Tầm nhìn 2050 trong MDIRP và phát triển bền vững ĐBSCL

'Hãy xem đồng bằng như một cơ thể sống, các dòng sông là mạch máu, nước là máu, trầm tích là thịt. Hãy sống hài hòa và phát triển cùng với nó...'

Đất Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân trong khung khổ góp ý về Dự thảo Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long

TẦM NHÌN 2050 TRONG MDIRP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐBSCL

Nguyễn Ngọc Trân [1]

Bài viết này tiếp theo bài Quan điểm phát triển vùng ĐBSCL. MDIRP quy hoạch gì cho thời kỳ (2021-2030)” [2] trong khung khổ góp ý với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự thảo Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MDIRP, Tiểu Dự án 6, được tài trợ từ Ngân hàng Thế giới), cũng với nhận thức MDIRP cần tích hợp ý kiến của cộng đồng xã hội, đặc biệt của các chuyên gia am hiểu ĐBSCL.

1. Phân tích SWOT của ĐBSCL trong MDIRP

Xin trích phân tích SWOT của ĐBSCL trong MDIRP [3]:

“Thế mạnh bắt nguồn từ nguồn tài nguyên được thiên nhiên ban tặng (giàu dinh dưỡng, đa dạng sinh học phong phú và độc đáo phát sinh từ giao diện của các hệ sinh thái ngọt, lợ và mặn và tạo ra một loạt các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, các vùng phù sa, v.v.). và các hoạt động kinh tế thứ cấp trong nông nghiệp và chế biến nông sản đã phát triển dựa trên điều này.

Những điểm yếu bao gồm thực tế là chất lượng sản phẩm, nguyên liệu đầu ra đầu thấp và không ổn định, đồng thời chuỗi cung ứng nông nghiệp và liên kết dọc với các nhà chế biến nông sản còn kém phát triển và yếu. Công nghiệp có giá trị gia tăng tương đối thấp, sử dụng lực lượng lao động trình độ thấp gây ra ô nhiễm đất và nước đáng kể, bao gồm cả việc phát sinh chất thải rắn. Sự cạnh tranh về các nguồn nước ngọt trên tất cả các ngành và tiểu vùng ngày càng tăng lên. Vùng này phải chịu chi phí hậu cần cao. Quản lý nhà nước và tư nhân về du lịch còn hạn chế.

Các mối đe dọa đối với khu vực nảy sinh từ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang suy giảm. Còn từ biến đổi khí hậu (canh tác và năng suất lúa), nước biển dâng (độ mặn, ngập lụt), các đập ở thượng nguồn (dòng chảy sông, độ mặn); từ các mối đe dọa bên trong (khai thác cát và nước ngầm quá mức, xây dựng quá mức các công trình đê điều và công trình thủy lực), sự phát triển đô thị manh mún và ô nhiễm không khí và nước ngày càng tăng, các thị trường xuất khẩu chất lượng thấp và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước có mức lương thấp hơn trong lĩnh vực chế biến nông sản, may mặc, lắp ráp ... Điều kiện thương mại nói chung ngày càng bất lợi.

Cơ hội phát triển bao gồm: định hướng lại sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phân vùng sinh thái nông nghiệp; quản lý tài nguyên thiên nhiên (nước mặt, nước ngầm, đất ngập nước, rừng ngập mặn) hiệu quả hơn; năng lượng tái tạo (đặc biệt là gió và mặt trời); sức hấp dẫn tương đối ngày càng tăng của ĐBSCL; những cơ hội trong các dịch vụ dựa trên tri thức; các cơ hội giảm chi phí logistics bằng cách phát triển các trung tâm vận tải đa phương thức, liên phương thức”.

Các phân tích trên là khá khách quan.

MDIRP nhắc lại một Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới [4] rằng chi phí của việc không hành động để vượt qua những thách thức về ô nhiễm môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững sẽ có tác động tiêu cực đến 6% tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2035. Tác động đến tăng trưởng GDP của khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ ít nhất bằng hoặc thậm chí tồi tệ hơn, nếu không có những hành động cần thiết nào được thực hiện.

MDIRP cho rằng “trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống tự nhiên đã bị thay đổi do các hoạt động của con người ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống tự nhiên và nhân tạo đan xen sâu sắc. (…) đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải vật lộn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai”.

2. Tầm nhìn 2050 của MDIRP và quy trình để đạt được

Theo MDIRP, Tầm nhìn cho Đồng bằng sông Cửu Long cho năm 2100được mô tả toàn diện trong Mục 1 của Nghị quyết 120.

Trong MDIRP, Tầm nhìn vào năm 2050 “là vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một nơi thịnh vượng hơn để sinh sống và có một nền kinh tế bền vững và linh hoạt hơn, dựa trên ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, sản xuất, thương mại và dịch vụ tiên tiến, bao gồm các dịch vụ CNTT-TT và du lịch sinh thái, kinh tế biển và với những bước đầu đã được thực hiện”.

Từ Tầm nhìn 2050, MDIRP thực hiện quy trình đi từ Tầm nhìn xuống đến Phương án ưu tiên, trình bày trong Hình dưới đây.

Quản lý thách thức” và “Tạo giá trị” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đạt được Mục tiêu của Tầm nhìn 2050.

Ba định hướng phát triển được Tư vấn xây dựng ứng với ba trụ cột của Phát triển là Định hướng Kinh tế (ĐHPT3), Định hướng Tài nguyên thiên nhiên (ĐHPT4) và Định hướng Phát triển xã hội (ĐHPT5).

Mỗi định hướng được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cụ thể/tiêu chí.

Tư vấn đề ra cho ĐHPT4 10 tiêu chí, cho ĐHPT5 8 tiêu chí, và cho ĐHPT3 11 tiêu chí, và dùng phương pháp cho điểm từng tiêu chí để từ đó suy ra các tiêu chí ưu tiên cho phát triển đồng bằng.

Tư vấn đã tổ chức bốn cuộc tham vấn ở ĐBSCL vào đầu tháng 3/2020 với 13 tỉnh thành tại 4 địa điểm là Cao Lãnh (Nhóm 1, có 44 đại biểu), Cần Thơ (Nhóm 2, 34 đại biểu), Rạch Giá (Nhóm 3, 26 đại biểu) và Sóc Trăng (Nhóm 4, 36 đại biểu).

Bảng 6.6 là kết quả cho điểm 29 tiêu chí của 4 nhóm.

Có 5 tiêu chí được nhiều đại biểu của 4 Nhóm lựa chọn nhất. Đó là:

• NR 1: “Quản lý tài nguyên nước và hạ tầng thủy lợi có khả năng thích ứng với tác động của BĐKH, can thiệp ở thượng nguồn lưu vực ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy và lượng trầm tích và các can thiệp ở ĐBSCL gây sụt lún và sạt lở đất” (51/140).

• NR 10: “Áp dụng mô hình tăng trưởng xanh bằng cách ưu tiên đầu tư các dự án phát thải ít khí nhà kính và không gây hại hay ô nhiễm môi trường” (45/140).

• SC 3: “+ Tạo sự an toàn và khả năng thích ứng cho người dân sống ở vùng ĐBSCL; + Sẵn sàng thích nghi ở vùng ven biển: dự báo và thích ứng với các xu thế tất yếu như nước biển dâng, BĐKH và tác động của các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công. Phát triển các vùng dân cư nông thôn, đặc biệt là ở vùng ven biển và vùng đệm thành các thị xã nhỏ để đảm bảo an toàn và tăng khả năng thích ứng với BĐKH, xây dựng kế hoạch sơ tán khi xảy ra thiên tai.” (41/140).

• E3: “Phát triển ngành công nghiệp hiện đại. Xây dựng chuỗi giá trị tích hợp nội địa, khu vực và toàn cầu đối với nông sản (lúa lạo, trái cây, rau màu) và thủy sản, cung cấp hàng hóa chất lượng cao, an toàn và được chứng nhận/có thương hiệu, dựa trên nông sản chủ lực chất lượng cao và khai thác năng lực logistics, marketing, nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu” (39/140).

• E6 Thương mại, dịch vụ: “Tăng cường khả năng kết nối giữa các thành phố và thị trường và giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc giảm thời gian vận chuyển và chi phí logistics” (30/140).

Ngoài ra Tư vấn còn cho biết đánh giá của chuyên gia (nhưng không có số lượng và danh sách các chuyên gia) về ba định hướng phát triển.

Các kết quả của việc đánh giá được Tư vấn sử dụng làm đầu vào cho việc xây dựng một Phương án ưu tiên.

3. Nhận xét về quy trình và cách tiến hành

Hai bảng đánh giá của 4 Nhóm và của chuyên gia rất bổ ích. Xây dưng quy trình, 29 tiêu chí là những cố gắng tìm tòi đáng trân trọng. Tuy nhiên tác giả có một số nhận xét dưới đây mà khắc phục được quy trình sẽ toàn diện hơn.

Nhận xét (1). Số đại biểu tham gia cho điểm các tiêu chí không nhiều. Tất cả 4 nhóm là 140 người. Điểm số cao nhất mà tiêu chí NR1 có được là 51, bằng 36,4% số đại biểu tham vấn và chấm điểm. Rất cần biết thành phần của 4 nhóm để hiểu rõ hơn điểm số mà các tiêu chí nhận được và tính đại diện của chúng.

Nhận xét (2). Từ tiêu chí đến các hành động, tác động cụ thể để thực hiện tiêu chí còn là một khoảng cách khá xa. Rất cần cho biết danh mục các tác động cụ thể của từng tiêu chí được điểm số cao nhất (NR1, NR10, SC3, E3, E6) và những tác động nào sẽ được lựa chọn cho Phương án ưu tiên.

Nhận xét (3). Điểm số hoặc đánh giá dành cho một tiêu chí (có tất cả 29) chỉ có giá trị trong thời gian nhất định, nhất là các tác động cụ thể, vì cục diện đồng bằng hết sức biến động.

Qua Hình 6-7, Từ xu thế hiện tại đến Tầm nhìn 2050 dường như MDIRP quên rằng đồng bằng đang sụt lún, một thực tế mà Tầm nhìn 2050 không thể không tính đến.

Nhận xét (4). Tác động của các tác động (dự án, công trình, đô thị hóa, xây dựng Trung tâm Đầu mối, …) lên đồng bằng có được tính đến không? Nếu không, điểm số cho các tác động, từ đó suy ra các tác động ưu tiên mới là sơ cấp. Sơ đồ trong Hình 6-1 cần được bổ sung đường phản hồi và các vòng lặp chứ không đơn giản một chiều từ Tầm nhìn đến Chọn phương án ưu tiên.

Nhận xét (5). Ba định hướng phát triển 3, 4 và 5 cùng với 29 tiêu chí (và các tác động để cụ thể hóa) có ý nghĩa như thế nào khi mà đồng bằng đang bị lún chìm dưới tác động của tự nhiên và do con người gây ra, cộng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng?

Hình 1 thể hiện độ sụt lún do Khai thác nước ngầm + Nước biển dâng tuyệt đối theo ba kịch bản khai thác nươc ngầm được Minderhoud tính toán [5]. Trục hoành là các năm 2030, 2050, 2080 và 2100, trục tung là ba kịch bản khai thác nước ngầm B1, M1 và M3.

Kịch bản B1 là kịch bản tốc độ khai thác nước ngầm bình quân năm tăng 2% kể từ năm 2018. Kịch bản M1 là kịch bản tốc độ khai thác bình quân năm tăng 0% kể từ năm 2020. Kịch bản M3 là kịch bản tốc độ khai thác bình quân năm giảm dần về 25% sau năm 2020.

Hình 1 là một minh họa cho Nhận xét (3) vì nó chỉ ra cao trình mặt đất đồng bằng biến động ra sao vào năm 2030 và 2050.

Hình 1 cũng minh họa Nhận xét (4) vì sự gia giảm khai thác nước ngầm tác động lên mức độ ngập, và đến lượt mức độ ngập này sẽ tác động lên các tác động có liên quan trong 29 tiêu chí đã được đánh giá bằng phương pháp chuyên gia.

(Nếu các Viện trong các Bộ có liên quan và Chương trình khoa học Tây Nam Bộ cùng nhau tiến hành một nghiên cứu tương tự về khai thác cát sông thì công trình đó sẽ giúp ích nhiều cho công tác quy hoạch).

4. Quy hoạch tích hợp và vai trò của cộng đồng xã hội

MDIRP đã nghĩ đến sinh kế của người dân, đã tổ chức 4 cuộc tham vấn là cần nhưng chưa đủ. Phải tích hợp ý kiến của cộng đồng xã hội vào quy hoạch.

Để có được phát triển bền vững, nếu quản lý nhà nước là quyết định thì vai trò của cộng đồng xã hội là không thể thiếu. Những tác động của Nhà nước (quy hoạch, cơ chế, thể chế, chính sách, ngân sách, …) và của cộng đồng xã hội phải đi cùng hướng thì mới dẫn đến phần giao chung của ba trụ cột, đến phát triển bền vững. Tham gia của cộng đồng xã hội vào QH tổng thể chính là để tạo sự đi cùng hướng này [6].

5. Côn Đảo và Đồng bằng sông Cửu Long

+ Hơn một lần, báo cáo MDIRP nói đến mối đe dọa của việc thiếu nước ngọt cho sinh hoạt ở các địa bàn ven biển, đến tác động tai hại của việc khai thác nước ngầm quá mức, cần phải giảm để ĐBSCL không sụt lún nhanh hơn. Nhưng giải pháp nào thì chưa rõ và hết sức lu mờ.

Tại hội nghị đánh giá hai năm thực hiện NQ 120, tác giả đã đề nghị Bộ Xây dựng, theo chức năng, đánh giá cụ thể nhu cầu nước ngọt cho dân sinh và cho sản xuất tại vùng ven Biển Đông chưa “ngọt hóa”, hiện tại và dự báo trong 5, 10 năm tới. Tác giả cũng đã đề xuất xem xét khả năng lọc nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

+ Tỷ số di cư thuần vùng đồng bằng sông Cửu Long là -39,9%, cao nhất nước. Tỷ suất này ở các tỉnh ven biển Đông còn cao hơn thế: Trà Vinh -44,4%; Sóc Trăng -75,0%; Bạc Liêu -52,2%; Cà Mau -62,7%.

Đã có những nghiên cứu di dân của vùng này đi nơi khác như là một biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng [7], [8].

Tác giả cho rằng đây không phải là giải pháp và MDIRP phải xem việc cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt của người dân vùng ven biển là một yêu cầu cần giải quyết. Điều này còn khá mờ nhạt cho đến phiên bản tháng 12/2020.

Tác giả tin rằng có nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt, người dân sẽ “bám trụ” và sẽ tìm ra mô hình sản xuất thích hợp với nước lợ, mặn bằng các giải pháp “phi công trình”. Đây mới thực sự thể hiện ĐBSCL và vùng cận duyên là một thể thống nhất.

Tác giả xin chuyển đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư lời nhắc nhở của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một ý tưởng về Côn Đảo gắn kết với đồng bằng sông Cửu Long.

6. Đôi điều mong đợi ở Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL

+ Đa dạng sinh học, đa nhịp điệu (nửa ngày, một ngày của triều, một tháng của triều cường, sáu tháng của hai mùa mưa và khô, một năm của lũ, thập niên của sự ra đời và biến đổi của những cồn bãi, cù lao, …) là những đặc điểm, đặc thù thủy văn làm nên sự đa dạng trù phú của đồng bằng, không đươc quên khi quy hoạch.

+ Tác giả không rõ hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long có tổng cộng bao nhiêu cống các loại, bao nhiêu trạm bơm các cở công suất. Bao nhiêu còn hữu ích, bao nhiêu không? Mấy chục cái cống của Dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No tồn tại trong các bản đồ như một vết sẹo, nhắc chúng ta phải tính toán thật kỹ trước khi quyết định các công trình, nhớ rằng chúng ta quy hoạch đồng bằng trong bối cảnh có nhiều yếu tố biến động và bất định.

+ MDIRP có khá hơn MDP ở chỗ nó có chú ý hơn đến vùng biển tiếp giáp và bao quanh đồng bằng. Có những khu bảo tồn trên bản đồ và cũng sẽ có thêm đê biển bao bọc đồng bằng, rất nhiều các cống sẽ được xây dựng. Tư duy đối đầu với biển, “kiểm soát” (để không nói “chống”) mặn dường như vẫn còn dai dẵng sau Nghị quyết 120.

+ Cuối cùng, đồng bằng không thể phát triển bền vững khi mà tài nguyên ngày càng kiệt quệ, tiềm năng ngày càng suy giảm. Điều này MDIRP cũng khẳng định. Tác giả mong rằng sẽ được giải quyết trong quy hoạch.

Tác giả mong rằng MDIRP và Nhà nước Việt Nam các cấp hãy xem đồng bằng như một cơ thể sống, các dòng sông là mạch máu, nước là máu, trầm tích là thịt. Hãy sống hài hòa và phát triển cùng với nó, thể hiện qua quy hoạch đồng bằng sao cho nó cường tráng hơn, sung sức hơn; hãy tồn tại hài hòa với biển (phần bù tự nhiên của nó), để nó đủ sức nuôi sống hàng triệu người dân đã bao đời gắn kết với nó, và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

CHÚ THÍCH:

[1]:- Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (CT 60-B, 1983-1990), Đại biểu Quốc hội (1992-2007).

[2]:- https://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/quan-diem-phat-trien-vung-dbscl-mdirp-quy-hoach-gi-cho-thoi-ky2021-2030-3426151/

[3]:- Báo cáo cơ sở (D3, vers. 12/12/2020), trang 211- 214.

[4]: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhóm Ngân hàng Thế Giới, Việt nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2016, ISBN 978-1-4648-0824-1

[5]: Philips S.J. Minderhoud, The sinking mega-delta Present and future subsidence of the Vietnamese Mekong delta, Utrecht Studies in Earth Sciences 168, 2019

[6] Nguyễn Ngọc Trân, Đồng bằng sông Cửu Long, 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường, 11/6/2019

http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dbscl-44-nam-chuyen-doi-kinh-te-xa-hoi-va-moi-truong-3381677/

[7] : Han Entzinger và Peter Scholten,Adapting to Climate Change through Migration: A Case Study of the Vietnamese Mekong River Delta, Publisher: IOM. 2016/

[8] UNDP Vietnam, Di cư, tái định cư và biến đổi khí hậu tại Việt Nam 2014, https://www.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Migration%20and%20climate%20change_BW_VN.pdf

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/tam-nhin-2050-trong-mdirp-va-phat-trien-ben-vung-dbscl-3426422/