Tâm nguyện của một cựu sĩ quan Công an nhân dân vũ trang

Ở tuổi 75, ông Nguyễn Văn Chất vẫn khắc khoải không thôi với tâm nguyện tìm thấy phần mộ của người em trai là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân, hy sinh khi còn ở tuổi đôi mươi vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân và tờ giấy báo tử.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân và tờ giấy báo tử.

Ông Nguyễn Văn Chất, sinh ngày 28-4-1945, nguyên là Đại úy, từng công tác tại đơn vị cơ động Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Giang, hiện nay nghỉ hưu tại khu 6, xã Đại An, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Trong câu chuyện về người em trai của mình, ông cho chúng tôi biết, nguồn thông tin duy nhất về địa chỉ chính xác phần mộ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân là từ ông Phạm Anh Thiện, quê xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, năm xưa là Trung đội trưởng, trực tiếp chiến đấu cùng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân. Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại, chất chứa biết bao cảm xúc: “Hy vọng duy nhất của tôi và gia đình gần 50 năm qua đã không còn nữa, cháu ạ, anh Thiện mất rồi...”. Câu chuyện giữa chúng tôi mới bắt đầu đã rơi vào khoảng lặng của sự xúc động và day dứt.

Được biết, ông Phạm Anh Thiện là người báo tử của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân. Ông Nguyễn Văn Chất đã có 2 lần gặp ông Thiện. Lần theo trí nhớ, ông Chất kể lại: “Lần đầu tiên gặp anh Thiện là năm 1970, khi tôi ở đơn vị cơ động Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Giang. Vào một buổi sáng, anh Thiện đến thăm và đưa một lá thư của Quân cho tôi, anh cho biết tình hình sức khỏe và công tác của em tôi vẫn tốt... Cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi, hai anh em tạm biệt nhau, anh về nông trường chè Việt Lâm - nơi vợ con anh đang sinh sống và ngày mai, anh phải trở lại đơn vị chiến đấu. Tôi chỉ còn nhớ tên anh là Thiện, quê ở tỉnh Hải Dương. Anh là Trung đội trưởng trực tiếp của Quân”.

Lần gặp gỡ thứ hai là cuối năm 1971, khi ông Thiện đến đơn vị thăm ông Chất. “Lần này, anh Thiện cho biết Quân đã hy sinh trong một trận đánh ở sân bay Long Chẹn, Lào. Tôi hay tin em trai mình hy sinh như sét đánh ngang tai, đôi mắt nhòe lệ từ lúc nào. Em tôi vừa bước qua tuổi 20, còn biết bao ước mơ, hoài bão”.

Từ khi còn bé, Nguyễn Ngọc Quân đã mong ước được đi bộ đội, đeo ba lô và cầm súng trên vai, quyết tâm đánh giặc cứu nước. Năm 18 tuổi, Nguyễn Ngọc Quân đã tình nguyện nhập ngũ. Sau khi đất nước được hòa bình, thì như bao thanh niên khác, anh ước mong được quay về xây dựng quê hương. Nguyễn Ngọc Quân đã hy sinh ngày 1-11-1971, tại mặt trận phía Tây (khu vực biên giới thuộc nước bạn Lào, đối diện tỉnh Nghệ An của Việt Nam) khi anh vừa tròn 21 tuổi đời và 3 năm 8 tháng tuổi quân.

Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân, sinh năm 1950, nhập ngũ tháng 4-1968, cấp bậc Hạ sĩ, đơn vị D25-K9, hy sinh ngày 1-11-1971, tại mặt trận phía Tây; mai táng tại nghĩa trang mặt trận, theo giấy báo tử của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Đồng đội, bạn bè ai biết phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân ở đâu, xin báo tin về cho gia đình theo địa chỉ: Nguyễn Văn Chất, khu 6, Đại An, Thanh Ba, Phú Thọ; số điện thoại: 0973744857 hoặc 0352282225.

Theo những gì ông Chất còn nhớ, sau khi Nguyễn Ngọc Quân đi trinh sát sân bay, chuẩn bị cho trận đánh xong thì quay về đơn vị và dẫn đơn vị vào đánh. Đơn vị đến địa điểm tập kết thì thiếu một đồng chí, Nguyễn Ngọc Quân được lệnh quay lại đón, mới đi được vài trăm mét thì bị một loạt đạn pháo bắn từ sân bay ra không may đúng vào vị trí của anh, một mảnh đạn pháo găm đúng vào trán, anh hy sinh tại chỗ. Đồng đội quay lại thì anh đã không còn thở nữa nên đã đưa thi thể anh vào túi tử thương chôn tạm bên miệng hố pháo. Khi trận đánh sân bay Long Chẹn hoàn thành, đơn vị quay ra vị trí mai táng tạm liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân để đưa anh về đơn vị lo hậu sự, nhưng nơi đó giờ đã chi chít hố pháo trùm lên. Đồng đội chia nhau đi tìm và chỉ lượm được rất ít xương thịt gói vào làm lễ truy điệu, sau đó chôn cất anh ở nghĩa trang mặt trận Sư 312 tiền phương.

Giọng ông Chất run run: “Anh Thiện còn nói rõ và cho tôi sơ đồ mộ chí của Quân. Tôi đã ghi đầy đủ vào cuốn nhật ký của mình. Cuối năm đó, tôi lên đường đi B2 vào Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, địch đánh ác liệt, sau 4 tháng, chúng tôi mới vào đến nơi, cuốn nhật kí tôi mang theo bị mất... Vì thời gian quá lâu nên tôi không nhớ những tư liệu anh cung cấp. Gần 50 năm qua, mong muốn lớn nhất của gia đình tôi là tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Quân, để em được về với hơi ấm của gia đình”.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tam-nguyen-cua-mot-cuu-si-quan-cong-an-nhan-dan-vu-trang/