Tâm nguyện của một người yêu Huế

Người phụ nữ ấy luôn mong mỏi người lao động có bữa cơm chiều bên gia đình, trẻ mồ côi có nơi nương tựa

Một ngày đầu xuân phảng phất lạnh và mưa bay bay. Tại một khách sạn ở đường Hàm Nghi của TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có nhiều người đàn ông với khuôn mặt chai sạm vì nắng gió. Trên người họ áo ướt đẫm dính chặt lưng. Những chiếc áo ấy không ướt vì mưa mà là mồ hôi, bởi người này vừa còng lưng trên xích lô, xe thồ để mưu sinh.

Tâm nguyện làm công việc xã hội

Họ là đoàn viên thuộc Nghiệp đoàn Xích lô, xe thồ TP Huế và lần đầu được thưởng thức món piza ở khách sạn cao cấp do chủ nhân khách sạn mời.

Những đôi tay luống cuống, những nét mặt ngường ngượng bởi chủ nhân không biết "tay mô cầm nĩa, tay mô cầm dao" để ăn piza. Đứng cạnh họ, bà Cecile Lê Phạm - chủ khách sạn, với dáng người "Tây Tây" nở nụ cười trìu mến, nhẹ nhàng chỉ cách dùng nĩa, dùng dao cho những vị khách đặc biệt ngày hôm ấy. Nhìn họ ăn, lòng bà dậy lên niềm hạnh phúc, vui sướng. Rồi khóe mắt bà đỏ hoe sau lời nói của một người đạp xích lô: "Khi cô đi ra ngoài mà gặp người xích lô nào lỡ có điều gì chưa phải thì hãy tha thứ cho họ cô nhé, vì đôi khi họ không biết phải làm sao cho vừa lòng khách".

Bà Cecile là Tổng Giám đốc Tập đoàn Dacotex, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ cô nhi tại Việt Nam (ASSORV). Cha bà người Pháp, mẹ người Việt. Bà được sinh tại Huế và sống cùng mẹ tại TP Cần Thơ.

Bà Cecile

Bà Cecile

Đầu năm 1980, bà cùng chồng, là một bác sĩ giỏi về giải phẫu, sang Pháp định cư khi cha bà mất. "Mẹ tôi sống ở Cần Thơ vì không muốn sang Pháp. Vậy nên khi đó, tôi có ước muốn trở về bên mẹ. Tôi chưa từng sống cạnh cha nên thấu hiểu được sự thiếu thốn tình cảm của cha. Đó cũng là nguồn gốc vì sao tôi có tâm nguyện làm những công việc xã hội, nuôi những đứa trẻ mồ côi". Và bà Cecile đã quay lại Việt Nam vào đầu năm 1990.

Năm 1992, ASSORV được thành lập ở Pháp với chừng 300 hội viên, trong đó có rất nhiều Việt kiều và bà Cecile đảm nhận vai trò phó chủ tịch. Cũng năm ấy, bà và những thành viên của ASSORV rất xúc động khi được người mẹ hiến đất để xây cô nhi viện đầu tiên trên quê hương Việt Nam. Cô nhi viện này có tên là Hoa Mai Cần Thơ, nay thuộc huyện Châu Thành A (Hậu Giang), sau khi xây cất hoàn thành đã đón 50 trẻ "bụi đời", mồ côi đủ mọi lứa tuổi, về nuôi dưỡng.

Những năm tiếp theo, ASSORV thành lập thêm 2 cơ sở nuôi dạy trẻ Hoa Mai Vị Thanh (Hậu Giang) và ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), để nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn. "Mỗi cơ sở như thế, lúc nào cũng có chừng 50 cháu được chúng tôi nuôi dưỡng. Đến nay, tính đã có hàng ngàn em được những cơ sở này nuôi dưỡng khôn lớn. Lúc đầu, chúng tôi nhận nuôi các cháu nhưng không chú trọng đến vấn đề việc làm khi các cháu trưởng thành. Vì thế, giai đoạn đầu, nhiều em sau khi ra đời khó tìm kiếm việc làm, thậm chí có em rơi vào cảnh bị lừa" - bà Cecile tâm sự.

Năm 1999, bà Cecile thuê nhà ở khu Bảy Hiền (TP HCM) để ở. Tại đây, bà chứng kiến rất nhiều cô, cậu chừng 16-18 tuổi người miền Trung phải rời quê hương vào đây làm công kiếm tiền giúp gia đình. Hình ảnh 8-10 em cùng thuê một phòng trọ chật hẹp sống tá túc qua ngày, nhiều khi ốm đau thiếu bàn tay mẹ chăm sóc, khiến bà day dứt mãi. Nhất là những dịp cận Tết, nhiều em phải đi làm thêm, tăng ca để có chút tiền tàu xe về quê.

Làm sao để tạo được công việc cho các em ở cô nhi viện khi chúng trưởng thành? Làm sao giúp các công nhân có "một bữa cơm chiều" cùng với gia đình sau một ngày vất vả? Những câu hỏi như thế cứ quẩn quanh trong tâm trí bà Cecile.

Năm 2002, bà và 2 người Pháp khác quyết định thành lập Tập đoàn Dacotex chuyên về may hàng xuất khẩu để thực hiện "tham vọng" trên. Ngoài nhà máy ở TP HCM, những năm 2000, Dacotex đã vươn dài ra tận Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Và ước mơ tạo công việc cho trẻ mồ côi, để các công nhân nghèo miền Trung có một bữa cơm chiều bên gia đình mỗi ngày đã thành hiện thực khi bà "kéo" nhà máy về tới quê hương họ.

"Khi lập tập đoàn kinh doanh thì chúng tôi cam kết với nhau rằng dùng lợi nhuận để giúp những đứa trẻ lang thang, bụi đời. Đến bây giờ, chúng tôi chưa đưa một đồng lợi nhuận chuyển ra nước ngoài" - bà Cecile tâm sự.

Bà Cecile nói rằng chuyến cứu trợ người dân sau cơn lũ năm 1999 của bà không thể ra Huế vì đèo Hải Vân sạt lở, ách tắc gần nửa tháng tưởng chừng thế là không có duyên với Huế. Tuy nhiên, hình ảnh những công nhân lam lũ, tha hương ở TP HCM đã "kéo" bà đến với Huế.

Bà Cecile và các cộng sự cùng trẻ được nuôi dưỡng ở cơ sở Hoa Mai tại Đà Nẵng

Bà rất thân với tổ chức Công đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua các chương trình như sơn, làm đẹp cho các xích lô phục vụ khách du lịch. Tặng hàng ngàn chiếc áo, đồ che mưa, giỏ đựng rác cho những người đạp xích lô xứ Huế. Phía trước những chiếc áo mưa, bà cho in chữ "xin chào’’ bằng nhiều thứ tiếng. Đó là điều bà vận động những người hành nghề xích lô tại Huế thực hiện. Bà Cecile nói nhớ thuở bà còn nhỏ, các thế hệ học sinh đều được nhà trường rất chú trọng dạy đạo đức, dạy tiếng chào.

"Thành phố của chúng ta đang thiếu lời chào so với những thành phố khác trên thế giới mà tôi từng đến. Tôi rất vui khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay rất quan tâm đến việc dạy đạo đức trong trường học. Huế là một trong những thành phố tích cực với việc dạy môn học này trong thời nay" - bà Cecile chia sẻ và còn "tham lam" khi đưa ra những yêu cầu đối với tổ chức Công đoàn của tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc tổ chức các lớp học tiếng nước ngoài nói về lịch sử Huế cho người đạp xích lô để họ có thể trò chuyện với du khách.

Một lần, tình cờ dạo chơi trên xích lô, bà Cecile đã bất ngờ khi được người đạp xe giới thiệu cho bà về vẻ đẹp cổ kính của các công trình kiến trúc tại Huế. Bà Cecile quá xúc động vì những người như họ, sau khi được dạy đã dần thay đổi nhận thức, trở thành một hướng dẫn viên cho du khách.

Luôn hướng thiện

Trong khuôn viên khách sạn của bà ở Huế, bà dẫn tôi men theo con đường đi vào nơi trưng bày hàng ngàn hiện vật mà bà dày công sưu tầm. Cecile tâm sự rằng "tham vọng" cuối cùng của mình là được chính quyền cho phép thành lập một trung tâm văn hóa do bà đầu tư để triển lãm những bảo vật của thế giới, của Việt Nam mà bà dày công sưu tầm.

Tôi thì thấy ở đó dễ dàng nhận ra cái tâm của bà Cecile luôn hướng thiện, bởi vô vàn tượng phật được người phụ nữ này sưu tầm. Và nếu như sự "tham lam" của bà được hiện thực hóa thì Huế sẽ có thêm một bảo tàng triển lãm những thứ mà mảnh đất cố đô còn thiếu, như đồ dùng pháp lam tinh túy thế giới, trống đồng cổ, bức tranh thêu Bát nhã tâm kinh cổ, tranh thêu trường học Đông Dương những năm 1930, một số cổ vật được trục vớt đưa từ dưới đáy sông lên...

Rồi ở trung tâm đó sẽ có một bảo tàng mang tên vua Hàm Nghi mà bây giờ bà đang xây dựng ý tưởng dành một nơi đặc biệt nhất để nói về vị vua yêu nước chống Pháp và bị lưu đày biệt xứ quá sớm. "Tôi đã đến mộ vua Hàm Nghi, mộ các công chúa vì quá ngưỡng mộ ông. Tại Huế, tôi sống trên đường Hàm Nghi, nhưng ở đây chưa có thứ gì dành cho ông nên tôi muốn làm một bảo tàng như vậy’’ - bà Cecile tâm sự.

Cecile nói rằng bà có 3 người con đã khôn lớn nhưng họ đều giữ thói quen đến bất kỳ nơi đâu cũng vào các bảo tàng nhằm hiểu biết thêm về văn hóa, lịch sử của vùng đất đó.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bài và ảnh: Thanh An

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tam-nguyen-cua-mot-nguoi-yeu-hue-20191214220104776.htm