nặng nề với Chính phủ của Thủ tướng Modi. Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ đang gấp rút xây dựng một kế hoạch hành động 100 ngày với hàng trăm đề xuất được đưa ra, trong đó, nổi bật nhất là những sáng kiến và biện pháp về cắt giảm thuế và lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế, xây dựng chính sách công nghiệp mới, thúc đẩy sản xuất trong các lĩnh vực tạo việc làm chủ chốt, đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng và xử lý thỏa đáng vấn đề về nông nghiệp và nông dân.

Và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Thủ tướng Modi tiếp tục triển khai các chính sách cải cách kinh tế đã và đang thực hiện như “Make in India”, “India Digital”, “Smart City” cũng như các chính sách tài chính vĩ mô...

Đối ngoại

Với việc Ấn Độ tiếp tục dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi, chính sách đối ngoại của nước này trong 5 năm tới về cơ bản sẽ ít có sự thay đổi lớn.

Kể từ khi giành độc lập, Ấn Độ đã theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết, đưa nước này thành quốc gia dẫn đầu phong trào không liên kết trên toàn cầu. Tuy nhiên, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đã chuyển sang không liên kết có lựa chọn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Modi đã yêu cầu giới ngoại giao phải đưa Ấn Độ "giữ vị trí lãnh đạo hơn là một lực lượng chỉ mang tính cân bằng trên toàn cầu". Bí thư đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale nhấn mạnh, đã đến lúc Ấn Độ trở thành một phần của tiến trình tạo ra luật lệ và nước này sẽ có vị thế mạnh mẽ hơn trong các thể chế đa phương.

Bên cạnh việc vươn tầm ra thế giới, tăng cường ảnh hưởng tại khu vực vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay. Ấn Độ đã gia tăng ảnh hưởng tại châu Á, tiếp cận mạnh hơn với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Singapore... Dưới thời Thủ tướng Modi, chính sách hướng Đông đã được nâng cấp thành Hành động hướng Đông nhằm liên kết Ấn Độ nhiều hơn với châu Á. Thông điệp rõ ràng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi là New Delhi sẽ hành động theo điều kiện và quy định của mình để khéo léo đóng vai trò như một nhân tố cân bằng châu Á. Và có khả năng New Delhi sẽ tiếp tục bàn đến các triển vọng kinh tế của Ấn Độ trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư trong nước, mặc dù vẫn sẽ tham gia vào tự do hóa thương mại, bao gồm việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tập trung chủ yếu vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đối với châu Âu, Ấn Độ dưới thời ông Modi đã nỗ lực đưa khu vực này trở lại vị trí trung tâm trong ý thức toàn cầu của mình. Thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi là vượt qua "tâm lý thuộc địa" và chiến tranh lạnh để xích lại gần hơn với châu Âu.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: SCMP

Với tham vọng nâng cao ảnh hưởng và vị thế, Thủ tướng Modi được đánh giá đang đưa Ấn Độ từ một quốc gia thụ động sang đối ngoại chủ động, đặc biệt trong quan hệ với các nước lớn. Trong khi thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, đồng thời tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga. Trong bối cảnh thế giới thay đổi mạnh mẽ và khó lường, Thủ tướng Modi đã thành công trong việc truyền đạt mối quan tâm của mình tới tất cả các bên. Điều này thể hiện chính sách mềm mỏng trong quan hệ và cân bằng quyền lực với các nước lớn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tăng cường ảnh hưởng tới các quốc gia châu Phi và Mỹ La tinh - nơi New Delhi vốn tụt hậu so với các cường quốc khác.

Việc tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước, chính sách đối ngoại thực dụng trong 5 năm qua sẽ tiếp tục được chính quyền Thủ tướng Modi theo đuổi. Tuy vậy, các thách thức khác như vấn đề Kashmir và quan hệ với Pakistan cũng như ứng xử với cộng đồng người Hồi giáo gần 200 triệu dân cần những chính sách và quyết định khéo léo.

An ninh

Ông Modi đã thành công khi đưa vấn đề an ninh quốc gia làm trọng tâm trong cuộc vận động tranh cử. Ông đã được “hỗ trợ” bởi một vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng ở Kashmir hồi tháng 2 vừa qua mà sau đó, một tổ chức khủng bố có trụ sở ở Pakistan đã lên tiếng chịu trách nhiệm. Vụ tấn công này và cuộc không kích của Ấn Độ vào sâu lãnh thổ Pakistan để trả đũa đã giúp làm tăng thêm khả năng chiến thắng bầu cử của đảng BJP khi tạo ra hình ảnh về một vị Thủ tướng quyết đoán, người có thể dạy cho Pakistan một bài học, bất chấp nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Trong 5 năm tới, nhiều khả năng New Delhi sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác an ninh với Washington, Singapore, Tokyo, Hà Nội và Canberra. Cũng có khả năng Chính phủ Modi sẽ cố gắng kiềm chế mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc giống như trước kia, lưỡng lự giữa sự gắn kết và ngăn chặn khi các “lằn ranh đỏ” bị vượt qua. Thủ tướng Modi cũng có thể tập trung vào Trung Đông, trong đó có vấn đề an ninh năng lượng với Iran, UAE và Arab Saudi. Cuộc khủng hoảng nội bộ Vùng Vịnh đang diễn ra liên quan đến Qatar không phục vụ cho lợi ích của Ấn Độ, đòi hỏi một sự can dự khéo léo. Có thể nói, điểm nhấn trong bài toán khó của ông Modi vẫn là vấn đề Kashmir, quan hệ với Pakistan và một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Dẫu sao, sau bầu cử, cơ hội đang mở ra cho quốc gia Nam Á đứng thứ 2 về dân số và thứ 6 về quy mô kinh tế thế giới này. Tất nhiên, để tận dụng được cơ hội đó hiệu quả, New Delhi cần những bước đi táo bạo.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tam-nhin-tao-bao/