Tầm nhìn cho kinh doanh thời 4.0

Thế giới đang thay đổi chưa từng có dưới tác động của xu hướng hội nhập kinh tế mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Bối cảnh đó không chỉ làm gia tăng sức ép cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ giữa các doanh nghiệp (DN) mà còn tạo ra thách thức lớn về môi trường và các vấn đề xã hội, đòi hỏi cộng đồng DN, doanh nhân phải tìm được hướng phát triển bền vững.

Góc nhìn

Xuất phát chậm so với nhiều nước, kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung và DN nhỏ và vừa (DNNVV) có nhiều hạn chế trong quá trình phát triển. Cụ thể là phần lớn DN vẫn ở quy mô siêu nhỏ. Ðến cuối năm 2019, quy mô trung bình của một DN thành lập mới đạt 13 tỷ đồng. Ðầu tàu kinh tế là TP Hồ Chí Minh đã phát triển được 380 nghìn DN nhưng chỉ có khoảng 700 DN đạt quy mô vốn 1.000 tỷ đồng. Do sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu cho nên năng suất của DNNVV Việt Nam còn thấp, kéo theo chất lượng sản phẩm thấp và sức cạnh tranh yếu. Nền tảng khoa học - công nghệ ở DN chưa cao, việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới, công nghệ sạch vào sản xuất còn thấp, chưa chủ động thay đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề áp dụng quy chuẩn vào sản xuất. Trình độ quản lý của DN nhìn chung chưa theo kịp thông lệ quản trị tốt của thế giới, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế. Là quốc gia sớm hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới; ban hành hàng loạt chính sách và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật trong kinh doanh phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, năng lực tiếp cận thông tin cũng như hệ thống chính sách pháp luật về hội nhập còn hạn chế. Nhiều DN vẫn chưa có sự chuẩn bị để sẵn sàng gia nhập CMCN 4.0. Kết quả của không ít cuộc khảo sát được công bố mới đây cho thấy, vẫn còn tỷ lệ khá lớn DN được khảo sát cho biết "mới chỉ nghe nói", chưa thật hiểu về các FTA, về CMCN 4.0. Những khái niệm về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ na-nô, trí tuệ nhân tạo... vẫn là khái niệm xa lạ với những DN này.

Những năm gần đây, việc thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần doanh nhân được Ðảng và Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết. Ðiều đó thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo dần trở thành phong trào với số lượng DN khởi nghiệp sáng tạo năm 2018 tăng gấp hai lần so với năm 2017 và tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Ðây là bước đi quan trọng để hướng tới hình thành lực lượng DN Việt Nam đông về số lượng, lớn về quy mô, cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong nước và trở thành lực lượng chủ đạo trong quá trình xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường, hội nhập quốc tế. Ðể thực hiện được mục tiêu này không thể thiếu sự hỗ trợ của một Chính phủ kiến tạo. Nhưng quan trọng hơn, bản thân mỗi DN, doanh nhân phải có tầm nhìn chiến lược gắn với điều kiện hội nhập, chủ động gia nhập CMCN 4.0.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/42667902-tam-nhin-cho-kinh-doanh-thoi-4-0.html