Tầm nhìn, kết nối và hóa giải vì một hành tinh xanh

Ngày 22-2-2021, các Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu nhóm họp tại Thủ đô Brussels, Bỉ để thảo luận hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng.

Các Ngoại trưởng EU sẽ thúc đẩy giai đoạn toàn cầu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và cam kết tài trợ cho các biện pháp tài chính thích ứng khí hậu

Các Ngoại trưởng EU sẽ thúc đẩy giai đoạn toàn cầu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và cam kết tài trợ cho các biện pháp tài chính thích ứng khí hậu

Hóa giải các mối quan hệ giữa các quốc gia trên toàn cầu

Những chủ đề được đặt ra thảo luận trong Hội nghị Ngoại trưởng EU lần này bao gồm việc giam giữ chính trị gia đối lập Alxey Navalny và những người biểu tình ở Nga; các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden; quan hệ hậu Brexit của EU với Anh về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng…

“Đầu tiên, chúng tôi sẽ thảo luận về những sự kiện đáng lo ngại ở Nga. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng vấn đề này” - Giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết trong một tuyên bố trước thềm hội nghị. Được biết, sau chuyến thăm ngoại giao gần đây của Trưởng bộ phận đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đến Mátxcơva (Nga) không đảm bảo được việc trả tự do cho ông Navalny, EU hiện đang chuyển sang các biện pháp kinh tế trả đũa. EU đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với Nga trong những năm gần đây vì việc sáp nhập Crimea và vụ đầu độc ông Navalny vào tháng 8-2020.

Các Ngoại trưởng EU cũng sẽ thảo luận về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, và quan hệ hậu Brexit với Anh về chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng… Theo đó, các Ngoại trưởng EU có cuộc trao đổi quan điểm bằng hội nghị video với tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Đại diện cấp cao EU Josep Borrell thông báo tóm tắt về tình hình ở Iran và Belarus, cùng các vấn đề khác và trao đổi quan điểm về Myanmar và Ethiopia… Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng EU đánh giá việc thực hiện “Chiến lược La bàn” - một sáng kiến đang diễn ra của EU nhằm lập bản đồ các mối đe dọa và đề ra định hướng chung cho EU trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi dự kiến sẽ tham gia hội nghị thông qua liên kết video để trao đổi về “Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật Bản và an ninh khu vực ở châu Á”. Cũng tại hội nghị, các Ngoại trưởng EU tìm cách kết nối mở một cuộc họp giữa Washington, Tehran và các bên ký kết khác - bao gồm cả Mátxcơva - nhằm cố gắng tìm ra cách cứu vãn hiệp định sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ vào năm 2018.

Ngoại giao vì một hành tinh xanh

Tại hội nghị, các Bộ trưởng EU cũng sẽ thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu và Thỏa thuận xanh EU, và hội đồng dự kiến sẽ thông qua kết luận về chủ đề này.

Cụ thể, các Ngoại trưởng EU sẽ thúc đẩy một giai đoạn toàn cầu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và tái khẳng định các cam kết tài trợ cho các biện pháp tài chính thích ứng khí hậu tại hội nghị này. “Chính sách ngoại giao năng lượng của EU sẽ không khuyến khích tất cả các khoản đầu tư tiếp theo vào các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch ở nước thứ 3, trừ khi chúng hoàn toàn phù hợp với một lộ trình được xác định rõ ràng là hướng tới trung hòa khí hậu” - trích báo cáo từ cuộc họp.

Các Ngoại trưởng EU đặt ngoại giao xanh lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tất cả các Hiệp định thương mại của EU, viện trợ nước ngoài và các chiến lược đầu tư nước ngoài, kể từ bây giờ, được quy định phải phù hợp với tham vọng khí hậu của khối. “EU đảm bảo rằng chính sách thương mại và các Hiệp định thương mại của họ nhất quán với tham vọng khí hậu của mình” - tuyên bố cuộc họp ghi nhận nỗ lực của Ủy ban châu Âu trong việc “biến tôn trọng Thỏa thuận Paris thành yếu tố cần thiết cho tất cả các thỏa thuận thương mại toàn diện trong tương lai”.

Giám đốc Mạng lưới Hành động Khí hậu châu Âu - ông Wendel Trio cho biết: “Đây là một bước quan trọng mà các Bộ trưởng Ngoại giao EU xác nhận ý định xây dựng các liên minh ngoại giao mạnh mẽ với cả các nước phát thải lớn và các nước dễ bị tổn thương về khí hậu”.

EU kêu gọi các quy tắc thương mại đảm bảo thân thiện với môi trường

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen

Liên minh châu Âu (EU) xem việc cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là trọng tâm của chiến lược thương mại trong thập kỷ tới, cho rằng các quy tắc thương mại toàn cầu phải đảm bảo thân thiện với môi trường hơn.

Ủy ban châu Âu (EC) trong một thông báo mới đây cho biết sẽ ưu tiên việc chống biến đổi khí hậu là một phần trọng tâm trong chiến lược “cởi mở, bền vững và quyết đoán” của khối. Ủy ban châu Âu muốn đính kèm “hành động xanh” với các thỏa thuận thương mại, cũng như mong muốn xây dựng một Tổ chức Thương mại thế giới có nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề môi trường. Điều này có thể bao gồm tự do hóa thương mại đối với các hàng hóa và dịch vụ “xanh” hoặc các thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Ủy ban châu Âu cũng cho biết sẽ đề xuất một loạt cải cách Tổ chức Thương mại thế giới tập trung vào phát triển bền vững, bao gồm các quyền về giới và lao động, đồng thời khởi động các cuộc đàm phán về các quy tắc mới, cũng sẽ tìm cách khôi phục Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại thế giới, được xem là trọng tài cuối cùng về các tranh chấp thương mại toàn cầu. Ủy ban châu Âu hy vọng Mỹ sẽ tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai một cách thiện chí bởi điều này có thể giúp khôi phục niềm tin và dẫn tới việc đạt được một thỏa thuận. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng sẽ nỗ lực hợp tác với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin đối với Tổ chức Thương mại Thế giới.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã tác động tới các nguyên tắc của chủ nghĩa toàn cầu khi mỗi quốc gia dường như quan tâm trước hết đến lợi ích của riêng mình. Trong bối cảnh đó, nhu cầu cải cách Tổ chức Thương mại thế giới được nhận định ngày càng trở nên cấp thiết để tổ chức này giữ vững vai trò dẫn dắt hệ thống thương mại toàn cầu.

Đức muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại xuyên Đại Tây Dương

Điều phối viên xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức Peter Beyer

Điều phối viên xuyên Đại Tây Dương của Chính phủ Đức Peter Beyer cho biết, Chính phủ liên bang Đức nhận định đây là thời điểm tốt để dỡ bỏ các rào cản thuế quan trong thương mại xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt đối với các mặt hàng công nghiệp. Ông Beyer nhấn mạnh thời điểm hiện nay rất thích hợp để châu Âu và Mỹ cùng đưa ra một gói chính sách kinh tế và thương mại dưới thời Chính phủ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó liên quan việc hướng tới một Hiệp định thương mại tự do toàn diện và đầy tham vọng giữa Mỹ và châu Âu.

Theo ông Beyer, giai đoạn đầu tiên có thể là việc ký kết một Hiệp định mà Mỹ và châu Âu bãi bỏ tất cả thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và ở bước thứ hai, châu Âu và Mỹ sẽ thảo luận các lĩnh vực gây tranh cãi, như vấn đề nông nghiệp. Điều phối viên của Chính phủ Đức cũng mong muốn chính quyền mới của Mỹ đặt mục tiêu cho một lịch trình tham vọng dựa trên các giá trị chung và lợi ích chung.

Ông Peter Beyer nhấn mạnh: “Sau nhiều năm khó khăn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Đức và châu Âu giờ đây có cơ hội lịch sử đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác chiến lược và cải thiện quan hệ với Mỹ”. Ông kỳ vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ thực hiện các bước đi nhằm khôi phục niềm tin đã bị xói mòn với châu Âu, dù thừa nhận vẫn còn sự phản đối và e dè trong việc hợp tác chặt chẽ hơn đối với các vấn đề kinh tế và thương mại ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Theo ông Peter Beyer, dù hai bên vẫn còn những khác biệt trong nhiều vấn đề, như việc châu Âu nhập khẩu khí đốt của Nga, song những điều như vậy sẽ không thể ngăn cản Đức và Mỹ thiết lập quan hệ chặt chẽ trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, thuế quan và biến đổi khí hậu. Ông Beyer kêu gọi một “lộ trình chung” nhằm cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiện nay, Thủ tướng Angela Merkel và các thành viên nội các khác của Đức đã tích cực vận động cho việc đạt được một thỏa thuận kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Ngoài mong muốn hợp tác về thương mại, Berlin cũng kỳ vọng vào sự phối hợp ở hai bờ Đại Tây Dương trong chính sách bảo vệ khí hậu, trong đó đánh giá quyết định của Tổng thống Joe Biden đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là một tín hiệu quan trọng.

Theo France 24, Climate Change News

Hải Long

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tam-nhin-ket-noi-va-hoa-giai-vi-mot-hanh-tinh-xanh-post458770.antd