Tầm nhìn 'công-thủ' toàn diện cho EU

Gần một tháng trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nêu các chính sách ưu tiên khi nước Đức đảm nhận cương vị này vào 6 tháng cuối năm 2020.

Dư luận chờ đợi Đức có thể làm gì để thúc đẩy EU tiến về phía trước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng như việc châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ đối nội cho đến đối ngoại.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz (trái) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 20/9/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz (trái) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 20/9/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Nội dung cuộc thảo luận trực tuyến ngày 27/5 của Thủ tướng Merkel, bên cạnh Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Heiko Maas, với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli cùng những người đứng đầu các đảng trong EP không được tiết lộ nhiều, song theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, Thủ tướng Merkel đã thảo luận với EP về một số ưu tiên của Đức trong giai đoạn nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đức là ứng phó với đại dịch COVID-19, tái thiết nền kinh tế EU, vấn đề bảo vệ môi trường, số hóa và chính sách đối với người tị nạn và di cư.

Tuy nhiên, thông tin đã phần nào sáng tỏ hơn khi Thủ tướng Merkel có bài phát biểu tối 27/5 trong một chương trình của Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) về các chính sách an ninh và đối ngoại của nước nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 6 tháng cuối năm nay. Phát biểu của nhà lãnh đạo Đức phản ánh Berlin muốn củng cố bên trong để có thể vươn mạnh ra bên ngoài. Cụ thể là Đức muốn đẩy mạnh nội khối, dẫn dắt để EU thoát khỏi khủng hoảng, phục hồi kinh tế, từ đó có vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Nói cách khác, tầm nhìn của Đức phải là một châu Âu "công-thủ" toàn diện, dù đó là vấn đề nội khối hay những vấn đề quốc tế.

Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 6 tháng nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU, từ một năm trước, Đức đã cử các quan chức tới Brussels để làm việc, lên chương trình với các tổ chức của EU. Kế hoạch dường như đã "hòm hòm" thì COVID-19 gõ cửa, cả châu Âu đảo lộn và phải gồng mình để ứng phó với đại dịch. Dịch bệnh tác động tới mọi mặt đời sống và tất nhiên các chính sách cũng bị ảnh hưởng theo, buộc Berlin phải điều chỉnh lại đáng kể khung chương trình.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã "đảo lộn tất cả" và cho thấy các quyết định ngắn hạn cần phải có tác động dài hạn khi có những thay đổi cơ bản. Nhà lãnh đạo Đức bày tỏ tin tưởng châu Âu có thể mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng, nhấn mạnh rằng phải củng cố châu Ây thành một "trụ cột ổn định trên thế giới" và một liên minh có khả năng hành động và tạo lập.

Trong vấn đề nội khối, Thủ tướng Merkel khẳng định phục hồi kinh tế và củng cố sự gắn kết xã hội ở châu Âu bây giờ sẽ phải là ưu tiên số 1, dù các cuộc đàm phán về chương trình tái thiết châu Âu cũng như một khung tài chính của EU đến năm 2027 còn nhiều khó khăn phía trước. Nếu không thể đạt được sự đồng thuận vào cuối tháng 6 về chương trình tái thiết trị giá 750 tỷ euro (826 tỷ USD) do Ủy ban châu Âu đề xuất, sức ép sẽ càng cao với Berlin khi nước này đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU.

Trong vấn đề Brexit, dù đã ở giai đoạn nước rút, vẫn còn quá nhiều ngổn ngang trong quan hệ song phương và nguy cơ về một Brexit "cứng" lúc nào cũng hiện hữu. Giai đoạn chuyển tiếp trong các cuộc đàm phán với Anh sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Các nhà ngoại giao EU hy vọng London sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc để hai bên có thể đạt được nhất trí vào cuối tháng 10, kịp thời để cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn thỏa thuận.

Về quan hệ với các nước lớn, Thủ tướng Merkel đề cập đến quan hệ của EU với Trung Quốc, trong đó nêu rõ mối quan hệ này cần được định hình một cách tích cực. Bà Merkel xác định bốn trọng tâm sẽ thúc đẩy với Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận đầu tư, bảo vệ khí hậu-môi trường, hợp tác trong đại dịch COVID-19 và phát triển bền vững ở châu Phi. Đức vẫn lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào tháng 9 tới tại thành phố Leipzig (Đức), tuy nhiên chưa rõ mô hình hội nghị sẽ diễn ra như thế nào trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Đức và EU coi trọng và cũng thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng châu Âu dường như chưa có một cách tiếp cận chiến lược chung trong hợp tác với Trung Quốc. Việc phát triển mạng di động 5G của châu Âu là ví dụ điển hình cho điều đó.

Trong quan hệ với Mỹ, dù thừa nhận khó khăn ngoài mong muốn trong việc hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump như trong vấn đề bảo vệ khí hậu và thương mại, song nhà lãnh đạo Đức cũng lưu ý Washington vẫn là đối tác quan trọng nhất của EU. Bà tin tưởng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương luôn là "trụ cột trọng tâm " trong chính sách đối ngoại và an ninh của châu Âu, khẳng định không những cần duy trì mà còn phải củng cố trụ cột này. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel cũng tuyên bố khi muốn khẳng định các giá trị của mình trên thế giới, châu Âu cần phải tự nắm lấy vận mệnh của mình và thể hiện vai trò là đối tác đáng tin cậy của cộng đồng các lợi ích phương Tây.

Về quan hệ với Nga, Thủ tướng Đức cho rằng có nhiều lý do để EU nỗ lực vì một quan hệ tốt đẹp với Moskva. Điều này bao gồm sự gần gũi về địa lý và lịch sử chung, những thách thức toàn cầu và các mối quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt Nga nếu các thỏa thuận Minsk trong vấn đề Ukraine không đạt tiến triển.

Dư luận từng hết sức bất ngờ khi Đức và Pháp tuyên bố đạt được nhất trí về gói cứu trợ 500 tỷ euro (551 tỷ USD) của châu Âu. Bất ngờ bởi Thủ tướng Merkel là chính trị gia hành động thận trọng, cứng rắn và từ lâu luôn phản đối kịch bản "món nợ chung" của châu Âu để hỗ trợ các nước chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh. Là những nền kinh tế đầu tàu châu Âu, không có tiếng nói ủng hộ của Đức cũng như Pháp, EU sẽ khó đạt được bất cứ thỏa thuận gì, thế nhưng trong vấn đề quỹ tái thiết châu Âu nêu trên, cái bắt tay của Đức và Pháp chưa phải là tất cả, bởi nhiều nước như như Áo, Hà Lan, Đan Mạch... mạnh mẽ phản đối ý tưởng này. Thực tế, trong lòng châu Âu đang chất chứa nhiều vấn đề và những vấn đề đó càng được thể hiện rõ trong khủng hoảng. "Sự gắn kết" hay "mái nhà chung" đôi khi chỉ là bề ngoài, dù có thể nói EU là một trong những tổ chức hội nhập thành công nhất thế giới.

Tuy nhiên, với hành động được đánh giá là khoa học, nghiêm túc và chiến lược dài hạn của Đức, hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng vững bước đi lên của châu Âu từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhiều vấn đề lớn của châu Âu sẽ được định đoạt trong nửa cuối năm 2020 và Đức sẽ mang dấu ấn của mình trong đó. Đây cũng sẽ là một trong những di sản mà Thủ tướng Merkel để lại khi bà rút khỏi chính trường vào cuối năm tới.

Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tam-nhin-congthu-toan-dien-cho-eu-20200528183013256.htm