Tâm nguyện đặc biệt của người phụ nữ nghèo

Đất nước thống nhất, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Cháu (sinh năm 1905, ở thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã mở rộng cửa đón BĐBP về địa bàn thực hiện nhiệm vụ. Gia đình người phụ nữ nghèo đã che chở biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải An, BĐBP Quảng Trị trong những ngày gian khó. Trước khi qua đời, bà để lại di chúc với tâm nguyện được hiến toàn bộ vườn, nhà cho Đồn Biên phòng Hải An xây dựng nhà ở cho tổ công tác địa bàn.

Trong ngôi nhà được gia đình bà Nguyễn Thị Cháu hiến tặng để Đồn Biên phòng Hải An xây dựng Tổ công tác địa bàn. Ảnh: Viết Lam

Trong ngôi nhà được gia đình bà Nguyễn Thị Cháu hiến tặng để Đồn Biên phòng Hải An xây dựng Tổ công tác địa bàn. Ảnh: Viết Lam

Về Hải Khê trong những ngày đầu tháng 4, trời nắng như đổ lửa, những trận gió từ biển thổi thốc vào khiến cát trắng bay rát mặt. Có lẽ “đặc sản” ở xã bãi ngang ven biển này là cát trắng và phi lao. Phần lớn nhà dân ở đây được xây dựng khá nhỏ so với nhiều vùng quê khác của nước ta. Nguyên nhân là do đời sống của nhân dân vẫn còn nghèo khó, họ chưa dám nghĩ đến những ngôi nhà khang trang. 90% số hộ dân địa bàn chủ yếu sống dựa vào nghề bám biển lộng, với ghe, thuyền nhỏ, thu nhập bấp bênh theo mùa. Ở vùng đất mà hầu hết các gia đình đều nghèo bởi chỉ có cây phi lao mới sống nổi thì con tôm, con cá đánh bắt từ biển về vốn đã ít lại phải quy đổi ra rất nhiều thứ để phục vụ cuộc sống hằng ngày và việc học tập của con cái mỗi gia đình.

Đồng cảm với nỗi vất vả của người dân, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải An luôn nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để cùng chính quyền địa phương nâng cao đời sống nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, những người lính Biên phòng luôn là điểm tựa vững chắc cho nhân dân ở vùng đất khó này.

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trong năm qua, Đồn Biên phòng Hải An đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Lăng quyên góp, hỗ trợ sửa chữa được 2 ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Cán bộ, chiến sĩ cũng đang nhận đỡ đầu 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn và thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão...

Cùng đi với Trung tá Hoàng Văn Viễn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hải An xuống địa bàn, tôi đã cảm nhận được tình cảm quân dân ở đây. Vào bất cứ hộ dân nào cũng thấy cán bộ Biên phòng được đón tiếp nồng ấm như những người thân trong gia đình. Trung tá Viễn nắm rất rõ từng ngõ ngách, nhà dân ở xã bãi ngang ven biển này, bởi anh về công tác ở Đồn Biên phòng Hải An từ khi mới ra trường với cương vị là một cán bộ vận động quần chúng tại địa bàn. Rồi anh chuyển công tác đến một số đơn vị, mới đây lại về Đồn Hải An nhận nhiệm vụ Chính trị viên.

Đi một vòng quanh địa bàn rồi Chính trị viên Viễn dẫn chúng tôi vào thăm Tổ công tác Biên phòng tại xã Hải Khê. Nơi đây, tổ thường xuyên duy trì 4-5 cán bộ bám địa bàn. Nơi sinh hoạt của những cán bộ Biên phòng nằm dưới rặng phi lao cũng nhỏ, khiêm nhường như bao ngôi nhà khác ở vùng quê nghèo này. Điều đặc biệt là giữa ngôi nhà có bàn thờ với di ảnh một người phụ nữ. Như hiểu được những suy nghĩ của chúng tôi, Trung tá Viễn nói, đó là bàn thờ của chủ nhân ngôi nhà này.

Anh Viễn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hàng chục năm trước; Sau khi đất nước thống nhất, Đồn Biên phòng 212 được thành lập (sau này đổi tên là Đồn Biên phòng Mỹ Thủy rồi Đồn Biên phòng Hải An), với nhiệm vụ bảo vệ đoạn bờ biển dài 13,4km và đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn 2 xã Hải An và Hải Khê. Những năm đó, tình hình an ninh ở những địa phương vùng biển do đơn vị đảm nhiệm vẫn nhiều phức tạp.

Nổi lên là tình trạng vượt biên trái phép, các đối tượng phản động lén lút móc nối nhằm gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tăng cường xuống bám dân, nắm địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, rất nhiều gia đình tại các làng biển mở rộng cửa đón bộ đội về nhà ở để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

Trung tá Nguyễn Văn Viễn thắp nén nhang tưởng nhớ người phụ nữ có tấm lòng đặc biệt. Ảnh: Viết Lam

Gia đình bà Nguyễn Thị Cháu, ở thôn Trung An, xã Hải Khê là trường hợp đặc biệt nhất. Khi đất nước còn chia cắt, chồng của bà bị bắt đi lính phục dịch, nấu ăn trong một đơn vị quân đội của chế độ cũ. Khi hòa bình lập lại, ông trở về quê hương và ngôi nhà của đôi vợ chồng nghèo lại trở thành nơi che chở BĐBP. Ông bà chỉ chọn cho mình một góc nhỏ, còn phần lớn ngôi nhà được dành cho bộ đội sinh hoạt và làm việc.

Hằng ngày, chồng đi biển đánh cá, bà Cháu chạy chợ. Tiền kiếm được ông bà dùng một phần mua thức ăn cho bộ đội. Cứ như thế, cán bộ Biên phòng này chuyển công tác đi nơi khác thì lại có người mới về ở với gia đình bà. Ông bà cũng tích cực tham gia cùng BĐBP tuyên truyền bà con chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kể những câu chuyện về gia đình bà Cháu mà mắt Trung tá Viễn đỏ hoe, anh nói: “Chắc hiếm có gia đình nào thương bộ đội như gia đình bà Cháu. Sau khi chồng qua đời, bà nói, “các con cứ ở lại nhà mệ, bám địa bàn, giúp dân”. Sau này, khi tuổi cao sức yếu, hằng ngày bà Cháu vẫn phụ giúp anh em nấu ăn. Những ngày lễ, Tết, bà lại đi bộ ra Đồn Biên phòng Hải An để chung vui với cán bộ, chiến sĩ”. Những năm tháng cuối đời, bà Nguyễn Thị Cháu luôn sống vui vẻ trong căn nhà nhỏ với cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Đến năm 2007, bà qua đời vì tuổi cao sức yếu. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà đã để lại di chúc với tâm nguyện được hiến tặng toàn bộ nhà, đất để Đồn Biên phòng Hải An làm địa điểm xây dựng nhà ở cho tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn. Rồi ngôi nhà của ông bà được sửa lại để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải An thực hiện nhiệm vụ cho đến bây giờ. Gian giữa ngôi nhà, cán bộ Biên phòng đã lập bàn thờ với di ảnh của bà Cháu. Cứ đến ngày giỗ bà, cán bộ trong tổ công tác lại làm mâm cơm nhỏ, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đến người phụ nữ đã cùng gia đình đùm bọc bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tam-nguyen-dac-biet-cua-nguoi-phu-nu-ngheo/